Phá "tảng băng tâm trí"

Nguyễn Văn Quý - Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Phật giáo, Viện Nghiên cứu Tôn giáo 05/09/2021 11:00

Cuộc đời này luôn bất ổn, không lúc nào bình yên. Do đó, ngoài kiến thức, những người có sức mạnh tinh thần mạnh mẽ cùng đạo đức tốt thì mới vượt qua được những giông bão của cuộc đời…

Theo thuyết Tam Thân (trikaya) của Phật giáo, thì một trong những hóa thân của Phật là một vị thái tử mang hình hài giống như mọi chúng sinh. Đương nhiên thái tử có cuộc sống thuận hoà vương giả. Thế nhưng tới một ngày, sau khi chứng kiến một người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo, một người già cơ nhỡ... thì buồn bã sâu sắc. Thái tử chợt nhận ra rằng, các điều kiện vật chất không thể làm cho con người ta vơi được những nỗi đau khổ về sinh, lão, bệnh, tử. Vì thẳm sâu trong mỗi tấm thân dung tục thường nhật, còn có một tinh thần mẫn cảm phức tạp…

Thế giới là vô thường

Có lẽ con người dường như chưa bao giờ, hoặc chí ít là phải hàng trăm năm nay mới rơi vào tình trạng hết sức đặc biệt với những thách thức "chưa từng có tiền lệ" bởi đại dịch. COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra đã "tấn công" mọi ngóc ngách, chi phối mọi khía cạnh đời sống kinh tế-xã hội trên toàn thế giới.

Thực tế cho thấy, cuộc chiến giữa con người với đại dịch Covid-19 chưa bao giờ mạnh mẽ, khẩn trương như lúc này. Phật giáo quan niệm về thế giới là vô thường bởi nó vận hành theo định luật thành – trụ – hoại – không. Cuộc sống của con người là giả tạm vì phải trải qua quy luật: sinh – trụ – dị – diệt. Song Đức Phật đã chỉ ra cho con người con đường có được cuộc sống hạnh phúc, an lạc, giác ngộ và giải thoát - đó chính là thực hành Tứ diệu đế. Tứ diệu đế bao gồm: nhận diện bản chất của khổ đau (Khổ đế), nguyên nhân của khổ đau (Tập đế), khả năng chấm dứt khổ đau (Diệt đế) và con đường thoát khỏi khổ đau (Đạo đế).

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lan rộng, chúng ta không thể dự báo hết những tác động của nó đến đời sống chúng ta, song rõ ràng chúng ta đã và đang cảm nhận tác động của nó. Phật giáo với hệ thống giáo lý, tư tưởng, triết lý riêng của mình đem lại cho tín đồ và người dân ưu chuộng đạo Phật thái độ, năng lượng sống tích cực, đặc biệt trong những ngày giãn cách vì đại dịch COVID-19.

Thấu hiểu giáo lý của Đức Phật chắc chắn sẽ giúp ta chấp nhận sự việc, hoàn cảnh một cách tích cực hơn.

Thấu hiểu giáo lý của Đức Phật chắc chắn sẽ giúp ta chấp nhận sự việc, hoàn cảnh một cách tích cực hơn.

“Mỗi đám mây đen mang theo tia chớp bạc"

Mỗi con người đều trải nghiệm sợ hãi. Họ sợ hiện tại, quá khứ hay tương lai. Trong đại dịch COVID, nỗi sợ hãi của người là sợ bị mất mát (về con người, tiền tài và nợ nần), sợ sự thất bại (về công việc, thất nghiệp, đóng cửa nhà máy)…. Thêm nữa tương lai chưa định hình một cách rõ ràng cũng khiến cho con người mang tâm lý lo âu thấp thỏm, căng thẳng sợ hãi… Càng ngày con người càng nhận ra một điều rất quan trọng là sức khỏe và thể chất có mối liên hệ rất gần gũi với tình trạng trí tuệ, cảm xúc và tinh thần của con người. Khi một người có những trải nghiệm trí tuệ, cảm xúc và tinh thần mang tính tiêu cực và mất quân bình thì hệ thống miễn nhiễm cũng suy giảm đi tính hiệu quả của nó, làm giảm bớt khả năng chống lại bệnh tật của cơ thể ảnh hưởng tới cuộc sống và sự thành công.

Về mặt tâm lý, trí tuệ, tiếng nói của Phật giáo là “vô úy” (không sợ hãi), không sợ hãi gian khó, sống, chết. Về mặt con tim (tình người), tiếng nói của Phật giáo là tiếng nói của tình người bao la. Tâm “vô úy” làm “bung” nguồn năng lượng tâm lý tạo nên sức mạnh phi thường của tâm thức…

Ngoài việc vượt lên trên nỗi sợ chết, những lời dạy của Đức Phật cũng giúp ta thấy được các kết quả hay khía cạnh tích cực đối với các hoàn cảnh nguy hiểm, đáng sợ mà ta gặp phải trong đời sống hàng ngày. Ví dụ khi bạn bị mất việc, hãy nghĩ rằng mình sắp có được thời gian quý báu được ở bên gia đình và bè bạn; khi bạn thất bại trong việc đàm phán hợp đồng hãy nghĩ rằng “thất bại là mẹ thành công” và sẽ đúc rút được kinh nghiệm làm tốt hơn ở dự án hợp đồng khác… Bởi vậy, tâm lý tích cực rất quan trọng. Thấu hiểu giáo lý của Đức Phật chắc chắn sẽ giúp ta chấp nhận sự việc, hoàn cảnh một cách tích cực hơn.

Để tăng cường và nâng cao tinh thần mạnh mẽ của bản thân ngoài chế độ ăn uống đầy đủ đảm bảo sức khoẻ, giáo lý của Phật còn răn dạy chúng ta còn phải chú ý tích cực rèn luyện.

Thứ nhất, sự tự tin là dấu hiệu ban đầu của sức mạnh tinh thần; ta phải biết dứt khoát giữa cái đúng và cái sai để tạo thành và giữ vững lập trường để bước tiếp. Thứ hai, ta phải biết khước từ sự cám dỗ. Phiền não của chúng ta là tham, sân, si, nhưng quan trọng là si mê mà không đoạn trừ được thì chúng ta nhìn đời không đúng, nên mới bị cám dỗ. Và nếu nghe theo sự cám dỗ đó sẽ dẫn chúng ta vào đường mê không có lối thoát. Thứ ba, phải biết kiềm chế sự nóng nảy của bản thân. Kinh Hoa Nghiêm có nói: “Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai” (Một ý niệm giận hờn nổi lên thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra). Không nóng tính, giận hờn là giữ được bình tĩnh trước những cảnh trái ý nghịch lòng. Thứ tư, biết đối diện với đau khổ cũng làm cho tinh thần ta mạnh lên. Chúng ta cứ nghĩ khóc là yếu đuối nhưng thực ra nó lại là mạnh. Vì ta dám đối diện, nhìn thẳng né tránh. Đấy mới là mạnh mẽ.

Ngoài ra, để “đánh thức” sự linh hoạt của các dây thần kinh, xây dựng khả năng phục hồi tinh thần, hãy thử ngồi thiền. Khi sức khỏe tinh thần tốt, sẽ có ý chí kiên cường hơn khi đối mặt với các thử thách khó khăn. Ngược lại, sức khỏe tinh thần bất ổn sẽ giống như gót chân Asin có thể khiến bạn gục ngã bất cứ lúc nào.

Ứng xử theo nguyên tắc đạo đức của Phật giáo sẽ mang lại lợi ích cho từng cá nhân và cộng đồng có được một cuộc sống hạnh phúc, một tinh thần thanh thản, vượt qua nỗi sợ hãi trước những biến động trong cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm

  • Ứng dụng văn hoá Phật giáo trong cuộc sống

    Ứng dụng văn hoá Phật giáo trong cuộc sống

    11:00, 30/08/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phá "tảng băng tâm trí"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO