Các giải thưởng nhằm tôn vinh những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, những công trình xây dựng thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng - Bộ Công Thương phối hợp với Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ vừa tổ chức Lễ phát động 03 giải thưởng gồm: Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp năm 2021, Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công trình xây dựng năm 2021 và Giải thưởng Hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2021.
Đại diện Ban tổ chức cho biết, thời gian nhận hồ sơ tham gia các giải thưởng bắt đầu từ 25/8/2021 đến hết ngày 31/10/2021. Sau khi thời gian nhận hồ sơ kết thúc, hội đồng kỹ thuật sẽ tiến hành đánh giá và lựa chọn các công trình, sản phẩm, doanh nghiệp đạt tiêu chí xét tặng giải thưởng. Để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, Ban tổ chức sẽ nhận hồ sơ theo cả 2 hình thức là bản giấy và bản điện tử, đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong quá trình gửi hồ sơ tham dự Giải thưởng. Các cá nhân, doanh nghiệp có thể tham khảo thông tin về Giải thưởng và cách thức nộp hồ sơ tại website https://tietkiemnangluong.com.vn/ hoặc tại website của Cộng đồng Hiệu quả năng lượng Việt Nam http://veecom.vn/.
Phát biểu tại lễ phát động, ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương cho biết, việc tổ chức các Giải thưởng này là một trong những hoạt động truyền thông thuộc Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 hướng đến mục tiêu phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 8% - 10% trong giai đoạn từ 2019 đến năm 2030.
“Các giải thưởng này nhằm ghi nhận và tôn vinh những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, những công trình xây dựng tiêu biểu trong việc thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, tôn vinh các doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh sản phẩm tiết kiệm năng lượng có hiệu suất cao hơn, chuyển dịch thị trường và từng bước loại bỏ các sản phẩm hiệu suất thấp, tiêu tốn nhiều năng lượng”, ông Vũ nhấn mạnh.
Nhằm tổ chức thành công các hoạt động, bên cạnh sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp còn có sự hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức. Những năm vừa qua, CHLB Đức thông qua GIZ đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu thúc đẩy năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng. Nhiều hoạt động trong hỗ trợ triển khai ứng dụng các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp đã được thực hiện, giúp mang lại những lợi ích tích cực về kinh tế, môi trường và xã hội cho Việt Nam.
Trong vai trò của nhà triển khai Dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng (Dự án 4E), ông Markus Bissel – Trưởng hợp phần Hiệu quả năng lượng cho biết, trong Giai đoạn 1 của dự án 4E, Giải thưởng quốc gia về hiệu quả năng lượng trong công nghiệp đầu tiên đã được tổ chức thành công vào năm 2017. Hơn 350 giải pháp tiết kiệm năng lượng, quản lý tài nguyên hiệu quả và các mô hình thân thiện với môi trường đã được xác định và trở thành các kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất cho nhiều công ty khác.
“Tiếp nối thành công đó, GIZ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và VECEA để tổ chức Giải thưởng quốc gia năm 2021, tìm kiếm các doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng khu vực công nghiệp. Đặc biệt, Giải thưởng cho khối công nghiệp năm 2021 lần đầu tiên có thêm hạng mục tôn vinh nam và nữ quản lý năng lượng, nam và nữ kỹ thuật viên xuất sắc nhất trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng. Qua đó, Giải thưởng kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao nhận thức về hiệu quả năng lượng ở cả cấp độ tổ chức và cá nhân, thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành”, ông Markus Bissel chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Đình Hiệp – Tổng thư ký, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam, Hội đồng giám khảo các giải thưởng là các chuyên gia đại diện các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, hiệp hội ngành nghề liên quan có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng. Hội đồng sẽ làm việc với tinh thần khách quan, công tâm, minh bạch, dựa trên các thông số kỹ thuật để thực hiện đánh giá các giải pháp, công nghệ sử dụng, thiết bị, sản phẩm đăng ký giải thưởng.
Các doanh nghiệp đạt tiêu chí theo các thể lệ ban hành sẽ nhận được chứng nhận, cup bằng khen của Bộ Công Thương. Đặc biệt, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn Hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2021 sẽ được dán nhãn chứng nhận của Bộ Công Thương với mã QR đi kèm khi lưu thông sản phẩm, hàng hóa ra thị trường. Người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm có thể trực tiếp tham khảo thông tin về mức tiêu thụ năng lượng của sản phẩm từ điện thoại thông minh tại địa chỉ: https://tietkiemnangluong.com.vn/top-runner
Theo tính toán, ngành công nghiệp chiếm hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Các khảo sát thực tế cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp tai Việt Nam được đánh giá vào khoảng từ 20-30%. Trong khi đó, mức độ lãng phí năng lượng trong các công trình xây dựng tại Việt Nam còn khá lớn. Theo Bộ Xây dựng tiềm năng tiết kiệm năng lượng ước tính từ 30-35% với tỷ lệ gia tăng diện tích sàn đưa vào sử dụng hàng năm là trên 40%.
Bên cạnh đó, theo thống kê của Bộ Công Thương, thực hiện Chương trình dán nhãn năng lượng bắt buộc từ ngày 01/7/2013, đã có trên 90% thiết bị gia dụng có dán nhãn năng lượng. Chương trình đã loại bỏ tiêu thụ bóng đèn sợi đốt, nâng hiệu suất năng lượng đối với 06 loại sản phẩm sử dụng nhiều năng lượng (Máy biến áp, điều hoà không khí, nồi cơm điện, quạt điện, đèn huỳnh quang ống, CFL).
Theo giới chuyên gia, tiết kiệm năng lượng đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư như tiết giảm chi phí sản xuất, vận hành, nâng cao khả năng cạnh tranh, năng lực ứng dụng công nghệ, cũng như uy tín thương hiệu trong bối cảnh sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên đang trở thành tiêu chí trong cạnh tranh thương mại toàn cầu.