PCI 2018 chỉ ra 2 xu hướng đáng lo ngại trong môi trường kinh doanh Việt Nam

Nhóm PV 28/03/2019 09:56

Dù có nhiều chỉ số môi trường kinh doanh tốt, có cải thiện nhưng báo cáo PCI vẫn chỉ ra rằng, có nhiều chỉ số chưa cải thiện, đặc biệt là 2 chỉ số gia nhập thị trường và chỉ số minh bạch thông tin.

Tại Buổi công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2018, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI – Giám đốc dự án PCI cho biết: Xu hướng đáng lo ngại trong năm nay là ở lĩnh vực gia nhập thị trường và chỉ số minh bạch thông tin, chi phí không thức giảm nhưng vẫn còn cao.

Có thể bạn quan tâm

  • PCI 2018: Cải cách mùa vàng ở địa phương và những chùm quả ngọt của khu vực tư nhân!

    09:34, 28/03/2019

  • Quảng Ninh tiếp tục giành ngôi vương PCI 2018

    09:30, 28/03/2019

  • Điểm đặc biệt của Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018

    08:41, 28/03/2019

  • PCI 2018: Cảm hứng và áp lực cải cách ở địa phương

    07:00, 28/03/2019

Gia nhập thị trường vẫn còn nhiều rào cản

Kết quả khảo sát PCI 2018 cho thấy, dù có những cải cách ấn tượng trong thủ tục đăng ký doanh nghiệp, kết quả điều tra PCI 2018 cho thấy gánh nặng “hậu đăng ký doanh nghiệp” đang là vấn đề lớn với nhiều doanh nghiệp.

“Cụ thể, năm 2018 có 15,8% doanh nghiệp cho biết phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ tất cả các giấy tờ cần thiết khác (ngoài giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) để có thể chính thức đi vào hoạt động. Con số trên có xu hướng gia tăng trong 5 năm trở lại đây. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn để xin được các loại giấy phép cũng cao ở mức đáng báo động”, ông Tuấn cho biết.

ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI – Giám đốc dự án PCI trình bày báo cáo PCI 2018.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI – Giám đốc dự án PCI trình bày báo cáo PCI 2018.

Cũng theo kết quả PCI 2018, có 34% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện, 30% doanh nghiệp phải mất thời gian chờ đợi để nhận được giấy chứng nhận về phòng cháy chữa cháy. Trong quá trình hoạt động, 29% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin cấp giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc các loại giấy chứng nhận khác.

Doanh nghiệp gặp khó trong tiếp cận thông tin

Theo Điều tra PCI 2018, việc tiếp cận thông tin của doanh nghiệp vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể theo thời gian.

"Cụ thể, với thang điểm từ 1 đến 5 (Không thể - Rất dễ), khả năng tiếp cận của doanh nghiệp với các tài liệu quy hoạch chỉ đạt 2,38 điểm theo điều tra năm 2018, chỉ xung quanh mức của năm 2015 và 2016, và thấp hơn đáng kể mức 2,63 điểm của điều tra năm 2006", ông Tuấn cho biết.

Báo cáo PCI cũng chỉ rõ, khả năng tiếp cận của doanh nghiệp với các tài liệu pháp lý có khá hơn, ở mức 3,01 điểm trong năm 2018, song cũng chưa có nhiều cải thiện kể từ những năm đầu tiến hành điều tra.

Vẫn có tới 69,4% doanh nghiệp cho biết “cần có mối quan hệ” để có được các tài liệu của tỉnh. Trong khi đó, con số này vào năm 2017 là 70%.

"Chính vì việc tiếp cận thông tin chưa thuận lợi, nên khả năng các doanh nghiệp dự đoán được việc thực hiện của địa phương đối với các quy định pháp luật của Trung ương rất hạn chế và khiến các doanh nghiệp bị động. Điều này cũng cản trở các kế hoạch mở rộng đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp", ông Tuấn nhấn mạnh.

Nghiên cứu PCI gồm 10 chỉ số thành phần gồm: 1) Chi phí gia nhập thị trường thấp; 2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; 3) Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; 4) Chi phí không chính thức thấp; 5) Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; 6) Môi trường cạnh tranh bình đẳng; 7) Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; 8) Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; 9) Chính sách đào tạo lao động tốt; và 10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và duy trì được an ninh trật tự.
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
PCI 2018 chỉ ra 2 xu hướng đáng lo ngại trong môi trường kinh doanh Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO