Phần Lan và Thụy Điển đang tiến gần hơn nữa tới việc trở thành thành viên đầy đủ của NATO.
>>NATO lên “dây cót” nhằm vào Nga?
Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, tiến trình phê chuẩn Thụy Điển và Phần Lan gia nhập khối đã chính thức bắt đầu khi đại sứ của toàn bộ 30 nước thành viên NATO đã ký nghị định thư kết nạp 2 quốc gia Bắc Âu này. “Đây là một ngày tốt lành cho Phần Lan và Thụy Điển, và cũng là một ngày tốt lành cho NATO”, AFP trích lời ông Stoltenberg nói với các phóng viên trong thông cáo báo chí chung cùng Ngoại trưởng Thụy Điển và Phần Lan.
“Với 32 quốc gia thành viên NATO, chúng ta sẽ mạnh hơn nữa và người dân của chúng ta sẽ an toàn hơn khi đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất trong nhiều thập kỷ”, ông Jens Stoltenberg nói thêm.
Trước đó, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã “gật đầu” để Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sau khi 2 nước này ký thỏa thuận 10 điểm, nhưng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cảnh báo ông vẫn có thể ngăn chặn quá trình gia nhập NATO của 2 nước Bắc Âu một lần nữa nếu các yêu cầu của Ankara không được đáp ứng.
Hiện vẫn còn một chặng đường dài để Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên chính thức của NATO. Quá trình phê chuẩn gia nhập thường mất khoảng một năm, kể từ khi Nghị định thư được ký kết cho đến khi các quốc gia ứng viên chính thức tham gia Hiệp ước Washington. Bên cạnh đó, các nước ứng cử viên phải chính thức chấp nhận các nghĩa vụ của tư cách thành viên NATO.
Ông Stoltenberg giải thích: “Chúng tôi cần một quy trình phê chuẩn ở các Quốc hội của 30 nước thành viên NATO- điều đó luôn mất một khoảng thời gian dài nhưng tôi cũng mong đợi điều này sẽ diễn ra khá nhanh chóng. Bởi vì cuộc chiến Nga-Ukraine đã tăng thêm tính cấp bách chưa từng có đối với tư cách thành viên của Thụy Điển và Phần Lan".
Dự kiến, sau khi tất cả chính phủ chấp thuận, các thành viên NATO sẽ thông báo với chính phủ Mỹ - nơi lưu ký Hiệp ước Washington - văn kiện thành lập NATO - và Tổng thư ký NATO sẽ mời các nước tham gia liên minh. Những nước này chính thức trở thành thành viên của khối khi quốc kỳ của họ được treo bên ngoài trụ sở NATO ở Brussels.
>>NATO- Nga đối đầu, mối nguy nào cho thế giới?
Các chuyên gia quốc tế dự đoán, Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ góp phần củng cố sườn phía Đông của khối kể từ khi Nga tấn công Ukraine. Ông Katherine Kjellström Elgin, một thành viên tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách cho biết: “Điều này khá hoành tráng. Đó là một sự thay đổi cơ bản đối với cấu trúc Liên minh Châu Âu".
Trên thực tế, với tư cách là đối tác thân thiết, Phần Lan và Thụy Điển đã tham dự một số cuộc họp liên quan đến các vấn đề có tác động đến hai quốc gia này.
Đặc biệt là trong những năm gần đây, về cơ bản, Thụy Điển và Phần Lan gần như có thể tham gia NATO mà không cần chính thức tham gia liên minh này. Hai quốc gia này tham gia tập trận cùng khối và chia sẻ một số thông tin tình báo; cả Thụy Điển và Phần Lan đều ủng hộ sứ mệnh của NATO ở Afghanistan. Và cánh cửa mở của NATO luôn chào đón hai quốc gia này.
Tuy nhiên, cuộc chiến của Nga tại Ukraine đã làm hai nước Bắc Âu này, đặc biệt là Phần Lan, nhận thức được vị trí mà quốc gia này có thể có trong NATO là không đủ mạnh. Ở Phần Lan, sự ủng hộ dành cho NATO thường dao động trong khoảng 20%. Vào tháng 1/2022, chưa đến 30% công chúng Phần Lan ủng hộ tư cách thành viên NATO. Nhưng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, tỷ lệ này đã tăng lên mức 76% vào tháng 5/2022.
Trong khi đó, với Thụy Điển, các chuyên gia cho biết, sự ủng hộ không ấn tượng như ở Phần Lan. Thụy Điển giữ nhận thức chặt chẽ về việc họ là một quốc gia trung lập, một bản sắc mà nước này đã gìn giữ trong suốt các cuộc xung đột lớn ở châu Âu, bao gồm cả hai cuộc Chiến tranh Thế giới và Chiến tranh Lạnh. Như ông Sinikukka Saari, nhà nghiên cứu hàng đầu về Nga tại Viện Các vấn đề Quốc tế Phần Lan nhận định “Quyết định không gia nhập NATO đối với Thụy Điển bắt nguồn từ bản sắc trung lập, không liên kết".
Việc Phần Lan và Thụy Điển cùng gia nhập NATO cũng được cho là sẽ làm giảm một số rủi ro, mà phần lớn nằm ở cách phản ứng của Nga. Tuy vậy, ông Tuomas Forsberg, một chuyên gia về quan hệ quốc tế trao đổi với Vox rằng: “Nga sẽ coi tư cách thành viên NATO của Phần Lan là một sự thất bại, nhưng điều này có thể dễ dàng chấp nhận hơn nhiều so với việc một nước khác, cụ thể là các quốc gia từng là một phần của Liên Xô cũ, gia nhập NATO".
Có thể bạn quan tâm