Chính phủ yêu cầu các đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập để tinh gọn đầu mối, giảm biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động, phấn đấu giảm khoảng 2,5% số đơn vị sự nghiệp công lập.
Giảm 2,5% số đơn vị sự nghiệp công lập
Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện có hiệu quả quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực cụ thể; khẩn trương hoàn thiện, ban hành các văn bản hướng dẫn cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực.
Đồng thời, Chính phủ yêu cầu các đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập để tinh gọn đầu mối, giảm biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động, phấn đấu giảm khoảng 2,5% số đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện cơ chế tài chính như doanh nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện; cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện, trừ các bệnh viện, trường học; sáp nhập, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động kém hiệu quả.
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết hội nghị TƯ 6, khoá 12, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, cả nước có 57.995 đơn vị sự nghiệp công lập với tổng biên chế khoảng 2,45 triệu viên chức. 42.146 đơn vị do ngân sách nhà nước nuôi.
Theo Phó Thủ tướng, hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập đóng góp lớn đối với sự nghiệp phát triển đất nước, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, ông cũng chỉ rõ: “Nhiều đơn vị vận hành không khác gì thời bao cấp. Tâm lý bao cấp, trông chờ ngân sách nhà nước vẫn phổ biến”.
Cụ thể, hiện cả nước có 57.995 đơn vị sự nghiệp công lập với biên chế khoảng 2,45 triệu viên chức, trong đó ngành y tế và giáo dục chiếm gần 70% tổng biên chế. Lương chiếm gần 40% tổng quỹ lương của ngân sách nhà nước.
Chỉ có 123 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, 1.934 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên, 12.968 đảm bảo một phần chi thường xuyên, 42.146 đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo hoàn toàn hoạt động.
“Thời điểm chín muồi của sắp xếp, đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập đã tới. Đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, vừa cấp bách, phải làm ngay, vừa lâu dài đối với các cấp uỷ đảng, chính quyền”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Dừng giao bổ sung biên chế
Trong năm 2018, Chính phủ đặt mục tiêu giảm 1,7% biên chế công chức so với số giao năm 2015; giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế, đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Nghị quyết số 19 không phải cắt xén đầu mối mà mục đích cao nhất là đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ công; xã hội hoá không đi với thương mại hoá dịch vụ công, nhất là đối với giáo dục và y tế.
“Mục tiêu của Nghị quyết là giảm các đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập và giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước nhưng không có nghĩa là sẽ giảm số lượng biên chế sự nghiệp mà số lượng này có thể tăng lên khi các đơn vị sự nghiệp đã tự chủ được tài chính thì có quyền tuyển thêm biên chế để phục vụ cho hoạt động chứ không phải cắt giảm biên chế”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khẳng định cùng với thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy nhà nước thì hoàn toàn có thể thực hiện thành công cắt giảm các đầu mối, biên chế hưởng lương ngân sách nhà nước như Nghị quyết số 19 nêu ra. Từ đó, tạo nguồn tăng lương cho đội ngũ cán bộ công viên chức.
Ông cũng lưu ý, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tuân thủ 5 nguyên tắc, trong đó nêu rõ pháp luật chuyên ngành không quy định việc thành lập tổ chức bộ máy các đơn vị, cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả, đẩy mạnh xã hội hoá…
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý xã hội hoá nhưng không phải thương mại hoá, bởi đây là các lĩnh vực cung cấp dịch vụ công thiết yếu cho xã hội, đặc biệt là giáo dục và y tế.
Nghị quyết cũng nêu các giải pháp cụ thể đối với từng lĩnh vực như y tế, giáo dục và đào tạo, dạy nghề… Trong lĩnh vực dạy nghề, sáp nhập trường trung cấp vào trường cao đẳng; giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả. Sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục dạy nghề trên địa bàn cấp huyện.
“Mỗi huyện thực hiện thì cả nước sẽ giảm được hơn 1.400 đầu mối”, Phó Thủ tướng nói.