Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị 08/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu.
Quan điểm, mục tiêu đặt ra là phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ bền vững, hiệu quả, hiện đại trên cơ sở hội nhập sâu vào thị trường khu vực và toàn cầu; sử dụng nguyên liệu gỗ hợp pháp; ứng dụng công nghệ tiên tiến và thiết bị hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường trong sản xuất.
Trong 10 năm tới, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam; xây dựng thương hiệu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ Việt Nam, phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu trên thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới.
Phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ năm 2019 đạt 11 tỷ USD; năm 2020 đạt 12 đến 13 tỷ USD; năm 2025 đạt 18 đến 20 tỷ USD; từng bước tăng tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm được chế biến sâu có thương hiệu Việt Nam, có giá trị gia tăng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm
13:39, 22/02/2019
06:06, 05/02/2019
06:16, 01/01/2019
11:01, 23/12/2018
06:30, 14/12/2018
13:49, 29/10/2018
05:33, 11/08/2018
Tăng cường ứng dụng KHCN trong chế biến gỗ
Để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Lâm nghiệp đã được Quốc hội thông qua năm 2017 và hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật, với yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu và phát triển lâm nghiệp bền vững; xây dựng chiến lược phát triển ngành lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, rà soát và hoàn thiện quy hoạch lâm nghiệp, lập kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu, phát triển ngành công nghiệp chế biến theo yêu cầu bối cảnh mới của Luật Lâm nghiệp.
Đồng thời tiếp tục các chính sách hỗ trợ về vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về quỹ đất, mặt bằng đầu tư nhà máy, cơ sở sản xuất chế biến gỗ. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết nhằm tạo khu vực cung ứng, chế biến gỗ tập trung (bao gồm cả khu công nghiệp dịch vụ hỗ trợ cho chế biến gỗ), Nhà nước bố trí nguồn vốn đầu tư hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng 01 Trung tâm nhập khẩu, phân phối gỗ quy mô lớn (Chợ đầu mối gỗ nguyên liệu) làm nhiệm vụ cung ứng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến gắn kết với các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ.
Bên cạnh đó tăng cường đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ xuất khẩu; đưa tư duy sáng tạo vào sản phẩm gỗ Việt, tăng cường năng lực thiết kế, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao mang thương hiệu Việt, xây dựng thương hiệu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ Việt Nam làm động lực tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trong thời gian tới.
Đẩy mạnh việc trồng rừng gỗ lớn
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh việc trồng rừng gỗ lớn, cung cấp nguyên liệu gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo yêu cầu của thị trường quốc tế; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nguyên liệu, từ chọn, tạo giống, kiểm soát, đảm bảo chất lượng giống cho trồng rừng, đến trồng rừng thâm canh, chăm sóc rừng, khai thác gỗ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng; phát triển vùng nguyên liệu ổn định để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu ngày càng tăng cao của công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Phát triển và nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao cho ngành chế biến gỗ. Ưu tiên đầu tư cho các trung tâm nghiên cứu, đào tạo đầu ngành để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; tăng cường liên kết, phối hợp giữa doanh nghiệp và các trung tâm đào tạo, chú trọng đào tạo đồng bộ và kết hợp hài hòa giữa các nhóm nhân lực thuộc các loại hình đào tạo đại học, trung cấp, công nhân kỹ thuật phù hợp với yêu cầu thực tế phát triển và công nghệ của ngành chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ.
Các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; sử dụng hiệu quả nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm, giảm chi phí, giá thành, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế và trong nước; chú trọng xây dựng thương hiệu Việt cho các sản phẩm xuất khẩu, sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn, phù hợp với yêu cầu thị trường quốc tế; phấn đấu có ít nhất một sản phẩm của ngành lâm nghiệp là sản phẩm chủ lực, sản phẩm quốc gia.
Đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ Việt Nam; xây dựng hệ thống thông tin thị trường và tiêu chuẩn sản phẩm, thúc đẩy thương mại điện tử cho các sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ; triển khai và thực hiện tốt các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết, chú trọng hơn nữa thị trường trong nước; tập trung ưu tiên nguồn lực cho các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, đầu tư các trung tâm triển lãm quy mô lớn tương xứng với tiềm năng phát triển ngành chế biến gỗ, trước mắt nâng cấp Hội chợ VIFA - EXPO tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay thành hội chợ quốc tế ngành chế biến gỗ Việt Nam gắn với việc tôn vinh và bầu chọn các thương hiệu uy tín trong năm.
Các hiệp hội của cộng đồng doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ chủ động hội nhập, thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế, tuân thủ luật pháp quốc tế; từng bước nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ và quản trị doanh nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm mới có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; tuyên truyền, vận động hội viên đẩy mạnh sản xuất kinh doanh gỗ hợp pháp và bền vững môi trường, kiên quyết “nói không” với việc sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc bất hợp pháp.
Xây dựng, quảng bá thương hiệu ngành gỗ Việt Nam
Để ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ xuất khẩu phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, điều chỉnh cơ chế, chính sách về đất đai, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, từ khâu giống, trồng, chăm sóc rừng đến chế biến sản phẩm và chính sách liên kết giữa người trồng rừng với doanh nghiệp chế biến theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu ban hành chính sách mua sắm công theo hướng ưu tiên sử dụng đồ gỗ từ các sản phẩm gỗ rừng trồng có nguồn gốc hợp pháp trong nước, được sản xuất tại Việt Nam; ưu tiên bố trí nguồn ngân sách cho các chương trình đào tạo nguồn nhân lực của ngành công nghiệp gỗ và lâm sản ngoài gỗ; ưu tiên nguồn ngân sách cho các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá thương hiệu ngành gỗ Việt Nam.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức tuyên truyền đối với người dân, doanh nghiệp hạn chế khai thác rừng non, thực hiện kinh doanh gỗ lớn để bảo vệ môi trường sinh thái đồng thời tạo được nguồn gỗ có đường kính lớn phục vụ cho sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh doanh rừng trồng.
Các hiệp hội chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tăng cường thông tin cho hội viên về thị trường để nâng cao tính chủ động, phòng ngừa rủi ro; tăng cường công tác truyền thông về các quy định pháp luật, hệ thống trách nhiệm giải trình về gỗ hợp pháp của các nước nhập khẩu; xây dựng thương hiệu và hình ảnh tốt đẹp của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ xuất khẩu.