Ngày 6/9, TAND tỉnh Hải Dương mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp về kinh doanh thương mại phát sinh từ hợp đồng trong hoạt động xây dựng công trình giữa Công ty Đại Sơn và Công ty Licogi.
Trong đó, nguyên đơn là Tổng công ty Licogi - CPTC (viết tắt là Công ty Licogi) trụ sở tại Nhà G1, phường Thanh Xuân, quận Thanh Xuân – TP Hà Nội và bị đơn là Công ty Cổ phần phát triển và Đầu tư Đại Sơn (viết tắt là Công ty Đại Sơn) trụ sở tại Km39, Quốc lộ 18, Khu đô thị Đại Sơn, phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Phiên tòa phúc thẩm diễn ra do có kháng cáo của bị đơn.
Tại phiên phúc thẩm, sau khi nghe đại diện hai bên là Công ty Đại Sơn và Công ty Licogi trình bày trước tòa, xét thấy trong vụ án tranh chấp này còn nhiều vấn đề cần bổ sung chứng cứ và tài liệu, nên Hội đồng xét xử đã quyết định tạm ngừng phiên tòa để làm rõ các vấn đề cụ thể.
Thứ nhất, Hội thẩm nhân dân là ông Nguyễn Văn Thành – cán bộ hưu trí của Licogi có mối quan hệ như thế nào với Licogi? Việc ông Thành làm Hội thẩm nhân dân có khách quan hay không? Toà án tỉnh cần xác minh làm rõ.
Thứ hai, liên quan đến tiêu chí đánh giá các hạng mục đã đầu tư của Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương tại báo cáo số 46/BC-SXD như thế nào? Toà cũng cần xác minh làm rõ ý kiến của Sở Xây dựng về việc này.
Thứ ba, liên quan đến việc sử dụng điện của Licogi: Licogi có cung cấp cho toà hợp đồng mua bán điện, tuy nhiên không cung cấp được tài liệu chứng minh việc sử dụng điện và hoá đơn có liên quan. Trên thực tế, Licogi có thực hiện việc cung cấp, mua bán điện này hay không? Cách tính điện như thế nào, toà cũng cần xác minh làm rõ.
Thứ tư, liên quan đến việc Licogi đưa ra quan điểm có thông báo cho Công ty Đại Sơn về việc tạm ngừng thi công, nhưng chưa cung cấp được tài liệu cho toà án. Toà án cũng không nhận được tài liệu như Licogi trình bày, do đó việc này cũng cần phải được xác minh làm rõ.
Thứ năm, liên quan đến việc Công ty Đại Sơn yêu cầu toà án triệu tập những người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan đến vụ án là Ông Đỗ Thanh Hà – Giám đốc Công ty Cometco và Ông Hoàng Thanh Tùng – Trưởng ban điều hành công trường là hai người trực tiếp thực hiện việc thi công tại công trường để làm rõ hơn các tình tiết của vụ án. Toà án cũng cần làm rõ về vấn đề trên.
Liên quan đến việc Licogi có “người nhà” trong Hội thẩm nhân dân, ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP phát triển và đầu tư Đại Sơn cho biết, sau khi xử xong sơ thẩm tại tòa án nhân dân thị xã Chí Linh, ông Nguyễn Văn Thành là Hội thẩm nhân dân có nói rằng, trước đây ông Thành từng công tác tại Licogi khiến ông Bắc “giật mình” và cảm thấy rất lo ngại. Vì theo ông Bắc, ở đây có mối quan hệ “người nhà” nên “rất khó nói” về câu chuyện khách quan trong quá trình xét xử.
“Chúng tôi không có ý nói rằng, Hội thẩm nhân dân có thiên vị hay không, nhưng theo quy định của luật, những người có liên quan như vậy sẽ đánh mất tính khách quan. Chúng tôi không đánh giá ông Thành có nâng đỡ hay hỗ trợ cho phía Licogi hay không, nhưng với thông tin như vậy khiến chúng tôi thấy không khách quan”, ông Bắc nhấn mạnh tại phiên phúc thẩm.
Do đó, với tư cách chủ đầu tư và cũng là người phản tố trong vụ án, ông Bắc kiến nghị cần xem xét lại việc Hội thẩm nhân dân là “người nhà” của Licogi. Vì ngay sau khi biết được thông tin này, Công ty Đại Sơn đã có văn bản chính thức gửi lên tòa và hoàn toàn chịu trách nhiệm về văn bản này.
Cũng theo ông Bắc, có một số tình tiết quan trọng không được Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm xem xét một cách thấu đáo, như việc nhà thầu Licogi không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thực hiện Hợp đồng theo quy định.
"Hợp đồng chính hai bên thỏa thuận thực hiện công việc trong 256 ngày. Nhưng trong quá trình thi công phía nhà thầu Licogi chậm tiến độ, cụ thể 1.060 ngày mới hoàn thành được 53,7% công việc. Theo điều 4.2 Bảo lãnh thực hiện Hợp đồng: "Nhà thầu phải đảm bảo rằng bảo lãnh thực hiện có giá trị và hiệu lực cho đến khi nhà thầu đã thi công, hoàn thành xong công trình và sửa chữa xong các sai sót. Nếu các điều khoản của bảo lãnh thực hiện có ghi rõ ngày hết hạn và nhà thầu vẫn chưa được quyền nhận chứng chỉ thực hiện vào thời gian còn 28 ngày trước khi hết hạn bảo lãnh thực hiện cho tới khi công trình được hoàn thành và mọi sai sót được sửa chữa xong".
Quy định là vậy, tuy nhiên, ngày 13/7/2007, phía chủ đầu tư (Công ty Đại Sơn) chỉ nhận được 02 chứng thư bảo lãnh của nhà thầu Licogi phát hành số: 21136000193851 số tiền 3.680.993.880 đồng; 21136000193860 số tiền 1.800.071.522 đồng. Thời hạn bảo lãnh 15/6/2007 - 16/5/2008" - ông Bắc cho biết thêm.
Trước đó, trong đơn kháng cáo lại toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm số 02/2018/KDTM-ST đã được Tòa án nhân dân thị xã Chí Linh tỉnh Hải Dương đưa ra xét xử ngày 5/10/2018 và tuyên án ngày 15/10/2018, gửi tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương ngày 25/10/2018, Công ty Đại Sơn cho rằng, trong quá trình xét xử vụ án, Hội đồng xét xử đã không xem xét, đánh giá chứng cứ một cách nghiêm túc, toàn diện, và khách quan nên dẫn đến nội dung bản án không phù hợp với những tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được cung cấp, không phản ánh đúng thực chất kết quả hỏi đáp, tranh luận của các bên đương sự và những người tham gia tố tụng tại phiên tòa ngày 5/10/2018.
"Vì vậy, quyết định của bản án sơ thẩm nêu trên không phản ánh đúng bản chất sự việc, không khách quan và có phần thiên vị cho phía nguyên đơn làm xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của phía bị đơn" - đơn kháng cáo nêu rõ.
Tóm tắt nội dung vụ án như sau: Ngày 8/6/2007, Licogi và Đại Sơn cùng nhau ký hợp đồng số 426A – HĐKT – KH về gói thầu hạ tầng Trường trung cấp Huấn nghề Việt Mỹ tại Cộng Hòa – Chí Linh – Hải Dương và hợp đồng số 426B – HĐKT – KH về gói thầu thi công xây dựng hạ tầng khu du lịch, nhà nghỉ, trung tâm huấn nghệ và công nghệ cao do công ty Đại Sơn làm chủ đầu tư. Hợp đồng có các nội dung cơ bản: Công ty Đại Sơn giao cho công ty Licogi thực hiện toàn bộ công tác xây lắp theo hồ sơ thiết kế đã được chủ đầu tư phê duyệt và bảng tính khối lượng do nhà thầu lập kèm theo. Các hợp đồng đều theo hình thức trọn gói, giá trị hợp đồng số 426A là 14.939.932.970 đồng bao gồm 10% giá trị gia tăng; giá trị hợp đồng số 426B là 40.098.130.243 đồng bao gồm 10% giá trị gia tăng. Thời gian hoàn thành công trình là 256 ngày lịch (không kể ngày lễ, tết và các trường hợp bất khả kháng...). Ngày 28/12/2012, hai bên ký văn bản chấm dứt hợp đồng. Công ty Licogi yêu cầu Công ty Đại Sơn phải thanh toán tiền gốc còn nợ là 4.449.989.594 đồng và tiền lãi tính đến ngày 31/12/2016 là 4.972.982.149 đồng. Công ty Đại Sơn không chấp nhận yêu cầu của Công ty Licogi và khẳng định không nợ tiền Licogi, số tiền 4.449.989.594 đồng Công ty Đại Sơn giữ lại nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chủ đầu tư. Đồng thời, qua đối trừ với số tiền Công ty Đại Sơn đã thanh toán cho Công ty Licogi, thì phía Licogi phải thanh toán trả Công ty Đại Sơn số tiền 1.660.843.114 đồng. Không giải quyết được tranh chấp, Công ty Licogi kiện Công ty Đại Sơn ra tòa. Xử sơ thẩm, TAND thị xã Chí Linh, Hải Dương đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty Licogi và chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của Công ty Đại Sơn. Đồng thời, buộc Công ty Đại Sơn phải thanh toán trả cho Công ty Licogi số tiền là 7.215.179.898 đồng. |
DĐDN sẽ tiếp tục thông tin