Các chính quyền địa phương giờ đã có đầy đủ thông tin, bằng chứng định lượng để nhận diện, định hướng các chương trình cải cách của mình đúng trọng tâm, sát yêu cầu của thực tế.
GS. TS. Edmund J. Malesky, Đại học Duke, Hoa Kỳ, Trưởng nhóm nghiên cứu PCI cho rằng: Các thủ tục gia nhập thị trường có sự cải thiện mạnh mẽ kể từ năm 2014. Chi phí thực hiện quy định, thủ tục nhìn chung là hợp lý, song có vẻ chưa hoàn toàn đồng đều. Tiếp cận đất đai tiếp tục cải thiện, rủi ro bị thu hồi đất có xu hướng giảm. Chi phí không chính thức có xu hướng giảm cả về quy mô và phạm vi.
Việc xây dựng, hoạch định chính sách, thực hiện các chương trình cải cách dựa trên bằng chứng, thông tin định lượng đang dần trở thành một thói quen của nhiều cơ quan nhà nước địa phương tại Việt Nam. Vì vậy, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink đánh giá, chỉ số PCI 15 năm qua có vai trò quan trọng thúc đẩy tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trong công tác điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, qua đó thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.
PCI đã trao quyền cho các doanh nghiệp nói lên tiếng nói của mình, tạo ra được một kênh để chuyển tải đầy đủ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp lên các cấp có thẩm quyền để chủ động thúc đẩy thay đổi.
Lần đầu tiên trong 10 năm thực hiện điều tra doanh nghiệp FDI của dự án PCI, nhóm nghiên cứu đã quan sát được xu hướng gia tăng cả về quy mô lao động và quy mô vốn đầu tư ở các doanh nghiệp này. Đây là một phát hiện quan trọng, bởi nó nêu bật một thực tế là dòng vốn FDI tăng không chỉ do các dự án mới, mà còn bởi các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động sẵn sàng mở rộng quy mô đầu tư hiện tại sau khi đã thực sự trải nghiệm môi trường đầu tư tại Việt Nam. Tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất máy tính, các sản phẩm điện tử tăng mạnh từ 2,73% năm 2016 lên 6,7% năm 2019. Nếu tính gộp tiểu ngành này với tiểu ngành sản xuất thiết bị điện tử thì tỷ lệ doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này đã tăng gần gấp đôi trong 4 năm qua, lên gần 9% trên tổng số doanh nghiệp. Những xu hướng này cho thấy sự gia tăng đáng chú ý các ngành sản xuất có trình độ công nghệ cao hơn tại Việt Nam, có thể đã được thúc đẩy bởi sự chuyển dịch trong các chuỗi giá trị toàn cầu.
Mức độ tự động hóa hiện tại và dự kiến tại Việt Nam cao hơn dự đoán. Khoảng 67% doanh nghiệp (tính gộp) đã thực hiện tự động hóa một phần công việc trong ba năm qua, trong khi 75% doanh nghiệp có dự định sẽ tự động hóa các công việc mới trong ba năm tới. Những kết quả trên có được về bản chất là do những nỗ lực cải thiện về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam trong thời gian vừa qua.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI, Giám đốc Chương trình PCI: Kết quả Điều tra PCI 2019 cho thấy bức tranh khá sáng sủa về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Chất lượng điều hành kinh tế tại các địa phương duy trì xu hướng tích cực. Điểm số PCI trung vị đạt mức cao kỷ lục. Tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng đã nâng tầm chất lượng điều hành; khoảng cách giữa các tỉnh đầu và cuối dần thu hẹp. Cơ sở hạ tầng cải thiện đáng kể. Chi phí không chính thức tiếp tục giảm, ưu ái đối với một số loại hình doanh nghiệp giảm, an ninh trật tự được củng cố, cải cách TTHC có kết quả tích cực. Song còn nhiều dư địa để cải cách. Các địa phương cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ, thực chất để cắt giảm TTHC hậu đăng ký và cải thiện điều kiện kinh doanh hơn nữa.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh:
Việc triển khai sáng kiến PCI một cách bài bản, khoa học đã giúp lãnh đạo các tỉnh xác định những điểm nghẽn trong điều hành kinh tế cũng như lựa chọn những giải pháp phù hợp để tiến hành cải cách điều hành kinh tế một cách hiệu quả.
Quảng Ninh luôn xác định việc nâng cao chỉ số PCI là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục. Trên cơ sở đó, tỉnh đã không ngừng nỗ lực, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư trên địa bàn tỉnh, duy trì, cải thiện sức cạnh tranh. Với kết quả xếp hạng PCI đứng đầu cả nước, Quảng Ninh xác định vai trò và trách nhiệm cao hơn.
Ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu:
Năm 2019, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện công tác nâng cao chỉ số PCI của tỉnh; thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh; thành lập Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh; Tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp. Theo đó, đã có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn đến nghiên cứu, tìm hiểu, khảo sát và đề xuất các dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh như: Tập đoàn Vingroup, SunGroup, FLC, Hiệp hội kinh tế - văn hoá Hàn Quốc...
Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa:
Tỉnh công khai xin lỗi người dân và doanh nghiệp khi chậm giải quyết hồ sơ, thủ tục; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nhằm minh bạch hóa tiếp cận nguồn lực đất đai.
Về thực hiện chủ trương đầu tư công yêu cầu các ngành có liên quan của tỉnh tăng cường giám sát hướng dẫn các đơn vị thực hiện kế hoạch đầu tư công đúng tiến độ. Năm 2020, Ban lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thống nhất với đề xuất của Sở KếH&ĐT giảm 30% về thời gian thực hiện thủ tục hành chính có liên quan đến các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế:
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa ra nhiều giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 57/2019 nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh với nhiều giải pháp cụ thể được triển khai đồng bộ tại tất cả các sở ngành, địa phương. Tỉnh ban hành các quyết định về kiện toàn Hội đồng tư vấn giải quyết vướng mắc trong tổ chức thực hiện bồi thường, tái định cư. Thành phần Hội đồng tư vấn là lãnh đạo các Sở, ban ngành...