Thị trường bất động sản 2019 dù đối mặt nhiều thách thức nhưng vẫn còn cơ hội phát triển năm 2020.
Thứ nhất, thị trường bất động sản vẫn giữ được sự ổn định, dựa vào các yếu tố tích cực của kinh tế vĩ mô; nỗ lực điều hành chính sách, cải cách kinh tế của Chính phủ.
Theo dự báo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tăng trưởng kinh tế năm 2019 có thể đạt mức 7,02%, vượt mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 (6,6 - 6,8%) mà Quốc hội đề ra.
10 tháng đầu năm 2019, kinh tế Việt Nam vẫn đạt nhiều kết quả tích cực. Theo đó, tăng trưởng GDP 3 quý đầu năm 2019 đạt cao nhất gần thập kỷ qua, tương đối cao so với các nước trong khu vực.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 28/12/2019
07:00, 30/12/2019
07:30, 14/12/2019
06:00, 05/12/2019
Thứ hai, nhu cầu về nhà ở của Việt Nam còn rất lớn. Cùng với việc trở thành quốc gia đông dân thứ 15 thế giới và thứ 3 khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia có sự gia tăng nhu cầu về nhà ở tại các khu đô thị hàng đầu trong khu vực. Cơ cấu dân số Việt Nam là nguồn cầu chính và bền vững của thị trường nhà ở do xuất phát từ nhu cầu mua để ở thực.
Sự di dân kết hợp với tăng trưởng dân số tự nhiên tạo ra nhu cầu lớn về nhà ở tại các đô thị như Hà Nội và TP.HCM. Hàng năm, Việt Nam phải xây mới khoảng 100 triệu mét vuông nhà ở, trong đó khoảng 70% nhà ở để đáp ứng nhu cầu của dân cư đô thị.
Thứ ba, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, bất động sản công nghiệp có dư địa phát triển rất lớn. Đây là những điểm sáng thị trường trong trung và dài hạn. Trong trung hạn, với trên 20 triệu khách quốc tế tới Việt Nam mỗi năm, thời gian nghỉ trung bình từ 5 - 7 ngày, 85 triệu khách nội địa có thời gian nghỉ từ 3 - 4 ngày… Việt Nam cần thêm hàng chục ngàn phòng khách sạn cao cấp.
Trong khi đó, bất động sản công nghiệp Việt Nam đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển dần trở thành một trong những điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á. Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đây sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển rất tốt.
Thứ tư, sự gia tăng mạnh mẽ của các quỹ nước ngoài. Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong 10 tháng năm 2019, vốn FDI đạt 29,11 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư 2,98 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Dự báo, trong năm 2020 con số này tiếp tục tăng cao nguyên nhân chủ yếu là do Việt Nam luôn ổn định về kinh tế cũng như chính trị - xã hội. Mặt khác, căng thẳng về thương mại giữa châu Âu, Mỹ - Trung Quốc cũng khiến dòng vốn của các tập đoàn đa quốc gia dịch chuyển sang Việt Nam đã thúc đẩy nhu cầu bất động sản công nghiệp tăng, kéo theo sự gia tăng nhu cầu nhà ở mà chủ yếu là phân khúc căn hộ cao cấp, hạng sang và nhà ở công nhân - thu nhập thấp. Nhu cầu mặt bằng bán lẻ và văn phòng cũng tăng nhẹ.
Với độ mở cao của nền kinh tế, đặc biệt, sau khi ký kết các hiệp định tự do hóa thương mại và mới đây nhất là Hiệp định CPTPP, EVFTA… nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ năm, hướng đến đô thị thông minh. Việt Nam cũng đang hướng đến xu hướng phát triển các thành phố, khu đô thị tích hợp. Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 với sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ đã, đang tác động mạnh mẽ đến hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề.
Nền tảng số hóa và trí tuệ nhân tạo, đô thị thông minh đang trở thành một xu hướng mới của nhân loại. Việc xây dựng thành công mô hình đô thị thông minh sẽ tạo ra giải pháp cho những vướng mắc tồn tại và giúp Việt Nam bắt kịp với xu hướng phát triển đô thị bền vững trên thế giới.
Thứ sáu, hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản đang ngày càng hoàn thiện theo hướng phát triển ổn định, bền vững. Việc sửa đổi một số luật như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở nếu được thông qua sẽ tác động tích cực đến thị trường.