Phạt đến 30 triệu đồng hoặc phạt tù 12 năm nếu vi phạm lệnh cấm tập trung đông người

Đỗ Huyền 28/03/2020 11:50

Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội khẳng định khi đã có lệnh cấm tập trung đông người để chống COVID-19, người nào vi phạm sẽ bị phạt đến 30 triệu đồng hoặc đến 12 năm tù.

Chiều ngày 27/3, Bộ Y tế đã công bố thêm 10 trường hợp mắc mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 của Việt Nam lên 163 ca.

Để hạn chế tình trạng lay lan, Chỉ đạo tạm dừng hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người; đóng cửa cơ sở dịch vụ không thiết yếu... được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra trong cuộc họp Thường trực Chính phủ sáng 26/3 và cụ thể hóa trong Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3.

Thủ tướng chỉ đạo cấm tụ tập trên 20 người áp dụng với những hoạt động không cần thiết. Ảnh: Quốc Tuấn.

Thủ tướng chỉ đạo cấm tụ tập trên 20 người áp dụng với những hoạt động không cần thiết. Ảnh: Quốc Tuấn.

Vậy, các tổ chức cá nhân nếu vi phạm quy định trên sẽ đối diện với mức xử phạt như thế nào?

Trả lời câu hỏi này, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, khi đã có lệnh cấm tập trung đông người để chống COVID-19, ai vi phạm sẽ bị phạt đến 30 triệu đồng hoặc đến 12 năm tù.

Theo luật sư Cường, trường hợp địa phương đã có lệnh cấm kinh doanh, cấm tập trung đông người.. để chống COVID-19 mà người nào cố tình không chấp hành thì người vi phạm có thể bị phạt đến 10.000.000 đồng theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

Theo đó, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh; Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.

Trường hợp “Không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch” thì người vi phạm sẽ bị xử phạt đến 30.000.000 đồng theo quy định tại khoản 6 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP. 

Cụ thể như phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch; Không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; Đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch”.

Nghiêm trọng hơn, hành vi cố tình còn thể bị xử lý hình sự. Cụ thể như trường hợp vi phạm lệnh cấm tập trung đông người nơi công cộng mà còn dẫn đến hậu quả làm lây lan dịch bệnh đến mức phải công bố tình trạng dịch bệnh thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người với mức hình phạt cao nhất có thể áp dụng lên đến 12 năm tù, đồng thời phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với nhà nước, với tổ chức và cá nhân.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh chỉ đạo các sở, ban, ngành tham gia phòng chống dịch COVID-19

    20:10, 27/03/2020

  • [COVID-19] Hải Phòng cách ly người đến từ vùng có dịch, phun khử trùng toàn thành phố

    19:32, 27/03/2020

  • Doanh nghiệp không cần “ngủ đông” vì COVID-19

    19:16, 27/03/2020

Cũng theo ông Cường việc ban hành “lệnh cấm” phải bằng Quyết định của Chủ tịch UBND cấp quận huyện hoặc Quyết định của chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố thuộc trung ương căn cứ vào quy định tại Điều 16, Điều 17, Nghị định 101/2010/NĐ-CP.

Nội dung của “lệnh cấm” tập trung đông người để phòng chống COVID-19 phải ghi rõ tập trung bao nhiêu người thì sẽ bị cấm (gọi là đông người), cấm với ai, cẩm ở đâu, cấm giờ nào… Lệnh cấm phải theo đúng thẩm quyền và đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định 101/2010/NĐ-CP Của chính phủ về hướng dẫn luật phòng chống bệnh dịch truyền nhiễm năm 2007 thì mới có hiệu lực thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phạt đến 30 triệu đồng hoặc phạt tù 12 năm nếu vi phạm lệnh cấm tập trung đông người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO