"Ông trùm" BOT Tasco vẫn "liêu xiêu"

Khánh Hà 07/10/2019 01:33

6 tháng đầu năm 2019, Tasco báo lỗ 13,1 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ năm ngoái dù có sụt giảm vẫn ghi nhận mức lãi 41,2 tỷ đồng…

Công ty cổ phần Tasco (mã CK: HUT) vừa công bố báo cáo bán niên 2019 đã qua soát xét. Theo đó, doanh thu hợp nhất của Tasco là 600 tỷ đồng, nhích nhẹ ở mức 0,2% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả kinh doanh đi xuống

Trong cơ cấu doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 của Tasco, doanh thu đến từ kinh doanh bất động sản chỉ đạt 64 tỷ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh thu hợp đồng xây dựng đạt 192 tỷ đồng; tăng gấp 8 lần cùng kỳ…

Đại gia BOT Tasco báo lỗ sau 3 năm đặt tham vọng với bất động sản.

Đại gia BOT Tasco báo lỗ sau 3 năm đặt tham vọng với bất động sản.

Do giá vốn bán hàng tăng 13% so với cùng kỳ, cùng với chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) tăng mạnh tới 87,3% khiến lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2019 của Tasco âm 13,16 tỷ đồng.

Trong khi đó cùng kỳ năm ngoái dù không mấy khởi sắc nhưng vẫn ghi nhận khoản lãi 47,6 tỷ đồng.

Theo giải trình của Tasco, doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 của công ty chủ yếu đến từ hoạt động xây lắp, dịch vụ thay vì từ hoạt động kinh doanh bất động sản, trong khi tỷ suất lợi nhuận của hoạt động xây lắp dịch vụ thấp hơn nhiều so với tỷ suất lợi nhuận của hoạt động kinh doanh bất động sản.

“Các dự án bất động sản mới của công ty đang trong giai đoạn đầu tư, chưa đủ điều kiện bán hàng”, lãnh đạo Tasco lý giải.

Trong khi đó, chi phí tài chính tăng mạnh theo Tasco là do chi phí lãi vay của dự án BOT quốc lộ 10 đoạn từ cầu Quán Toan đến cầu Nghìn bắt đầu được hạch toán vào chi phí tài chính kỳ từ đầu năm 2019.

Hiện Tasco có 3 lĩnh vực đầu tư mang yếu tố cốt lõi là bất động sản, đầu tư hạ tầng giao thông.

Đối với lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông, Tasco là chủ của các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, BOO. Tasco xây dựng nhiều tuyến đường huyết mạch và các trạm thu phí tự động quy mô toàn quốc.

Ở lĩnh vực từng được gọi danh diệu "ông trùm" đó là BOT, Tasco không được suôn sẻ khi 3 trên 5 trạm thu phí BOT của doanh nghiệp không thu được phí đã ảnh hưởng rất lớn tới dòng tiền và hiệu quả hoạt động, phá vỡ các dự tính và dự báo của công ty này trong năm 2018.

Doanh nghiệp này cũng chuyển sang kinh doanh bất động sản với nhiều dự án quy mô lớn. Tuy nhiên, tính đến 30/6/2019, số lượng dự án ở tình trạng “xây dựng cơ bản dở dang” của Tasco khá nhiều. Trong đó có một số dự án “găm” khá nhiều vốn của Tasco như Dự án khu đô thị mới Vân Canh Hoài Đức (291 tỷ đồng); Dự án khu nhà ở sinh thái tại xã Xuân Phương – Foresa Villa (331 tỷ đồng); Dự án xây dựng hệ thống thu phí không dừng (637 tỷ đồng); dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến đường 70 (274 tỷ đồng)…

Trong số trên, nhiều dự án được Tasco kỳ vọng mang lại doanh thu lớn như Dự án khu đô thị mới Vân Canh Hoài Đức; Dự án khu nhà ở sinh thái tại xã Xuân Phương – Foresa Villa… Hay dự án thu phí không dừng VETC.

Ngoài ra, Dự án VETC chậm tiến độ so với kế hoạch gây cho Tasco không ít khó khăn. Theo hợp đồng và phương án tài chính của dự án đã ký với Bộ GTVT, dự án VETC được hưởng mức phí 7-8% trên doanh thu, tương đương với mức chi phí quản lý thu của các dự án BOT.

Tuy nhiên, thực tế triển khai gặp rất nhiều khó khăn từ chính sách cũng như các nhà đầu tư BOT, mức phí mà VETC được hưởng chỉ khoảng 5-10% mức phí đã ký trong hợp đồng BOO. Vì vậy, doanh thu của dự án VETC thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch.

Bên cạnh đó, Tasco cũng gặp vướng liên quan đến dự án đổi đất lấy hạ tầng. Cụ thể, ngày 28/3/2018, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các Bộ, UBND thành phố các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương “yêu cầu tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 01/01/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT có hiệu lực thi hành”.

Đến ngày 28/12/2018, Chính phủ mới ban hành nghị quyết số 160/NQ-CP về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

Theo đó, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình BT được ký kết theo quy định của pháp luật trước ngày 1/1/2018 mà chưa hoàn thành việc thanh toán thì tiếp tục thực hiện thanh toán theo nội dung hợp đồng BT đã ký kết, bảo đảm đúng quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai, pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan đang có hiệu lực tại thời điểm ký kết hợp đồng BT.

Việc này khiến cho việc quyết toán tuyến đường BT Lê Đức Thọ mà công ty này đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 4/2017 gặp nhiều khó khăn hơn dự kiến ban đầu, ảnh hưởng lớn tới tiến độ các dự án bất động sản được thanh toán theo hợp đồng BT này.

Kỳ vọng ở việc "đổi tướng"?

Mới đây, Tasco vừa công bố quyết định thay đổi nhân sự ở vị trí cấp cao Tổng Giám đốc công ty.

Cụ thể, Hội đồng quản trị Tasco đã thống nhất miễn nhiệm chức danh tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Văn Dưỡng và bổ nhiệm ông Nguyễn Viết Tân (sinh năm 1981) thay vào vị trí nói trên. Ông Tân đồng thời cũng là người đại diện theo pháp luật của Tasco.

Có thể bạn quan tâm

  • Đèo Cả, Cienco 4, Tasco, Phương Thành

    Đèo Cả, Cienco 4, Tasco, Phương Thành "nô nức" liên danh dự thầu cao tốc Bắc - Nam

    00:03, 15/07/2019

  • Tasco Hải Phòng vẫn chậm hỗ trợ, bồi thường trong dự án mở rộng QL10

    Tasco Hải Phòng vẫn chậm hỗ trợ, bồi thường trong dự án mở rộng QL10

    12:52, 28/05/2019

  • Tasco phải tháo dỡ toàn bộ trạm BOT Tân Đệ trước ngày 28/1

    Tasco phải tháo dỡ toàn bộ trạm BOT Tân Đệ trước ngày 28/1

    18:35, 14/01/2019

  • Vì sao đại gia Tasco trên sàn

    Vì sao đại gia Tasco trên sàn "ngậm ngùi" chia tay dự án BOT?

    09:34, 04/12/2017

Dưới thời ông Dưỡng, Tasco đã đối mặt giai đoạn kinh doanh ảm đạm nhất trong nhiều năm, bắt nguồn từ những vấn đề xoay quanh các dự án đầu tư hạ tầng BOT, BT của đơn vị này. Thậm chí, dự án BOO (về thu phí tự động không dừng) của Tasco cũng gặp không ít khó khăn trong công tác triển khai và vẫn chưa thể có lãi.

Việc thay ghế tổng giám đốc tại Tasco diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp này đang trong vòng vây khó khăn. Kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh, từ mức kỷ lục hơn 403 tỷ đồng vào năm 2016, lãi ròng công ty mẹ sụt xuống còn 305 tỷ đồng trong năm 2017 rồi còn hơn 77 tỷ đồng vào năm 2018 và báo lỗ gần 8 tỷ đồng trong nửa đầu 2019.

Có vẻ như cổ đông của Tasco vẫn đang chờ đợi những thay đổi đáng kể nào đó từ doanh nghiệp này sau khi thay tổng giám đốc tới 2 lần trong vòng 2 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Ông trùm" BOT Tasco vẫn "liêu xiêu"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO