Yêu cầu Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) phấn đấu hoàn thành dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, sớm hơn so với kế hoạch ban đầu, và trước ngày 30/9/2025.
>>Cao tốc Bến Lức - Long Thành: Nguy cơ vỡ tiến độ vì chưa điều chỉnh chủ trương đầu tư?
Đó là thông điệp phát đi từ Văn phòng Chính phủ tại Thông báo số 78/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc khảo sát và làm việc về các dự án giao thông trọng điểm, gồm cao tốc Bến Lức - Long Thành, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường Vành đai 3 - TP.HCM và đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giữa tháng 3 vừa qua.
Yêu cầu bố trí đủ vốn đối ứng…
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Dự thảo Nghị quyết về việc giao VEC bố trí đủ vốn đối ứng để tiếp tục triển khai dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được hối thúc hoàn thành trước ngày 24/3. Trong đó, việc VEC phải phấn đấu hoàn thành dự án sớm hơn so với kế hoạch ban đầu, trước ngày 30/9/2025. Đồng thời, sắp bố trí vốn đối ứng hoàn thiện cao tốc Bến Lức - Long Thành, mời thầu ngay trong tháng 4/2023.
Nhấn mạnh về nguồn vốn đối ứng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, cho rằng tiền nhàn rỗi của VEC đang gửi tiết kiệm, trong khi cao tốc Bến Lức - Long Thành là công trình quan trọng lại trì trệ nhiều năm là rất vô lý.
Trước vấn đề trên, tại Thông báo số 78, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đề nghị các bộ, cơ quan liên quan và VEC phải khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Về công việc cụ thể, Phó Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và VEC khẩn trương nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án bố trí nguồn vốn để hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án, bảo đảm cam kết nghĩa vụ trả nợ của VEC và đúng quy định của pháp luật hiện hành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/3.
Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thành việc thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và sớm có báo cáo kết quả thẩm định.
Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thành dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc bố trí vốn đối ứng cho dự án theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại văn bản số 38/TB-VPCP ngày 20/2 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ trước ngày 24/3.
Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông vận tải phối hợp với VEC làm việc với tư vấn nước ngoài để có giải pháp rút ngắn thời gian hoàn thành dự án, phấn đấu tiến độ hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch ban đầu (ngày 30/9/2025).
Đối với VEC, chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong việc hoàn thiện các thủ tục về điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư, bố trí vốn đối ứng còn lại, đề xuất phương án bố trí nguồn vốn để hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án.
"Hoàn thành chuẩn bị sẵn sàng các nội dung công việc như dự thảo kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu để ngay sau khi có các quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải về chủ trương sử dụng vốn hợp pháp của VEC để thực hiện các hạng mục còn lại của dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh dự án thì có thể phát hành ngay hồ sơ mời thầu để trong tháng 4/2023 có thể triển khai được" - Thông báo số 78 nêu rõ.
>>Cao tốc Bến Lức - Long Thành: Sẽ xử lý nghiêm các trường hợp cản trở quá trình thi công!
…vàcam kết, rút ngắn tiến độ hoàn thành
Trong đó, VEC phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng nguồn vốn nhà nước; trong tháng 4/2023 phải giải quyết các vướng mắc về pháp lý và trong tháng 5/2023 phải giải quyết các vấn đề kỹ thuật; cam kết, rút ngắn tiến độ hoàn thành.
Song song đó, VEC cần thẩm định thiết kế kỹ thuật, phương án kỹ thuật đảm bảo tính bền vững công trình, thích ứng biến đổi khí hậu; tính toán cốt đường, cao trình hợp lý để không làm tăng nhu cầu vật liệu đắp nền; đánh giá đến dòng chảy, thoát lũ; xem xét phương án làm cầu cạn, hạ thấp cốt đường, thay hầm đường dân sinh bằng cầu vượt.
Với uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An phối hợp chặt chẽ với VEC và tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, an ninh, nguồn vật liệu san lấp, bãi đổ thải cho các nhà thầu thi các hạng mục còn lại của dự án.
Ngoài ra, Văn phòng Chính phủ tổ chức lấy ý kiến thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc giao VEC bố trí vốn đối ứng ngay sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ.
Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bến Lức - Long Thành là dự án tuyến huyết mạch kết nối các tỉnh miền Tây sang miền Đông thông qua kết nối với cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận.
Về quy mô, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57,8 km đi qua tỉnh Long An, TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai, tổng vốn đầu tư 31.300 tỷ đồng do Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.
Dự án gồm 11 gói thầu xây lắp chính, chia thành 3 đoạn đầu tư độc lập từ các nguồn vốn khác nhau. Cụ thể, hơn 13.600 tỷ đồng của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đầu tư đoạn 1 (phía Tây) và đoạn 3 (phía Đông). Gần 12.000 tỷ từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đầu tư đoạn 2 (đoạn ở giữa). Còn lại gần 5.700 tỷ đồng từ nguồn đối ứng trong nước.
Công trình khởi công năm 2014, dự kiến ban đầu hoàn thành năm 2019. Tuy nhiên, đầu năm 2019 dự án gặp nhiều vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật, dẫn đến không được bố trí vốn để tiếp tục thực hiện đối với vốn ADB phía Tây, vốn JICA và vốn đối ứng.
Trước đó, giải thích về lý do tạm dừng, VEC cho biết, do các nhà thầu yêu cầu dừng hợp đồng vì giá vật liệu xây dựng tăng cao, trong khi giá trúng thầu được xây dựng từ năm 2015-2017, hiện giá vật liệu đã tăng gấp đôi. Mặt khác, do dừng thi công kéo dài, lại ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một số nhà thầu đã rút hết nhân sự, máy móc về nước.
Đến nay, các vướng mắc về thủ tục bố trí vốn để tiếp tục triển khai dự án đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Hiện, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đạt gần 81% khối lượng, tạm dừng thi công từ giữa năm 2019 đến nay. Dự án bị một số nhà thầu chấm dứt hợp đồng và khởi kiện VEC ra Trung tâm trọng tài quốc tế để yêu cầu đền bù chi phí phát sinh.
Đáng chú ý, để giải quyết khó khăn, mới đây, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tuyến cao tốc, bao gồm lùi thời gian hoàn thành đến tháng 9/2025.
Đồng thời, Bộ GTVT cũng kiến nghị điều chỉnh cơ chế tài chính đối với từng nguồn vốn ở dự án, trong đó, cho phép VEC sử dụng hơn 5.100 tỷ đồng từ nguồn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ, cùng vốn hợp pháp của đơn vị này để hoàn thành các phần việc còn lại tại dự án.
Số tiền trên bao gồm 758 tỷ đồng vốn đối ứng; 4.358 tỷ đồng để thi công xong đoạn phía Tây (1.778 tỷ đồng), phía Đông (800 tỷ đồng); hoàn thiện nút giao Quốc lộ 51 (1.100 tỷ đồng).
Có thể bạn quan tâm
11:44, 08/03/2023
13:48, 23/07/2021
04:30, 01/08/2020
20:44, 10/05/2019
11:00, 25/04/2019