Pharmacity đấu với các gã khổng lồ ngoài ngành

Cáp Tần 14/05/2022 04:20

Pharmacity có vẻ đang phải tăng tốc hòng đấu với những “gã khổng lồ” ngoài ngành đang xâm chiếm mạnh mẽ thị trường nhà thuốc Việt Nam.

>>Pharmacity đón vốn quỹ và cuộc đua vào chuỗi bán lẻ dược phẩm

Cuối tháng 3 vừa qua, Pharmacity đã khai trương nhà thuốc thứ 1.000 tại TP.HCM. Với Pharmacity, cửa hàng thứ 1.000 là một cột mốc đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của thương hiệu này. Đặc biệt chỉ trong quý 1/2022, Pharmacity đã mở mới đến 200 nhà thuốc.

Đến hết năm 2022, đơn vị này phấn đấu đạt 1.750 nhà thuốc, mục tiêu đến năm 2025 có 5.000 nhà thuốc trên toàn quốc. Kế hoạch đầy tham vọng này sẽ đưa thương hiệu đạt mức doanh thu hơn 3 tỷ USD và đội ngũ nhân viên hơn 35.000 người.

Kế hoạch đầy tham vọng này của Pharmacity lại khá “trùng hợp” với thời điểm mà những gã ngoại đạo ngành thuốc, như FPT và Thế giới di động đang xâm chiếm mạnh mẽ thị trường nhà thuốc Việt Nam.

Cuộc đổ bộ của các “ông lớn”

Trong kinh doanh, có một chiến lược gọi là “Gã khổng lồ ngoài ngành”. Chiến lược này lấy sự ví von từ câu chuyện viễn tưởng Gulliver đến xứ sở người tí hon. Gulliver chỉ là một người bình thường trong thế giới bình thường, nhưng ở xứ sở tí hon thì lại là một người khổng lồ. Khi đó, nhờ lợi thế khổng lồ của mình, “người khổng lồ” Gulliver ngay lập tức có thể giải quyết rất nhiều khó khăn mà người tí hon phải đối mặt, như đánh bại cả một đội quân chẳng hạn.

Trong kinh doanh cũng vậy, khi một công ty ở trong một ngành “lớn”, nhảy sang một ngành khác hẳn, có quy mô, lượng vốn nhỏ hơn thì công ty kia bỗng trở thành một người khổng lồ. Sử dụng quy mô về vốn, những “gã khổng lồ” này có thể nhanh chóng mua lại các kinh nghiệm và hiểu biết của các công ty trong ngành, sau đó tái cơ cấu lại cục diện ngành.

Đối với thị trường nhà thuốc bán lẻ, FPT hay Thế giới di động (TGDĐ) đích thực là những gã khổng lồ ngoài ngành. Bởi theo thông tin từ Bộ Y tế, trước năm 2017, cả nước có trên 57.000 nhà thuốc. Tuy nhiên, các nhà thuốc của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ do các gia đình điều hành với thị phần 1,6 tỷ USD trên tổng quy mô 5,3 tỷ USD của thị trường dược phẩm ở Việt Nam. Trong khi đó, FPT hay TGDĐ vốn là các ông lớn trong một mảng “giàu” như là công nghệ, thì các nhà thuốc bán lẻ đối với họ đúng là những “người tí hon”.

>>“Vị đắng” ở Pharmacity

Đốt nóng cuộc chơi

Trong thông báo mới nhất, TGDĐ tuyên bố mở rộng chuỗi nhà thuốc An Khang với tốc độ nhanh. Như vậy sau một thời gian được tích hợp vào Bách Hóa Xanh để “hưởng ké” lượng khách hàng mua sắm, từ năm 2022 chuỗi nhà thuốc An Khang sẽ được TGDĐ tập trung đầu tư phát triển độc lập.

Trong khi đó, đối thủ Long Châu của FPT có vẻ nhỉnh hơn một chút. Kể từ khi bắt đầu hoạt động từ năm 2018 đến nay, Long Châu đã bắt đầu đem lãi về cho FPT, mặc dù trước đó FPT dự kiến đến 2023 mới hòa vốn. Cụ thể năm 2021, Long Châu đạt doanh thu 3.977 tỷ đồng, lãi 4,9 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2021, Long Châu có khoảng 400 nhà thuốc, tăng thêm 200 nhà thuốc so với thời điểm đầu năm. Đặc biệt trong quý 4, Long Châu mở gần 100 nhà thuốc mới. Còn theo kế hoạch năm 2022, Long Châu tiếp tục đẩy mạnh phủ rộng toàn quốc, dự kiến mở thêm ít nhất 300 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng cuối năm 2022 là từ 700 đến 800.

Không phải ngẫu nhiên mà cả FPT và TGDĐ đều đẩy mạnh đầu tư ở giai đoạn hiện tại. Theo ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT TGDĐ, ngành dược sau đợt dịch có những bước phát triển rất tốt. Nếu trước đây, nhà thuốc cơ bản chỉ bán thuốc chữa bệnh thì sau dịch, nhu cầu thực phẩm chức năng, thuốc hỗ trợ cũng tăng trưởng nhiều. Hay nói cách khác, ngành thuốc Việt Nam bắt đầu dịch chuyển từ nhu cầu “chữa bệnh” sang “bảo vệ sức khỏe”. Do đó, đây là thời điểm vàng để tăng trưởng mô hình chuỗi nhà thuốc.

Khi bắt đầu bán thuốc, với lợi thế về vốn và kinh nghiệm bán lẻ, những gã khổng lồ ngoài ngành này bắt đầu xâu chuỗi sự manh mún của thị trường bán lẻ thuốc bằng cách tạo ra một thương hiệu chung, đồng bộ, uy tín, có mặt ở khắp mọi nơi, giá cả thống nhất. Họ nhanh chóng lấn át các doanh nghiệp thuốc nhỏ lẻ và buộc các doanh nghiệp thuốc lớn trong ngành chơi theo cuộc chơi của họ nếu không muốn mất thị phần.

Là một thương hiệu với 11 năm kinh nghiệm trong ngành nhà thuốc, chắc chắn Pharmacity cũng nhận thức được điều này. Thành thử có thể cho rằng, kế hoạch mở rộng rầm rộ, đặc biệt là sự tăng tốc trong những tháng đầu năm 2022 chính là câu trả lời của Pharmacity trước sự xâm lăng của những gã khổng lồ ngoài ngành FPT và TGDĐ. Chúng ta có thể dự đoán thị trường nhà thuốc trong năm nay sẽ là cuộc đua vô cùng sôi động giữa 3 ông lớn này.

Có thể bạn quan tâm

  • “Vị đắng” ở Pharmacity

    “Vị đắng” ở Pharmacity

    11:30, 12/10/2020

  • Tham vọng mở chuỗi đẩy Pharmacity vào “thế khó”

    Tham vọng mở chuỗi đẩy Pharmacity vào “thế khó”

    04:11, 02/10/2020

  • Pharmacity đón vốn quỹ và cuộc đua vào chuỗi bán lẻ dược phẩm

    Pharmacity đón vốn quỹ và cuộc đua vào chuỗi bán lẻ dược phẩm

    00:02, 03/02/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Pharmacity đấu với các gã khổng lồ ngoài ngành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO