PCI 2018: Ba khó khăn "nổi cộm" với doanh nghiệp dân doanh

Nhóm PV 28/03/2019 10:45

PCI 2018 ghi nhận những khó khăn "nổi cộm" mà các doanh nghiệp dân doanh Việt Nam đang gặp phải là tìm kiếm khách hàng (60%), tìm kiếm nguồn vốn (37%) và những biến động của thị trường (32%).

Có thể bạn quan tâm

  • PCI 2018 chỉ ra 2 xu hướng đáng lo ngại trong môi trường kinh doanh Việt Nam

    09:56, 28/03/2019

  • PCI 2018: Cải cách mùa vàng ở địa phương và những chùm quả ngọt của khu vực tư nhân!

    09:34, 28/03/2019

  • PCI 2018: Quảng Ninh tiếp tục giành "ngôi vương"

    09:30, 28/03/2019

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI – Giám đốc dự án PCI cho biết, PCI 2018  có riêng một phần đề cập tới những khó khăn mà các doanh nghiệp nói chung đang gặp phải hiện nay và đi sâu vào nhận diện những vấn đề mà các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hoặc có kế hoạch giảm quy mô kinh doanh, hay có kế hoạch đóng cửa hoạt động.

Có thể thấy rằng, những khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp dân doanh Việt Nam đang gặp phải là tìm kiếm khách hàng (60%), tìm kiếm nguồn vốn (37%) và những biến động của thị trường (32%). Kế đến là những khó khăn trong tuyển dụng lao động (28%), tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh (27%), biến động chính sách, pháp luật (23%). Một số khó khăn khác, song cũng có trên 15% doanh nghiệp đang gặp phải, đó là tìm kiếm nhà cung cấp (18%), thực hiện TTHC (17%) và tìm kiếm mặt bằng kinh doanh phù hợp (16%)”, ông Tuấn cho biết.

Đáng chú ý, theo kết quả PCI 2018 cho thấy các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa thường có mức độ gặp khó khăn cao hơn doanh nghiệp lớn trong tìm kiếm khách hàng, nguồn vốn cũng như mặt bằng kinh doanh phù hợp. Các doanh nghiệp mới thành lập từ 5 năm trở lại đây là nhóm có tỷ lệ gặp khó khăn cao hơn các nhóm còn lại, nhất là trong việc tìm kiếm khách hàng, nguồn vốn, mặt bằng kinh doanh, tuyển dụng lao động, tìm kiếm đối tác kinh doanh và thực hiện thủ tục hành chính.

“Điều tra PCI hàng năm có câu hỏi phân loại về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong năm vừa qua, do vậy, chúng tôi có dữ liệu để có thể đánh giá mức độ khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay, theo nhóm doanh nghiệp đang làm ăn có lãi và những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ”, ông Tuấn cho biết.

Kết quả điều tra PCI 2018 cũng cho thấy, trên hầu hết các khía cạnh đánh giá, những doanh nghiệp thua lỗ có tỷ lệ gặp khó khăn cao hơn hẳn nhóm đang làm ăn có lãi, nhất là trong việc tiếp cận vốn, tìm kiếm khách hàng, tìm kiếm địa điểm kinh doanh phù hợp, tìm kiếm nhà cung cấp, tuyển dụng lao động, tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh. Tuy nhiên, báo cáo PCI 2018 cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng thua lỗ này cũng có thể do nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như những tính toán sai lầm trong việc lập kế hoạch chiến lược kinh doanh.

Đồng thời, cũng có thể là do những yếu kém nội tại trong chất lượng quản lý của doanh nghiệp, như chúng tôi đã từng nhận định trong báo cáo PCI 2017, đó là “những doanh nghiệp có chất lượng quản lý tốt hơn thì thành công hơn.”

Thêm vào đó, báo cáo PCI 2018 chia các doanh nghiệp thành nhóm doanh nghiệp dự kiến mở rộng sản xuất kinh doanh và nhóm dự kiến giảm quy mô hoặc có kế hoạch đóng cửa doanh nghiệp.

Kết quả cho thấy, các doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô hoặc có kế hoạch đóng cửa doanh nghiệp có mức độ gặp khó khăn cao hơn đáng kể nhóm còn lại về tiếp cận vốn, tìm kiếm khách hàng, về cơ sở hạ tầng. Đáng lưu ý hơn cả, nhóm doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô hoặc có kế hoạch đóng cửa doanh nghiệp có tỷ lệ phản ánh khó khăn do biến động chính sách, pháp luật cao hơn hẳn nhóm dự kiến mở rộng sản xuất kinh doanh.

"Điều này cho thấy việc xây dựng chính sách pháp luật có chất lượng tốt, ổn định có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp", ông Tuấn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
PCI 2018: Ba khó khăn "nổi cộm" với doanh nghiệp dân doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO