Pháp nhân thương mại phạm tội (Bài 2): “Phòng bệnh” hơn “chữa bệnh”

NGỌC LAM thực hiện 08/11/2020 04:50

Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa khởi tố bị can đối với pháp nhân là Công ty cổ phần tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam về tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”.

Đây là pháp nhân đầu tiên bị khởi tố theo Bộ luật Hình sự mới, tuy nhiên, LS Trương Thanh Đức Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico cho rằng: cần xử lý hình sự song hành cá nhân và pháp nhân mới đủ sức răn đe.

Ông Đức phân tích: vi phạm từ… gốc là ý chí và hành vi của cá nhân nhưng đồng thời trùng lặp với quyết định và hành động của pháp nhân thương mại (doanh nghiệp), thì cần có hướng xử lý song song.

- Tham chiếu Bộ luật Hình sự 2015, trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm, cơ sở nào để xác định mức độ liên quan và trách nhiệm của các nhà quản lý doanh nghiệp đó theo quy định mới, thưa LS?

Hành vi phạm tội luôn được thực hiện bởi những cá nhân nào đó. Tuy nhiên, trong cả quá trình phạm tội, thường có 3 khâu quan trọng mà cá nhân liên quạn chặt chẽ với pháp nhân, hành động với tư cách của pháp nhân. Đó là việc quyết định công việc sai trái, việc thực hiện công việc sai trái và việc nhằm đến mục đích hưởng lợi sai trái. Vì vậy, người quản lý nói chung, người đại diện theo pháp luật nói riêng buộc phải biết và phải chịu trách nhiệm.

- Khi bị truy cứu trách nhiệm, một số doanh chủ cho rằng mình không biết hoặc do nhân viên của họ cố tình vi phạm, họ có quyền bác bỏ hay phải làm gì, thưa LS?

Pháp luật hình sự không có quy định miễn trừ hay giảm nhẹ khi người vi phạm cho rằng mình vi phạm do... không biết luật. Tôi từng chứng kiến các CEO làm thuê và trong quá trình công tác, họ ký những giấy tờ vay tiền của ngân hàng (do cấp trên giao) và phải ngồi tù. Luật quy định họ có nghĩa vụ phải biết. Điều cần thiết là các doanh chủ nên tự trang bị kiến thức kinh doanh song hành với kiến thức luật pháp. Ưu tiên “phòng bệnh” hơn “chữa bệnh”.

Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có Chương XI “Những quy định đối với pháp nhận thương mại phạm tội”. Về hình phạt, Bộ luật quy định hai loại là hình phạt chính và hình phạt bổ sung áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

Quy định về “pháp nhân thương mại phạm tội” theo BLHS 2015 đã “vạch ra” hành lang pháp lý về hình sự cho các vi phạm mà doanh nghiệp, cá nhân phải gánh chịu nếu làm ăn sai trái. Nếu chủ doanh nghiệp không thiết lập một cơ chế quản trị tốt cho doanh nghiệp, không định rõ về trách nhiệm và đảm bảo tính tuân thủ trong toàn doanh nghiệp, họ sẽ phải chấp nhận gánh lấy hậu quả khi có cơ sự.

- Nhưng khi một doanh nghiệp vi phạm, làm thế nào để xác định lỗi của doanh nghiệp (pháp nhân) hay chỉ là lỗi của người quản lý doanh nghiệp đó, thưa luật sư?

Pháp nhân thương mại tham gia vào quan hệ pháp luật là chủ thể bình đẳng, độc lập với các chủ thể khác cho nên pháp nhân thương mại phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Mọi hoạt động của pháp nhân thương mại được tiến hành thông qua hành vi của những cá nhân - người đại diện hợp pháp của pháp nhân. Hành vi của những cá nhân này không chỉ tạo ra quyền và nghĩa vụ cho họ, mà còn tạo ra các quyền và nghĩa vụ cho pháp nhân.

Chỉ khi nào những hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại thì mới làm phát sinh điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân đó.

Ngoài ra, khoản 2 Điều 75 BLHS 2015 quy định việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân. Nghĩa là việc áp dụng hình phạt cho pháp nhân thương mại phạm tội không đồng nghĩa với việc bỏ qua trách nhiệm hình sự của cá nhân. Pháp nhân thương mại phải chịu hình phạt khi thỏa mãn các điều kiện tại khoản 1 Điều 75 BLHS 2015. Với cá nhân, họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi hành vi của họ thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm được quy định trong BLHS 2015.

Trường hợp người lãnh đạo, người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền lại phạm tội do vượt quá thẩm quyền được trao, hoặc lợi dụng danh nghĩa pháp lý hoặc vật chất của pháp nhân đó để thực hiện tội phạm vì quyền hoặc lợi ích của mình, thì về nguyên tắc chỉ có cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm về tội phạm đó. Quy định này hướng đến phòng ngừa những trường hợp cá nhân cố tình thực hiện hành vi phạm tội nhưng được che đậy dưới danh nghĩa pháp nhân thương mại.

- Ông đã từng bảo vệ cho nhiều chủ doanh nghiệp trước tòa án, ông có lời khuyên nào cho các doanh nghiệp (và cấp lãnh đạo doanh nghiệp đó)?

Thứ nhất, người quản lý nói chung, doanh chủ nói riêng, cần phải xác định rõ ý thức và trách nhiệm tuân thủ nghiêm túc pháp luật kinh doanh.

Trong bối cảnh hiện nay, rủi ro pháp lý là một trong những nguy cơ khó nhất và lớn nhất đối với doanh nghiệp. Khi Việt Nam gia nhập hàng loạt FTA thế hệ mới, rủi ro pháp luật toàn cầu không chỉ ảnh hưởng tới 1 doanh nghiệp mà còn là cả một ngành hàng, là thể diện và sức cạnh tranh của quốc gia. Vì thế, tuân thủ pháp luật, bao gồm cả các cam kết hội nhập, là yêu cầu hàng đầu của các doanh chủ.

Thứ hai, cần phải tự mình hoặc nhờ cậy chuyên gia để hiểu rõ về hoạt động trong lĩnh vực của mình liên quan đến trách nhiệm pháp lý nói chung, trách nhiệm hình sự nói riêng.

Người quản lý nói chung, doanh chủ nói riêng, cần phân định rõ các nguy cơ mà doanh nghiệp hay bản thân mình có thể vướng phải quy định pháp luật hình sự hiện hành. Tối thiểu cũng phải biết rõ các nguy cơ hình sự trong các lĩnh vực như thuế, môi trường, sở hữu trí tuệ, bản quyền, gian lận thương mại. Việc thiết kế các quy trình – quy chế về quản trị rủi ro pháp lý và kiểm soát tuân thủ cần đặt trong bối cảnh môi trường kinh doanh và nguồn lực của doanh nghiệp ngay từ khi bắt đầu kinh doanh.

Cần có một đội ngũ chuyên môn về pháp lý để hoạt động kinh doanh luôn được vận hành nhuần nhuyễn, hài hòa với các quy định pháp luật trong nước và quốc tế. Một số doanh nghiệp khi đủ nguồn lực thường lập phòng pháp lý và tuân thủ. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp nhỏ, tôi nghĩ các doanh chủ nên tìm kiếm cho mình một đơn vị tư vấn đủ tầm.

Thứ ba, có được 2 điều trên vẫn cần hết sức coi trọng việc vận hành và ứng dụng trên thực tế để sửa lỗi cũng như khắc phục kịp thời sai sót và hậu quả pháp lý. Trách nhiệm hình sự là câu chuyện nghiêm trọng, với chế tài nghiêm khắc nhất trong hệ thống pháp luật và rất dễ xoá sổ mọi công sức, thành quả kinh doanh.

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Pháp nhân thương mại sẽ thi hành án như thế nào?

    Pháp nhân thương mại sẽ thi hành án như thế nào?

    03:59, 27/05/2020

  • Quy định về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại

    Quy định về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại

    15:30, 09/04/2020

  • Dự thảo Nghị định về thủ tục thi hành án với pháp nhân thương mại còn chung chung?

    Dự thảo Nghị định về thủ tục thi hành án với pháp nhân thương mại còn chung chung?

    21:47, 01/03/2020

  • Thi hành án đối với pháp nhân thương mại

    Thi hành án đối với pháp nhân thương mại

    05:25, 01/03/2020

  • Thấy gì từ vụ khởi tố bị can đối với pháp nhân bia “Sai Gon Viet Nam”

    Thấy gì từ vụ khởi tố bị can đối với pháp nhân bia “Sai Gon Viet Nam”

    05:00, 06/11/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Pháp nhân thương mại phạm tội (Bài 2): “Phòng bệnh” hơn “chữa bệnh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO