Sáng 15/4, VCCI phối hợp với USAID tổ chức lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2020. Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục xuất sắc giữ vị trí dẫn đầu toàn quốc về chỉ số này năm thứ 4 liên tiếp
Chỉ số PCI là tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá về năng lực, môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và các nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền địa phương cấp tỉnh, thành phố. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp khi tìm hiểu cơ hội đầu tư tại một địa phương.
Bằng việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, một lần nữa Quảng Ninh trở thành địa phương dẫn đầu trong cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh, khẳng định niềm tin với doanh nghiệp.
Cụ thể, năm 2020, điểm tổng hợp Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Quảng Ninh là 75,09 điểm, tăng 1,69 điểm so với năm 2019, giữ vững vị trí quán quân trong cả nước và là địa phương duy nhất đạt thang điểm trên 75 trong bảng xếp hạng năm nay. Đây cũng là điểm số cao nhất từ trước tới nay của Quảng Ninh.
Như vậy, Quảng Ninh đã xuất sắc duy trì 4 năm liên tiếp (từ năm 2017 đến năm 2020) đoạt vị trí Quán quân PCI và 8 năm liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.
Điểm nổi bật trong chỉ số PCI của Quảng Ninh năm 2020 là các chỉ số thành phần có sự cải thiện vượt bậc so với năm 2019, như: Chi phí gia nhập thị trường tăng 0,56 điểm; Tiếp cận đất đai tăng 0,12 điểm (tăng 16 hạng so với 2019); Chi phí thời gian tăng 0,64 điểm; Đào tạo lao động tăng 0,46 điểm; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tăng 0,9 điểm (tăng 17 hạng so với 2019); Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự tăng 0,18 điểm. Ngoài ra, nhiều chỉ số của Quảng Ninh năm nay tiếp tục giữ vững điểm số xếp hạng và vượt xa các địa phương xếp hạng phía sau.
Phát biểu sau khi nhận cup quán quân PCI năm 2020, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, để đạt được kết quả Chỉ số PCI hôm nay, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên đó là cải cách hành chính, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế, năng lực cạnh tranh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển bền vững, trong đó tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp dựa trên 3 trụ cột, gồm: Chủ động, quyết liệt thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đảm bảo giảm thành phần hồ sơ, giảm thời gian giải quyết, giảm chi phí thực hiện, nâng cao chất lượng dịch vụ công; và ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa nền hành chính, phát huy hiệu quả chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, xây dựng thành phố thông minh.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn cũng bày tỏ, với vị trí 4 năm liên tiếp xếp ở vị trí Quán quân Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, vấn đề đặt ra với Quảng Ninh đó là “làm sao duy trì được vị trí dẫn đầu, vượt qua chính mình”. Nhận thức tầm quan trọng của PCI trong phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã đặt ra chỉ tiêu “Hằng năm giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI”. Đây là lần đầu tiên, các chỉ số này được đưa vào thành một chỉ tiêu quan trọng trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, cũng là địa phương duy nhất trong cả nước đưa các chỉ số này vào Văn kiện Đại hội. Đây chính là sự cam kết, đồng hành của cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh với nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân về xây dựng một chính quyền phục vụ, do nhân dân, vì nhân dân, hoạt động hiệu lực hiệu quả...
Kết quả này tiếp tục khẳng định niềm tin của nhân dân với chính quyền và đặc biệt là sự đánh giá hài lòng ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư; phản ánh chính xác, khách quan hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước của Quảng Ninh, nhất là trong bối cảnh năm 2020 - một năm đặc biệt khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp do những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Báo cáo PCI 2020 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.500 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Trong đó, có khoảng 11.000 doanh nghiệp dân doanh tại 63 tỉnh, thành phố và trên 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại 21 địa phương tại Việt Nam. Đây là cuộc điều tra lấy mẫu ngẫu nhiên, được thực hiện bài bản, khoa học theo các chuẩn mực cao của thế giới, phản ánh đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên báo cáo phân tích về xu hướng tự động hóa và số hoá trong sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam, dự báo các tác động của xu hướng này đối với lao động, việc làm trong thời gian tới...
Có thể bạn quan tâm