Một "hỏa ngục'' thực sự của vũ trụ vừa được các nhà khoa học Mỹ xác định khi phân tích dữ liệu của Vệ tinh Khảo sát ngoại hành tinh TESS (NASA).
Nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà thiên văn Samuel Cabot từ Đại học Yale (Mỹ) cho biết hành tinh mới - được đặt tên là TOI-1518b - là một dạng "Sao Mộc nóng'' quay cực nhanh, là một ứng cử viên tuyệt vời để tìm hiểu về bầu khí quyển các thế giới ngoài hệ Mặt Trời.
Theo Sci-News, chạm tới khí quyển của một hành tinh xa xôi là rất khó, dù khoảng cách chỉ vài chục năm ánh sáng. Thế nhưng TOI-1518b dù cách chúng ta tận 742 năm ánh sáng vẫn để lộ các đặc tính khí quyển nhờ nó bị ''thổi phồng'', tức có bầu khí quyển nở ra hết mức do nhiệt độ quá cao, đồng thời lại được sao mẹ chiếu sáng rất mạnh.
Ngôi sao mẹ TOI-1518 của nó là một ngôi sao kiểu F quay nhanh, khối lượng gấp đôi Mặt Trời, thuộc chòm Tiên Vương, trong khi hành tinh đang được nghiên cứu là một hành tinh khí khổng lồ giống Sao Mộc của chúng ta, nhưng to hơn Sao Mộc tận 1,9 lần. Nó nằm cách sao mẹ chỉ 0,04 đơn vị thiên văn, tức chỉ 4% khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời.
Khoảng cách đó đem đến cho hành tinh một nhiệt độ trung bình như ''hỏa ngục'': 2.219 độ C. Nhiệt độ này khiến cho các kim loại cũng không thể tồn tại nổi dưới dạng rắn hay lỏng mà bị bốc hơi. Các nhà khoa học đã tìm thấy dấu hiệu của rất nhiều... sắt bay hơi trong bầu khí quyển kỳ lạ này.
Nghiên cứu sẽ được công bố chính thức trong Astronomical Journal số tiếp theo.
https://nld.com.vn/khoa-hoc/phat-hien-hanh-tinh-moi-dang-so-co-bau-troi-sat-20210930070936673.htm
Có thể bạn quan tâm