Tổng công ty CP Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (Petrosetco, HoSE: PET) từng “làm mưa, làm gió” trên thị trường bán lẻ, nhưng nay đã “tụt hậu” khá xa so với các đối thủ cạnh tranh…
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2020, lũy kế 6 tháng đầu năm nay, PET đạt doanh thu thuần hơn 5.354 tỷ đồng, tăng 10% và lợi nhuận sau thuế hơn 59 tỷ đồng, giảm tới 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với những diến biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, kế hoạch kinh doanh của PET được ĐHĐCĐ đề ra với tổng doanh thu năm nay đạt 9.100 tỷ đồng, giảm 9% so với thực hiện 2019, nhưng lợi nhuận sau thuế ước đạt 140 tỷ đồng, tăng 10%. Theo đó, trong mảng dịch vụ phân phối, PET dự định đưa vào phân phối 2- 3 sản phẩm mới có thương hiệu, uy tín trên thị trường. Đặc biệt, PET đã chính thức phân phối sản phẩm đầu tiên là iPhone SE 2020 vào thị trường Việt Nam.
59 tỷ đồng là tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm 2020, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Ban Lãnh đạo PET, đây là thời điểm tốt để mở rộng các chuỗi cửa hàng ủy quyền trên toàn quốc, tạo điều kiện cho người dùng tiếp cận đến sản phẩm, dịch vụ chính hãng…
Bên cạnh đó, PET tiếp tục đẩy mạnh phân phối thiết bị y tế và phân bón hữu cơ sinh học. Những mảng kinh doanh còn lại bao gồm: Dịch vụ cung ứng và hậu cần dầu khí; dịch vụ đời sống; dịch vụ bất động sản.
Kể từ khi chào sàn năm 2007, PET tăng trưởng mạnh nhất trong số các doanh nghiệp bán lẻ. Đây cũng là giai đoạn cổ phiếu PET “làm mưa, làm gió trên thị trường, có thời điểm lên tới 58.000đ/cp, và nhận được rất nhiều quan tâm của các nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức.
Lên đỉnh cao đã khó, duy trì được lại càng khó hơn và PET đã tụt lại phía sau so với các đối thủ cạnh tranh, như , như FRT (FPT Retail), DGW (DigiWorld), MWG (Thế giới di động)... Sau năm 2011, kết quả kinh doanh PET giảm mạnh. Từ chỗ lãi ròng đạt gần 293 tỷ đồng năm 2011, đến năm 2012 chỉ tiêu này của PET giảm xuống chỉ còn 188 tỷ đồng và tiếp tục giảm mạnh những năm sau đó. Trong 6 tháng đầu năm nay, lãi ròng của PET giảm tới 26% so với cùng kỳ năm ngoái do tác động của đại dịch COVID-19.
Trước thực trạng kinh doanh ngày càng sa sút so với các đối thủ cạnh tranh, nên giá cổ phiếu PET cũng không ngừng giảm mạnh, đến nay chỉ còn khoảng 9.090 đồng/cổ phiếu, giảm tới hơn 84% so với mức giá đóng cửa lúc chào sàn.
Ông Vũ Tiến Dương, Tổng giám đốc PET, cho biết từ tháng 5/2020 đến tháng 8/2021, PET dự kiến phân phối hơn 50.000 sản phẩm điện thoại, 30.000 sản phẩm phụ kiện, 30.000- 40.000 sản phẩm Ipad, Macbook… Qua đó, PET phải tiêu thụ khoảng 100.000 sản phẩm của Apple trong khoảng thời gian này. Biên lợi nhuận đạt khoảng 4% trong mảng phân phối sản phẩm Apple.
“Mô hình kinh doanh của PET được thực hiện thông qua 3 kênh, thứ nhất là nhà bán lẻ lớn, thứ hai là các cửa hàng truyền thống, thứ ba là các dự án trường học và tổ chức nhỏ và vừa”, ông Dương cho biết.
Để cạnh tranh trên thị trường bán lẻ đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Vốn chủ sở hữu của PET hiện nay chỉ khoảng 1.613 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nợ của PET hơn 4.425 tỷ đồng, gấp gần 3 lần vốn chủ sở hữu. Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn như hiện nay, việc huy động vốn của PET trên sàn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đây là thách thức rất lớn đối với PET trong bối cảnh ngành bán lẻ điện tử đang dần thoái trào.
Một chuyên gia chứng khoán cho rằng, PET cần kêu gọi cổ đông chiến lược để tăng thêm nguồn vốn đầu tư nhằm cạnh tranh với các đối thủ. Tuy nhiên, điều này rất khó khăn trong bối cảnh nhiều nhà bán lẻ đã phải đóng cửa, phá sản. Do đó, PET cần đẩy mạnh các ngành nghề kinh doanh khác, như MWG, FRT… đã chuyển sang kinh doanh cả dược phẩm, đồng hồ…
Có thể bạn quan tâm
FRT chật vật chuyển hướng
15:00, 09/06/2020
Cổ phiếu FRT "lao dốc" mạnh vì đâu?
04:00, 29/11/2019
Lợi nhuận MWG lao dốc vì COVID-19
08:43, 31/07/2020
Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài: Thất bại là một phần của cuộc chơi
03:52, 13/07/2020
Đầu tư cổ phiếu DGW ở mức nào?
04:00, 26/05/2020
Động lực tăng giá cổ phiếu DGW đến từ đâu?
05:20, 26/09/2019