PCI: Dư địa cải cách vẫn còn lớn

HUYỀN TRANG 18/04/2021 02:00

Nhiều điểm mới trong chất lượng điều hành PCI từ kết quả 2020, tuy vậy vẫn có những con số đáng suy nghĩ về môi trường kinh doanh Việt Nam được Báo cáo PCI chỉ ra.

 Sáng 15/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức lễ công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020. Ảnh Quốc Tuấn.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức lễ công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020. Ảnh Quốc Tuấn.

Với PCI 2020, tiếng nói mạnh mẽ của PCI trong việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh để tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp đã được VCCI tiếp tục khởi động.

Từ những nỗ lực cải cách còn gập ghềnh

Nhìn lại môi trường kinh doanh trong năm qua, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết bức tranh cải cách đã có nhiều sắc mầu tươi sáng hơn nhưng vẫn còn những con số làm chúng ta chưa thể yên lòng.

“Theo kết quả điều tra PCI, cứ trong 4 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp cho rằng địa phương ưu ái các doanh nghiệp Nhà nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân. Cứ trong 3 doanh nghiệp thì có gần 1 doanh nghiệp cho rằng Chính quyền còn ưu ái cho doanh nghiệp FDI. Vẫn còn 40% doanh nghiệp chưa sẵn sàng sử dụng toà án để giải quyết các tranh chấp về kinh tế. Gần 45% doanh nghiệp cho biết họ phải trả các chi phí không chính thức. 54% doanh nghiệp cho rằng hiện tượng nhũng nhiều vẫn còn. 20% doanh nghiệp đánh giá cán bộ nhà nước trong xử lý công việc còn chưa hiệu quả, chưa thân thiện và cũng còn tới 3% doanh nghiệp phản ánh mỗi năm họ còn bị thanh, kiểm tra quá 5 lần...”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Không chỉ vậy, vẫn có đến gần 45% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức, có 84,4% doanh nghiệp cho biết các khoản chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được.

Bảng xếp hạng PCI toàn quốc 2020.

Bảng xếp hạng PCI toàn quốc 2020.

Tới lo ngại về sự thay đổi chính sách

Bên cạnh nỗi lo về chi phí không chính thức thì biến động chính sách, pháp luật là mối lo thường trực với không ít doanh nghiệp trong điều tra PCI các năm. Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lo ngại những thay đổi về chính sách, pháp luật chỉ trong thời gian ngắn khiến hoạt động sản xuất kinh doanh không thể ổn định, chi phí hoạt động bị gia tăng. Điều này không chỉ khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc điều hành sản xuất thường nhật, mà còn khiến các doanh nghiệp e ngại không dám đầu tư dài hạn. Trên thực tế, đã có một số doanh nghiệp buộc phải dừng hoạt động sản xuất kinh doanh do biến động chính sách pháp luật.

Theo điều tra PCI 2020, vẫn có một tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp lo ngại về biến động chính sách, pháp luật. Xét theo lĩnh vực kinh doanh, tỷ lệ doanh nghiệp lo ngại về biến động chính sách, pháp luật cao nhất là Xây dựng (21,2%), tiếp đến là Công nghiệp/chế tạo (19,9%), Nông nghiệp (17,8%) và cuối cùng là Thương mại/Dịch vụ (16,4%). Các doanh nghiệp có số năm hoạt động càng lâu dường như lại càng lo ngại hơn về biến động chính sách, pháp luật.

Cụ thể, trong khi chỉ có 16,5% doanh nghiệp dưới 3 năm hoạt động lo ngại về vấn đề này thì với các doanh nghiệp có trên 15 năm hoạt động, con số lo ngại lên tới 19,1%. Doanh nghiệp có quy mô lớn hơn thì lại càng lo ngại hơn về biến động chính sách, pháp luật. Cụ thể, trong khi chỉ có 14,2% doanh nghiệp quy mô dưới 1 tỷ lo ngại về biến động chính sách, pháp luật thì có tới 31,6% doanh nghiệp quy mô từ 200 tỷ trở lên phản ánh về vấn đề này. Tương tự, chỉ 16,8% doanh nghiệp quy mô dưới 10 lao động lo ngại về biến động chính sách, pháp luật, so với 31,2% doanh nghiệp quy mô từ 500 lao động trở lên cho biết gặp khó khăn đối với biến động chính sách.

Do vậy, để giải quyết vấn đề này, các cơ quan nhà nước trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật cần phải xác định rõ các đối tượng chịu tác động, đảm bảo có sự tham gia của họ trong suốt quá trình soạn thảo. Quy trình thủ tục cũng như tài liệu dự thảo cần phải công khai minh bạch và những điều chỉnh đưa ra cần có giải trình đầy đủ ý kiến của các bên.

“Đây là những yêu cầu không mới, bởi đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 cũng như trong Luật sửa đổi 2020, song cần phải được thực hiện đầy đủ và thực chất để tạo sự ổn định về chính sách, pháp luật cho doanh nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc Dự án PCI khuyến nghị.

Ông Brad Bessire - Quyền Giám đốc USAID Việt Nam:

PCI đã đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố. Kết quả điều tra doanh nghiệp FDI năm 2020 cho thấy Việt Nam tiếp tục được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn, với lợi thế là chính trị ổn định, thủ tục hành chính dần thông thoáng hơn, thanh tra, kiểm tra và chi phí không chính thức đã giảm bớt.

Ông Nguyễn Tường Văn - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh:

Với vị trí 4 năm liên tiếp xếp ở vị trí Quán quân Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, vấn đề đặt ra với Quảng Ninh đó là làm sao duy trì được vị trí dẫn đầu, vượt qua chính mình. Đây là lần đầu tiên, các chỉ số này được đưa vào thành một chỉ tiêu quan trọng trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, cũng là địa phương duy nhất trong cả nước đưa các chỉ số này vào Văn kiện Đại hội. Đây chính là sự cam kết, đồng hành của cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh với nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân về xây dựng một chính quyền phục vụ, do nhân dân, vì nhân dân, hoạt động hiệu lực hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

  • PCI 2020: Đồng Tháp xây dựng môi trường đầu tư

    PCI 2020: Đồng Tháp xây dựng môi trường đầu tư "thông thoáng", thuận lợi cho doanh nghiệp

    12:00, 17/04/2021

  • PCI 2020: Vì sao điểm tính minh bạch của Bắc Ninh giảm mạnh?

    PCI 2020: Vì sao điểm tính minh bạch của Bắc Ninh giảm mạnh?

    22:08, 16/04/2021

  • Vì sao PCI của Kiên Giang, Bạc Liêu bị xếp “hạng bét”

    Vì sao PCI của Kiên Giang, Bạc Liêu bị xếp “hạng bét”

    13:30, 16/04/2021

  • Phú Yên quyết tâm cải thiện chỉ số PCI

    Phú Yên quyết tâm cải thiện chỉ số PCI

    12:32, 16/04/2021

  • 4 địa phương của ĐBSCL lọt top 10 PCI toàn quốc

    4 địa phương của ĐBSCL lọt top 10 PCI toàn quốc

    21:51, 15/04/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
PCI: Dư địa cải cách vẫn còn lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO