PGS.TS Nguyễn Trọng Điều: "Những gì mà doanh nghiệp tư nhân làm tốt nên để họ được tham gia"

Ngọc Hà 11/05/2019 05:19

"Môi trường kinh doanh ở Việt Nam hiện nay là khá hấp dẫn cho đầu tư và kinh doanh; môi trường kinh doanh đang chuyển biến nhanh và cải thiện tích cực".

Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Trọng Điều -Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia về môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam trong việc tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

P

PGS.TS Nguyễn Trọng Điều -Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia.

- Ông đánh giá thế nào về môi trường kinh doanh Việt Nam hiện nay?

Chúng tôi nhận thấy Đảng và Nhà nước coi trọng việc cải thiện môi trường kinh doanh, xem công tác này khâu trọng tâm, then chốt cho phát triển kinh tế, tăng trưởng GDP và là nền tảng cho phát triển đầu tư, kinh doannh cũng như thành lập doanh nghiệp.

Thứ nhất, môi trường kinh doanh Việt Nam có thể chế chính trị ổn định không chỉ ở khu vực mà còn có thể nói là ổn định cả ở tầm thế giới. Nhất là trong bối cảnh thế giới và khu vực gần đây xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp, xung đột, tranh chấp và nguy cơ chiến tranh thương mại.

Thứ hai, về nhân khẩu học, dân số Việt Nam vẫn ở trong thời kỳ dân số vàng, nhóm dân số trẻ trong độ tuổi lao động tốt vẫn chiếm lệ cao trong cơ cấu dân số. Theo đó tạo nên lực lượng lao động dồi dào và sẵn sàng, là yếu tố then chốt có tính quyết định để các doanh nghiệp, nhà đầu tư xem xét quyết định việc đầu tư, kinh doanh.

Thứ ba, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, tốc độ tăng trưởng GDP ở mức trên 6,5% còn rất nhiều dư địa cho đầu tư phát triển, đặc biệt là với dân số hàng trăm triệu người, dân số trẻ và năng động. Nền văn hóa cởi mở và thân thiện, dễ chấp nhận cái mới cho nên đã tạo nên một thị trường hấp dẫn không chỉ với các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp và doanh nhân lớn trong nước mà còn là nơi hấp dẫn cho các bạn trẻ, các nhóm lập nghiệp, các nhóm khởi nghiệp kinh doanh.

Có thể bạn quan tâm

  • Thể chế đóng vai trò then chốt cho kinh tế tư nhân phát triển

    00:00, 08/05/2019

  • Kinh tế tư nhân: Năng lực và cơ hội

    05:00, 06/05/2019

  • Trao cơ hội nhiều hơn cho kinh tế tư nhân

    09:30, 04/05/2019

  • Kinh tế tư nhân Việt Nam mang trong mình khát vọng mãnh liệt vào tương lai

    01:33, 04/05/2019

  • Kinh tế tư nhân là động lực và rường cột của nền kinh tế

    14:54, 03/05/2019

  • Kích hoạt động lực cho kinh tế tư nhân phát triển

    22:30, 02/05/2019

  • Chính phủ chọn lọc và phát triển "sếu đầu đàn" trong kinh tế tư nhân

    20:30, 02/05/2019

  • Thủ tướng: Phải tạo môi trường bình đẳng cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển

    19:56, 02/05/2019

Thứ tư, Chính phủ Việt Nam gần đây đã nỗ lực và thường xuyên rà soát, điều chỉnh, cải thiện các chỉ số liên quan đến môi trường kinh doanh, như là điều chỉnh và sửa đổi cơ chế, chính sách pháp luật, chú trọng tập trung cải cách thủ tục hành chính và đã bước đầu thực hiện chính phủ số, văn phòng điều hành không giấy tờ với việc khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong các hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến người dân, doanh nghiệp tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thứ năm, ý thức, nhận thức việc lập nghiệp, khởi nghiệp chân chính để có công ăn việc làm, có sự nghiệp qua đó lập thân và đóng góp cho xã hội đã bước đầu trở thành thứ văn hóa trong xã hội. Coi kinh doanh tự thân là lẽ sống, là vinh quang đang trở thành xu thế trong xã hội, đại bộ phận trong xã hội dần ngưỡng mộ và xem những người làm kinh doanh chân chính, thành đạt là hình tượng, là tấm gương để học theo. Chính vì vậy đã tạo ra làn sóng lan tỏa, thôi thúc lập nghiệp, khởi nghiệp và phát triển, đầu tư mở rộng kinh doanh, là động lực, chất xúc tác tốt cho thúc đẩy phát triển, cải thiện môi trường kinh doanh.

Thứ sáu, Đảng và chính phủ Việt Nam đã coi trọng và quyết liệt hành động rất cụ thể trong khâu hội nhập quốc tế, thành tựu rất lớn như đã hoàn tất đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, đang tiếp tục một số hiệp định FTA với khu vực lớn, đồng thời rất coi trọng việc phổ biến nội dung này tới cộng đồng doanh nghiệp, có sự quan tâm hỗ trợ đáng kể cho doanh nghiệp. Qua đó cũng thúc đẩy cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh.

- Với vai trò là Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, ông có đề xuất, kiến nghị gì về cơ chế, chính sách nhằm giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển hơn nữa trong thời gian tới?

Chúng tôi mong muốn môi trường kinh doanh được cải thiện nhanh hơn nữa và nhất là sự đồng bộ trong khâu cải cách thủ tục hành chính. Làm sao mà sớm xây dựng đồng bộ và trực tuyến hóa được công tác hành chính liên quan đến người dân và đặc biệt là doanh nghiệp. Có sự hỗ trợ và cuộc tích cực, thiết thực hơn nữa của các cơ quan quản lý đối với doanh nghiệp trong khâu hội nhập quốc tế như, hỗ trợ tư vấn hội nhập, nghiên cứu thị trường quốc tế, xúc tiến thương mại, đầu tư và phát triển kinh doanh ở ngoài nước,…

- Cụ thể, đâu sẽ là những chính sách, cơ chế mà doanh nghiệp tư nhân cần nhất thưa ông?

Thứ nhất là nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh doanh minh bạch, công bằng, lành mạnh, rõ ràng, một hệ thống thủ tục hành chính đơn giản, thuận tiện cho doanh nghiệp. Áp dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào các hoạt động quản lý, xóa bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp, các giấy phép ‘’con’’, giấy phép ‘’cháu’’ bất hợp lý. Nhà nước cần có định hướng đúng các chính sách vĩ mô để tạo điều kiện hướng đi cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển. Đẩy mạnh hơn nữa việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân. Những việc gì mà doanh nghiệp tư nhân làm tốt nên để cho doanh nghiệp tư nhân được tham gia.

Thứ hai là Nhà nước cần có chính sách công bằng đối với các doanh nghiệp kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam, tránh tình trạng ưu ái cho các doanh nghiệp FDI hơn các doanh nghiệp trong nước. Chỉ có như vậy mới tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng và các doanh nghiệp tư nhân trong nước mới phát triển được. Quyết liệt trong công tác xóa bỏ tệ nạn tham nhũng, nhũng nhiễu doanh nghiệp, đơn giản hóa, trực tuyến hóa các thủ tục hành chính, xây dựng bộ máy hành chính có năng lực, liêm chính và phục vụ tận tâm cho doanh nghiệp.

Thứ ba là hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận các nguồn lực (như đất đai, tài chính, lao động, khoa học công nghệ,…) để phát triển sản xuất kinh doanh.

Có cơ chế, chính sách để xây dựng và phát triển hạ tầng thông tin dữ liệu về doanh nghiệp hoạt động cùng ngành hàng, về thị trường vốn, về thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ,..

Bên cạnh đó, cần rà soát, cập nhật và xây dựng hoàn chỉnh Bộ tiêu chuẩn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực hành nghề chuyên môn, kỹ năng mềm, đặc biệt kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm, kỷ luật đạo đức làm việc, trách nhiệm nghề nghiệp và trách nhiệm lao động. Tập trung vào việc xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp phù hợp với xu thế hội nhập; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng dạy nghề, tiếp cận các chuẩn khu vực và thế giới.

Thứ tư là hỗ trợ xây dựng chiến lược phát triển và có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ nhóm doanh nghiệp tư nhân lớn có tiềm năng phát triển kinh doanh ra thị trường khu vực và thế giới, xây dựng được sản phẩm uy tín, thương hiệu tầm quốc tế;

Hỗ trợ xây dựng chiến lược phát triển và có chương trình kế hoạch hành động cụ thể trong việc khuyến khích, hỗ trợ các nhóm lập nghiệp, khởi nghiệp đổi mới và sáng tạo để phát triển cộng đồng doanh nhân tư nhân cả về số lượng và chất lượng.

Thứ năm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, doanh nhân trong việc thực hiện Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân. Thường xuyên cập nhật và truyền thông các thành tựu phát triển Kinh tế tư nhân đạt được, phát huy những mặt tích cực và phòng ngừa, hạn chế tiêu cực.

Chú trọng truyền thông nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đạo đức, văn hoá kinh doanh của doanh nhân; sứ mệnh không ngừng nỗ lực học hỏi, quản lý bản thân của doanh nhân gắn với sứ mệnh lập nghiệp, đổi mới, sáng tạo và xây dựng thương hiệu, uy tín, chất lượng sản phẩm dịch vụ có giá trị thật sự phục vụ khách hàng là lẽ sống của doanh nhân tư nhân, là con đường duy nhất và vinh quang trong sự nghiệp của doanh nhân tư nhân. Phổ biến, truyền bá tinh thần dân tộc trong phát triển doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia vươn ra toàn cầu, lập nghiệp, khởi nghiệp gắn với đổi mới, sáng tạo và phát triển kinh doanh gắn với kiến quốc.

Được như vậy sẽ tạo nên sự tương tác tích cực giúp cải thiện và thúc đẩy môi trường kinh doanh Việt Nam hội nhập, đạt các chỉ số tiến bộ ngang bằng, thậm chí cạnh tranh cao so với môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh cao ở quốc tế.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
PGS.TS Nguyễn Trọng Điều: "Những gì mà doanh nghiệp tư nhân làm tốt nên để họ được tham gia"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO