Pate Minh Chay chứa độc tố: Công ty Lối Sống Mới phải chịu trách nhiệm thế nào?

Diendandoanhnghiep.vn Theo luật sư Đặng Văn Cường, các cá nhân, tổ chức cung cấp thực phẩm gây ngộ độc cho người tiêu dùng có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Liên quan đến sự việc 9 trường hợp ngộ độc được đưa vào các bệnh viện lớn ở Hà Nội và TP HCM cấp cứu, điều trị bước đầu xác định tất cả các bệnh nhân này đều sử dụng một sản phẩm là Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới (địa chỉ tại tổ 2, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP Hà Nội).

Kết quả kiểm nghiệm ban đầu đối với một số sản phẩm Pate Minh Chay của các lô khác nhau do Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới sản xuất cho thấy sự hiện diện của vi khuẩn Clostridium Botulinum type B. Vi khuẩn Clostridium Botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong.

Mặc dù chưa có kết luận chính thức việc vi khuẩn Clostridium Botulinum type B đã xuất hiện trong Pate Minh Chay như thế nào. Nhưng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn yêu cầu thu hồi 13 sản phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết hiện nay tình trạng ngộ độc thực phẩm diễn ra phổ biến khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang, lo lắng về an toàn vệ sinh thực phẩm và nó trở thành mối nguy hại lớn đối với sức khỏe của cộng đồng.

Theo ông Cường, dưới góc độ pháp lý, Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 thì người tiêu dùng có quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

Đồng thời, theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm năm 2010 thì bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm mà gây ngộ độc phải chịu toàn bộ chi phí điều trị cho người bị ngộ độc và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự theo quy định tại khoản 5 Điều 53 Luật An toàn thực phẩm.

Trong đó, các chi phí bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại.

Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; Bồi thường tổn thất tinh thần,… theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự 2015.

Bên cạnh việc phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra cho khách hàng, các cá nhân, tổ chức cung cấp thực phẩm dẫn tới tình trạng ngộ độc cho khách hàng còn phải chịu các chế tài xử phạt từ các cơ quan có thẩm quyền.

Căn cứ vào tính chất, mức độ gây thiệt hại của hành vi vi phạm và hậu quả của hành vi thì các tổ chức, cá nhân này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định Bộ luật hình sự năm 2015.

Cụ thể, phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng đối với hành vi nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định khoản 8 Điều 22 Nghị định 115/2018/NĐ-CP đối với hành vi quy định khác về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, cung cấp thực phẩm.

Ngoài ra buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như Buộc thu hồi và tiêu hủy thực phẩm không đảm bảo; Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm theo quy định tại khoản 11 Điều này.

Trong trường hợp cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 10 - đến dưới 100 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng….;

Cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 100 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng... thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ luật hình sự.

Tùy từng tính chất mức độ có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng, phạt tù từ 1 năm đến cao nhất là 20 năm tù.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Pate Minh Chay chứa độc tố: Công ty Lối Sống Mới phải chịu trách nhiệm thế nào? tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714105252 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714105252 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10