Phải tìm rõ dấu hiệu gian lận thương mại mới có thể kết luận

Huyền Trang thực hiện 23/07/2018 17:00

Luật sư Kiều Anh Vũ, Công ty Luật KAV Lawyers khẳng định với DĐDN: Hành vi dán tem xịn lên "hàng xuất xứ tù mù" là hành vi có dấu hiệu gian lận thương mại.

Ông Vũ cho biết: Gian lận thương mại có thể hiểu là hành vi gian dối, lừa dối trong lĩnh vực thương mại thông qua hoạt động mua, bán, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ nhằm mục đích thu lợi bất chính. Câu chuyện của Con Cưng có thể xem có dấu hiệu của hành vi này, tuy nhiên việc xác định vi phạm cụ thể và việc xử lý còn phải làm rõ thêm và phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Có thể bạn quan tâm

  • Hàng nội gắn mác ngoại tại Con Cưng: Mất mát lớn nhất là sụp đổ niềm tin

    11:02, 23/07/2018

  • Sức hút cổ phiếu “con cưng” của Ford Việt Nam

    06:07, 23/05/2017

  • Cần xem lại cuộc vận động “ưu tiên dùng hàng Việt” nhìn từ vụ “thẻ vàng” EU, Khaisilk

    14:02, 01/02/2018

  • Phó Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm các vi phạm của Khaisilk

    09:43, 09/01/2018

  • Khaisilk từ "Con đường tơ lụa" đến “con đường tội lỗi”

    06:43, 17/12/2017

  • Vụ Khaisilk không có thành phần silk: Chuyển hồ sơ, điều tra độc lập

    10:49, 16/12/2017

  • Ngành lụa Việt sau vụ Khaisilk: Đừng cố “ăn mày dĩ vãng”

    06:59, 16/12/2017

- Ông có thể phân tích hành vi gian lận thương mại này dưới góc độ pháp luật, thưa ông?

Về việc sản phẩm bị lỗi, tem nhãn có dấu hiệu bị cắt và thay thế mà người tiêu dùng phản ánh thì đó là hành vi có dấu hiệu vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Cạnh tranh.

Khoản 2 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định người tiêu dùng có quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Khoản 1 Điều 10 Luật này cũng nghiêm cấm hành vi lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

Dưới góc độ Luật Cạnh tranh 2004, theo điểm a khoản 3 Điều 45 Luật Cạnh tranh, hành vi đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về xuất xứ hàng hóa, người sản xuất, nơi sản xuất, người gia công, nơi gia công… là hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh.

Về việc sản phẩm bị lỗi, tem nhãn có dấu hiệu bị cắt và thay thế mà người tiêu dùng phản ánh thì đó là hành vi có dấu hiệu vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Cạnh tranh.

Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP HCM khẳng định, về việc sản phẩm bị lỗi, tem nhãn có dấu hiệu bị cắt và thay thế mà người tiêu dùng phản ánh thì đó là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

- Vậy mức xử phạt cho hành vi này sẽ như thế nào, thưa ông?

Khoản 2 Điều 11 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng quy định tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Theo điểm đ khoản 1, khoản 4 Điều 66 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì thương nhân thực hiện hành vi che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng theo quy định bị phạt tiền 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh từ 1 tháng đến 6 tháng hoặc đình chỉ hoạt động từ 1 tháng đến 6 tháng.

Theo khoản 2, khoản 3 Điều 33 Nghị định 71/2014/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh thì vi phạm nêu trên có thể bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng; ngoài ra, doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
Ngoài ra, tùy tính chất, mức độ vi phạm, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội lừa dối khách hàng; tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

- Vậy trong trường hợp này, khách hàng nên làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình, thưa ông?

Khoản 7 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định rõ người tiêu dùng có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Do đó, đối với khách hàng đã mua phải sản phẩm bị lỗi, khách hàng có quyền khiếu nại, tố cáo và doanh nghiệp vi phạm phải đổi lại sản phẩm đúng như thỏa thuận và phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng.

-Còn hành vi vi phạm trên của Con Cưng, nếu có, có phải chịu chế tài hình sự không, thưa ông?

Việc có xử lý hình sự hay không thì phải do cơ quan có thẩm quyền điều tra, làm rõ và phải đủ các yếu tố cấu thành tội phạm được quy định tại Bộ luật Hình sự. Hành vi của Con Cưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhưng cơ quan chức năng cần chứng minh điều đó.

Về hành vi cố ý thay tem, nhãn mác, đây là hành vi có dấu hiệu của tội lừa dối khách hàng; tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội lừa dối khách hàng
như sau:

1. Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng
đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội sản xuất, buôn bán hàng giả như sau:

1.Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể
từ 31% đến 60%;

c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10
năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

đ) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

3.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ
01 năm đến 03 năm.

-Xin cảm ơn ông!

Về việc hệ thống Con Cưng bán hàng bị cắt, thay thế nhãn mác ngoại, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI cho hay, dù 1 trong các quỹ đầu tư do Công ty quản lý quỹ SSI quản lý hiện là cổ đông lớn của Con Cưng, song SSI không vì thế mà bao che hoặc kiếm giải pháp không đúng sự thật để xử lý truyền thông trong vụ việc này. Theo ông Hưng, hàng thay mác tức là hàng giả, không tranh cãi. Người tiêu dùng phải mua hàng giả là không chấp nhận được. Con Cưng chỉ có một giải pháp duy nhất là công khai bản chất các công đoạn hình thành sản phẩm này. Nếu công ty cố tình gây ra lỗi, vi phạm pháp luật thì phải khởi tố hình sự. Nếu đây là lỗi của nhà cung cấp thì Con Cưng phải khởi kiện nhà cung cấp tội lừa đảo và cơ quan pháp luật cần vào cuộc làm rõ vụ này. Trước mắt, tất cả những sản phẩm này phải được thu hồi và trả lại tiền cho khách hàng. “Tiền rất quý nhưng không thể làm như vậy! Ðây là quan điểm xuyên suốt và không có ngoại lệ”, ông Hưng cho hay.

Công ty Cổ phần Con Cưng (Con Cưng) là doanh nghiệp chuyên kinh doanh các sản phẩm cho trẻ em, phụ nữ có thai với các sản phẩm chính như: tã, sữa, thực phẩm, thời trang, đồ dùng cho bé, đồ chơi. Hiện tại, Con Cưng có 311 siêu thị trên toàn quốc, trong đó TP HCM có 105 siêu thị. Các thị trường lớn của Con Cưng phải kể đến sau TP HCM là Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phải tìm rõ dấu hiệu gian lận thương mại mới có thể kết luận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO