Năm 2017, chúng ta chứng kiến nhiều doanh nghiệp khối tư nhân “dính” đến trách nhiệm hình sự (TNHS). Những câu chuyện Khaisilk hay TS Group chỉ là ví dụ khi mà việc thực thi pháp luật càng ngày càng khắt khe. DĐDN đã phỏng vấn LS Nguyễn Thành Công – Giám đốc Công ty Đông Phương Luật về vấn đề này.
Nếu trước đây, Formosa gây ô nhiễm môi trường chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính, từ ngày 01/01/2018, Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS 2015) có hiệu lực doanh nghiệp phải chịu TNHS.
- Thưa LS, pháp luật đã quy định rõ về việc xác định được mức độ vi phạm hành chính và hình sự đối với các vi phạm như môi trường, trốn thuế, lừa đảo trong kinh doanh… hay chưa?
Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hành chính và hình sự đang được hoàn thiện và ngày càng chặt chẽ hơn. Điều đó thể hiện thông qua quy định đang được thực thi như: Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ LHS 2015 và các văn bản hướng dẫn. Theo đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính cho phép áp dụng phạt tối đa đối với pháp nhân có hành vi vi phạm cao nhất không vượt quá hai (02) tỷ đồng. Với mức phạt này, nhiều tổ chức kinh tế có quy mô lớn là không đủ tính răn đe. Ngoài ra một số hành vi vi phạm do pháp nhân thực hiện không được quy định trong các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính nên không có căn cứ để xử phạt. Vì vậy, trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, BLHS 2015 đã quy định TNHS của pháp nhân thương mại khi tham gia vào quan hệ pháp luật như một chủ thể bình đẳng độc lập với các chủ thể khác.
- Tham chiếu đến Bộ LHS 2015, trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm, cơ sở nào để xác định mức độ liên quan và trách nhiệm của các nhà quản lý doanh nghiệp đó theo quy định mới, thưa LS?
Đa số những hành vi vi phạm pháp luật do pháp nhân thương mại thực hiện trong thời gian qua là do những người lãnh đạo thực hiện vì lợi ích của pháp nhân đó hoặc trong khuôn khổ hoạt động của doanh nghiệp. Thủ đoạn của hành vi ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức cao và có những trường hợp mang tính quốc tế, gây thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế - xã hội, đòi hỏi phải có giải pháp mạnh để phòng ngừa và đấu tranh.
Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại. Vì vậy, người đứng đầu pháp nhân (người đại diện theo pháp luật) thực hiện tội phạm nhằm tối đa hóa lợi ích cho pháp nhân (ví dụ như trốn thuế; xả thải gây ô nhiễm môi trường nước; in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn…) thì pháp nhân phải chịu TNHS theo quy định.
Những hành vi như gian lận hay trốn đóng BHXH, hay các tội vi phạm quy định về cạnh tranh, vi phạm về kế toán, xâm phạm quyền tác giả... trước đây chỉ bị xử lý hành chính thì nay đã xử lý hình sự.
Tuy nhiên, quy định này cũng không loại bỏ việc cá nhân có hành vi vi phạm trong pháp nhân bị truy cứu TNHS. Điều này có nghĩa là, đồng thời với việc pháp nhân bị truy cứu TNHS về một tội phạm cụ thể thì những cá nhân có liên quan đến việc thực hiện tội phạm của pháp nhân đó cũng phải chịu TNHS. Tại khoản 2 Điều 75 BLHS 2015 quy định “Việc pháp nhân thương mại chịu TNHS không loại trừ TNHS của cá nhân”. Do vậy, trong quá trình áp dụng, giải quyết vụ án hình sự về tội có quy định TNHS của pháp nhân, trước hết, cần làm rõ các tình tiết, hành vi phạm tội và trách nhiệm của cá nhân hoặc pháp nhân (nếu có).
- LS đã từng bảo vệ cho nhiều chủ doanh nghiệp trước tòa án, ông có lời khuyên nào cho các doanh nghiệp (và cấp lãnh đạo doanh nghiệp đó) khi sắp tới đây, quy định mới siết chặt hơn?
BLHS 2015 với các chế định liên quan đến chủ doanh nghiệp một cách sát sườn, quy định các loại hành vi trước đây không phải là tội phạm nay là tội phạm. Hay nhóm tội liên quan đến việc gian lận hay trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cũng như các tội vi phạm quy định về cạnh tranh, vi phạm về kế toán, xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp... mà trước đây chỉ bị xử lý hành chính thì nay đã được quy định để xử lý hình sự.
LS Nguyễn Thành Công là chuyên gia khách mời tại Hội thảo chuyên đề “Loại bỏ rủi ro hình sự, Doanh chủ cần làm gì?” tổ chức ngày 13/01/2018 tại Tp.HCM, đặt vé qua bigtime.vn/LP-3383 hoặc hotline 0903128450. Báo DĐDN là đơn vị bảo trợ truyền thông cho hội thảo đặc biệt này.
Các vấn đề này liên quan đến sinh mạng chính trị và sự sống còn của các chủ doanh nghiệp. Bởi chúng ta nghĩ rất đơn giản và chủ quan về hành vi vi phạm của mình nhưng đến khi pháp luật “sờ gáy” thì đã muộn.
Doanh nghiệp đừng phàn nàn về sự siết chặt pháp luật của nhà nước để việc kinh doanh khó khăn mà hãy nhìn nhận vấn đề này theo hướng tích cực, đó là lâu nay ta chưa quy định chứ nhiều quốc gia đã có hành lang này từ lâu rồi. Chúng ta không thể đứng ngoài dòng chảy đó được. Nếu ta không chấp nhận thì cả guồng máy đang vận hành sẽ không vì thế mà dừng lại.
- Doanh nghiệp có quá nhiều trách nhiệm (dân sự, lao động, hành chính…), vậy đâu là những mối quan tâm cốt yếu để hạn chế TNHS cho doanh nghiệp, thưa ông?
Thứ nhất, doanh nghiệp cần phải hiểu rõ hoạt động trong lĩnh vực của mình với mối liên hệ trách nhiệm mà pháp luật hình sự quy định. Trước khi bị truy cứu TNHS thì đều có các ngưỡng quy định về trách nhiệm dân sự, hành chính. Vượt quá giới hạn ấy mới là câu chuyện nghiêm trọng với chế tài nghiêm khắc nhất trong hệ thống pháp luật - TNHS.
Thứ hai, họ cần phân định rõ các nguy cơ mà doanh nghiệp hay bản thân mình là chủ doanh nghiệp sẽ vướng phải tương ứng với quy định pháp luật hình sự hiện hành trong các lĩnh vực như thuế, môi trường, sở hữu trí tuệ, bản quyền, gian lận thương mại.
Thứ ba, chúng ta cần một đội ngũ chuyên môn về pháp lý để hoạt động kinh doanh luôn được vận hành nhuần nhuyễn, hài hòa với các quy định pháp luật. Phải có thái độ đúng mực về hành lang pháp lý mà doanh nghiệp hoạt động.
- Xin cảm ơn ông!