Chương trình hành động của Chính phủ mục tiêu đến năm 2021 thực hiện áp dụng chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Giữa năm 2017, cái tin gần 300 cán bộ cơ sở tỉnh Hậu Giang xin nghỉ việc vì lương thấp làm dư luận băn khoăn, các cơ quan chức năng cũng có chút suy nghĩ. Bởi vì, con số gần 300 cán bộ xin nghỉ việc vì lương thấp có tác động dư luận không nhỏ.
Có thể bạn quan tâm
19:01, 20/08/2018
04:51, 10/08/2018
12:03, 29/06/2018
14:50, 27/06/2018
10:04, 20/05/2018
19:33, 13/05/2018
13:36, 12/05/2018
05:14, 10/05/2018
Bình thường và bất thường
Thực tế, vấn đề tăng lương cho đội ngũ công chức đã xảy ra nhiều cuộc tranh cãi. Nhưng rốt cuộc vẫn phải thừa nhận khó có thể tăng lương vì ngân sách hạn hẹp. Muốn tăng lương, chỉ có một cách là giảm biên chế. Biên chế hiện nay quá nhiều, quá dư thừa. Việt Nam có hơn 90 triệu dân nhưng số lượng công chức hơn 2 triệu…
300 cán bộ nói ở trên đa phần là công chức phần lớn được…đáp ứng nguyện vọng. Và từ đó cho đến nay, tỉnh Hậu Giang có lẽ vẫn không có xáo trộn nào đáng kể. TS Võ Đại Lược khi trả lời phỏng vấn báo chí đã nhận định: việc 300 cán bộ ở Hậu Giang xin nghỉ việc là… điều tốt.
Ông Lược lý giải rằng: Rõ ràng tiền lương hiện nay đối với cán bộ, công chức, viên chức thì không đủ nuôi sống gia đình. Bởi vậy, nếu cán bộ, công chức vẫn sống đàng hoàng thì đằng sau đó phải là câu chuyện khác, không loại trừ chuyện tiêu cực.
Một khi xảy ra chuyện tiêu cực trong việc kiếm sống của một cán bộ công quyền thì hệ quả để lại là rất lớn. Nhưng câu chuyện ở Hậu Giang lại mang đến tín hiệu khác. Bởi rõ ràng có một nguyên lý ở đây là: Lương không đủ sống thì họ nghỉ, đi kiếm việc khác để mưu sinh chứ không cố gắng ở lại để kiếm sống bằng những cách tiêu cực.
Có lẽ cũng chính vì vậy mà Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và mới đây nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương VI đã đề cập đến vấn đề tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Đây chính là những cơ sở định hướng để đến Hội nghị Trung ương 7, Nghị quyết đã dành một phần lớn để nói về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Lý do lương thấp nên cần phải cải cách tiền lương cũng là điều đáng phải suy nghĩ. Bởi lẽ thực tế, lương vẫn chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong thu nhập của cán bộ, công chức hiện nay.
Nếu như những chức danh lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước mà lương cũng chỉ mới 15 hoặc 16 triệu, thì so với nhu cầu và mức sống hiện nay, lương chưa thể nào bảo đảm cho cán bộ, công chức một đời sống đủ đầy. Ấy thế nhưng, báo cáo của Bộ Tài chính 7 tháng từ đầu năm 2018, tổng số thu là 775.000 tỷ nhưng chi thường xuyên lại chiếm tới 534.000 tỷ, chiếm tới hơn 68,9%, trong đó phần lớn là chi lương.
Như vậy, chi ngân sách để trả lương là rất lớn, nhưng tiền lương của cán bộ, công chức vẫn thấp là một mâu thuẫn. Điều đó khẳng định rõ hơn rằng: số lượng cán bộ, công chức hiện nay quá nhiều. Bởi nguyên lý đơn giản rằng: càng nhiều người hưởng lương khi ngân sách eo hẹp, thì mỗi người chỉ được một khoản lương nhỏ.
Trong khi đó, tại cuộc họp báo Bộ Nội vụ ngày 20/8, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa khẳng định: việc sắp xếp, sáp nhập, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế vẫn còn nhiều cái vướng, trong đó có vấn đề chế độ, chính sách cho những cán bộ, công chức dôi dư sau khi sắp xếp, sáp nhập các cơ quan nhà nước. Còn tại cuộc gặp giữa Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng với 100 chuyên gia, nhà khoa học người Việt ở nước ngoài trước đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng thì tuyên bố: sẵn sàng trả lương gấp rưỡi Mỹ nếu các chuyên gia, nhà khoa học về nước làm việc. Điều ấy hẳn có lý do của nó.
Đột phá từ cải cách tư duy
Bởi mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Mục tiêu là đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp. Xa hơn, đến năm 2030, thực hiện nâng mức tiền lương của khu vực công phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước; tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về vị trí việc làm và các tiêu chí đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức gắn với từng vị trí việc làm để trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền phù hợp với quy định của Đảng và của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức để làm căn cứ xây dựng và thực hiện chế độ tiền lương mới.
Đồng thời, Nghị quyết cũng yêu cầu các Bộ đề xuất và phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi theo nghề (nếu có) đối với viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, tình giản biên chế và đổi mới cơ chế hoạt động...
Nhưng như đã đề cập, việc cải cách chính sách tiền lương có đạt được mục tiêu đề ra hay không phụ thuộc rất lớn vào những cải cách khác. Đó là cải cách vai trò của nhà nước, cải cách hệ thống các cơ quan nhà nước theo đúng tinh thần “tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế”.
Bởi khi nhà nước không ôm đồm cả những việc mà xã hội và tư nhân có thể làm tốt, thì lúc ấy bộ máy nhà nước mới nhỏ lại và số người hưởng lương từ ngân sách mới ít đi. Khi ấy, lương mới có thể trở thành nguồn thu nhập chính, đảm bảo được cho cán bộ, công chức, viên chức mức sống phù hợp với kinh tế - xã hội.
Vì thế, trước khi cải cách chính sách tiền lương, cần phải cải cách bộ máy nhà nước theo hướng không ôm đồm.