Thành công sau 10 năm của Công ty cổ phần Nhiên liệu bay không chỉ được “đong đo” bằng các chỉ số kinh doanh mà còn bởi khả năng chắp cánh vươn xa cho các hãng hàng không trong và ngoài nước.
Với vị thế và uy tín của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, sau 10 năm thành lập và phát triển, Petrolimex Aviation đã khẳng định được vị thế đối với khách hàng trong nước và quốc tế. Petrolimex Aviation trở thành một trong những đơn vị cung ứng xăng dầu hàng đầu cho các hãng hàng không trong và ngoài nước với thị phần lên đến 30%.
Công ty đã thiết lập mạng lưới cung cấp nhiên liệu tại 45 sân bay tại khu vực châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Singapore, Myanmar, Nhật Bản, Campuchia, Hồng Kông và Ấn Độ thông qua các đối tác nước ngoài, đáp ứng nhu cầu nhiên liệu bay cho hơn 30 hãng hàng không lớn trên thế giới. Trong đó, có những hãng hàng không "5 sao" như: Emirates, Singapore Airlines, Etihad Airways, Air France...
Ông Phạm Văn Thanh - Tổng giám đốc Petrolimex Aviation: Tăng cường năng lực quản trị Để thực hiện tốt các mục tiêu chiến lược đã đề ra, năm 2018 và những năm tiếp theo, Petrolimex Aviation xác định tiếp tục củng cố, hoàn thiện hệ thống, nâng cao năng lực quản trị điều hành. Cụ thể, Dự án ERP (quản trị nguồn lực doanh nghiệp) được Petrolimex Aviation triển khai và đi vào hoạt động từng phần giúp cho công ty gia tăng năng lực quản lý, đem lại hiệu quả cao trong kinh doanh. Song song với đó, công ty đồng thời triển khai dự án xây dựng, áp dụng, vận hành hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001:2015 và thực hành tốt 5S, tăng tính chuyên nghiệp trong công việc đến từng người lao động. Công ty tiếp tục cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế; mở rộng mạng lưới bán hàng tại các đầu sân bay lớn và tiềm năng tại thị trường nội địa, hoạt động kinh doanh hơn nữa ở thị trường nước ngoài; tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài để tận dụng lợi thế về công nghệ, nguồn vốn, thị trường và cách thức quản lý… Qua đó mở rộng thị phần, chinh phục thị trường quốc tế. |
Cú hích từ… Vietjet Air
Một trong những bước tạo đột phá cho Petrolimex Aviation trong chặng đường phát triển đó là việc VietJet chính thức chọn công ty ký hợp đồng đối tác cung cấp nhiên liệu tại sân bay Đà Nẵng vào tháng 4/2013.
Theo ông Phạm Văn Thanh - Tổng giám đốc Petrolimex Aviation: Tại thời điểm đó, đối với thị trường xăng dầu mặt đất, Petrolimex là một tên tuổi lớn, với thị phần nội địa chiếm trên 50%. Tuy nhiên, thị trường nhiên liệu hàng không là thị trường của Công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam (tên cũ Vinapco nay là Skypec), doanh nghiệp có tuổi đời hơn 20 năm, là đơn vị thành viên của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Vì vậy, việc tìm khách hàng mới không đơn giản. Sau nhiều tính toán, Vietjet Air là địa chỉ được lựa chọn để thuyết phục. Cho đến giờ, sau hơn 4 năm, khi số lượng khách hàng đã lên tới hàng chục, với rất nhiều hãng bay lớn trên thế giới, các thành viên của Petrolimex Aviation vẫn tin rằng tháng 4/2013 là bước ngoặt quan trọng nhất của công ty. Đó là thời điểm mà sau rất nhiều tiếp cận và thuyết phục, Vietjet Air quyết định ký hợp đồng cung cấp nhiên liệu với chúng tôi.
Công ty cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex (tên giao dịch quốc tế là Petrolimex Aviation) được thành lập năm 2008. Sau 10 năm hình thành và phát triển, từ sản lượng xuất bán ban đầu 20.000m3 nhiên liệu bay (Jet A-1) năm 2009, đến nay, Petrolimex Aviation đã xuất bán gần 800.000m3/năm, tăng gần 40 lần. Petrolimex Aviation là một trong những công ty thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đạt hiệu quả kinh doanh cao nhiều năm liền.
Cùng với việc VietJet được chọn lựa phục vụ chuyên cơ cho các sự kiện quốc gia mà Petrolimex Aviation, với các tiêu chuẩn đạt được về an ninh, an toàn và đáp ứng các quy định khắt khe của các tổ chức ICAO, IATA, JIG,...Petrolimex Aviation luôn được tin tưởng chọn lựa là đơn vị tra nạp nhiên liệu cho nhiều chuyên cơ của Nguyên thủ các nước đến Việt Nam. Gần đây nhất là sự kiện APEC được tổ chức đầu tháng 11/2017 tại Đà Nẵng.
Đến nay, Petrolimex Aviation là đơn vị cung ứng, tra nạp nhiên liệu cho VietJet tại các sân bay lớn bao gồm Tân Sơn Nhất (Tp.HCM), Nội Bài (Hà Nội), Đà Nẵng, Cam Ranh, Cát Bi (Hải Phòng) với khối lượng khoảng 1.500m3/ ngày. Với con số khai thác hiện nay của VietJet khoảng 385 chuyến bay/ ngày thì tổng khối lượng Petrolimex Aviation phục vụ đến hơn 51% chuyến bay của VietJet. Tính ra, doanh thu VietJet đóng góp cho Petrolimex Aviation lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Petrolimex Aviation cũng tự hào, trong đội tàu bay mới, hiện đại của VietJet có tàu bay khoác lên mình hình ảnh, logo thương hiệu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Đây thực sự là sự kiện đánh dấu sự hợp tác tin cậy, bền vững, lợi ích lâu dài của VietJet và Petrolimex Aviation.
Chinh phục thị trường quốc tế
Nếu vẽ một biểu đồ về các chỉ số của Petrolimex Aviation từ ngày thành lập, người ta sẽ nhìn thấy một lộ trình đặc biệt: Từ năm 2008 đến 2013 là giai đoạn chạy đà, sau 2013 là cuộc cất cánh theo chiều thẳng đứng. Từ con số 10, sau 5 năm họ đã có 57 khách hàng.
Để có được kết quả đó, một trong những bước đi chiến lược của công ty là ngay từ khi mới thành lập, Petrolimex Aviation đã chủ động và tích cực tham gia Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA). Việc tham gia các diễn đàn do IATA tổ chức đem đến cơ hội tiếp xúc với nhiều nhà cung cấp nhiên liệu, trong đó, Petrolimex Aviation có nhiều cơ hội tiếp cận với các nguồn hàng, tạo sự chủ động trong điều tiết cũng như có cơ hội nhập được nhiên liệu với giá và chi phí thấp. Hằng năm, Petrolimex Aviation đều tham gia các hội nghị quốc tế do IATA tổ chức tại các nước. Đây là dịp để công ty tiếp cận với các hãng hàng không quốc tế trên toàn thế giới, các nhà cung cấp, dịch vụ trong lĩnh vực nhiên liệu hàng không. Nhờ các hội nghị này, công ty đã được khách hàng mới biết đến, tạo cơ hội tiếp xúc, giữ quan hệ cho các hoạt động thương mại của hai bên. Nhiều hợp đồng cung cấp nhiên liệu cho các hãng đã được ký kết sau khi Petrolimex Aviation là thành viên của IATA.
“Thị trường hàng không đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Đây là cơ hội để Petrolimex Aviation bứt phá. Hiện tại trên cả nước có hơn 20 sân bay, nhưng công ty mới chỉ phủ được 5 sân bay (Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cát Bi, Đà Nẵng và Cam Ranh). Chính vì vậy, mục tiêu mà công ty đặt ra trong những năm tới là phủ sóng tất cả các sân bay trong nước, tiếp tục vươn ra thị trường thế giới, không chỉ ở khu vực. Để thực hiện được tham vọng đó, Petrolimex Aviation sẽ tiếp tục phải tìm nguồn vốn và nguồn nhân sự”- ông Phạm Văn Thanh - Tổng giám đốc Petrolimex Aviation chia sẻ.