Nếu đưa vào vận hành, 6 bến cảng nước sâu khu vực cảng Lạch Huyện sẽ đáp ứng được nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa cho khu vực phía Bắc đi quốc tế.
Năm 2005, ông Nguyễn Văn Thuận khi đó là Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng đã vui mừng công bố trước các cử tri trong 1 kỳ họp rằng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng Hải Phòng khi ấy đạt con số 30 triệu tấn. Bởi, đây là kỷ lục sản lượng hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng/năm khi đó.
Cảng nước sâu – át chủ bài
Thế nhưng, chưa đầy 20 năm sau, con số này chỉ tương đương lượng hàng hóa thông qua 1 cảng HICT (Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng) tại khu vực cảng Lạch Huyện trong năm 2022 vừa qua.
Không chỉ có năng lực xếp dỡ hàng hóa mà cảng quốc tế HICT còn đón tàu tải trọng lên đến hàng chục vạn tấn làm hàng. Thậm chí, các cảng nước sâu khu vực Lạch Huyện có thể thực hiện tuyến vận tải trực tiếp từ đây đi Châu Âu và Mỹ. Ông Bùi Mạnh Cường – một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hàng da giày đi Mỹ cho biết, trước đây mỗi lô hàng từ cảng Hải Phòng đi Oakland Mỹ phải mất từ 30 đến 45 ngày. Tuy nhiên, từ khi Hải Phòng có tuyến vận tải biển đi trực tiếp đến Mỹ thì thời gian vận chuyển 1 lô hàng giảm xuống chỉ còn 18 – 21 ngày. “Với việc mở tuyến vận tải trực tiếp từ Hải Phòng đi Mỹ, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa đã tiết kiệm được 1/3 thời gian vận chuyển so với trước đây và giảm được 1/5 chi phí. Chưa kể, việc vận rút ngắn thời gian vận chuyển mang lại nhiều cơ hội cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước” – ông Cường nhấn mạnh.
Việc phát triển cảng nước sâu của Hải Phòng đã đạt được đúng tiêu chí “địa lợi, nhân hòa”. Ngày 13/5/2018, bến cảng số 1, 2 cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (cảng HICT) chính thức đi vào hoạt động và đón chuyến tàu đầu tiên làm hàng. Đây là dấu mốc để Hải Phòng khẳng định chiến lược phát triển cảng nước sâu. Và chỉ mất chưa đầy 3 năm hoạt động, HICT chính thức phá vỡ kỷ lục công suất thiết kế 1 triệu TEU/năm.
Với tốc độ tăng trưởng chóng mặt, theo các chuyên gia nhận định, chỉ cần 6 bến cảng khu vực Lạch Huyện đi vào hoạt động thì sẽ “gánh” hết toàn bộ lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của cả khu vực phía Bắc.
Nhìn xa, trông rộng
Theo kế hoạch, các bến cảng nước sâu 3,4,5,6 tại khu vực bến cảng Lạch Huyện (nằm trong khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Hải Phòng) sẽ hoàn thành xây dựng đưa vào khai thác năm 2025. Mặc dù được thiết kế, xây dựng “đi trước 1 bước” nhưng theo thứ trưởng Bộ GTVT - Nguyễn Xuân Sang, dự báo đến năm 2030, sản lượng hàng hóa thông qua toàn hệ thống cảng biển Việt Nam gấp 1,6 - 2,1 lần; năm 2050 gấp 4,1 - 4,8 lần so hiện nay.
Cụ thể, khu bến Lạch Huyện có phạm vi quy hoạch gồm vùng đất và vùng nước khu vực đảo Cái Tráp, đảo Cát Hải và Lạch Huyện. Khu bến có chức năng là cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế. Có các bến container, tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí, bến cảng khách quốc tế, bến công vụ, bến cho các phương tiện thủy nội địa. Đáp ứng cỡ tàu container với sức chở 6.000 ÷ 18.000 Teus, tàu tổng hợp, hàng rời đến 100.000 tấn, tàu hàng lỏng/khí đến 150.000 tấn,...
Câu chuyện đặt ra là nếu các bến này đi vào hoạt động, lượng hàng hóa đổ dồn về Lạch Huyện thì năng lực của cầu Tân Vũ liệu có đáp ứng nổi? Trong khi cây cầu này là tuyến đường bộ độc đạo nối từ các bến cảng khu Lạch Huyện và chỉ được thiết kế với 4 làn xe. Các bến cảng hoàn thành, hàng loạt KCN mới được hình thành và lượng du khách đến đảo Cát Bà bằng đường bộ ngày càng tăng thì cầu Tân Vũ sẽ không đáp ứng được yêu cầu, gây nguy cơ mất an toàn giao thông.
Mặt khác, chỉ còn chưa đầy 2 năm nữa các bến hoàn thành nhưng hệ thống đường sắt kết nối với các cảng vẫn chưa từng được manh nha hình thành nên đường bộ vẫn đóng vai trò chủ đạo trong việc giải phóng hàng qua các cảng. Thêm nữa, đường thủy nội địa cũng được xem là đối tác “chia lửa” nhưng mới chỉ dừng lại ở con số… hơn 10%.
Một trong những yêu cầu để phát triển cảng phải kèm theo hệ thống kho bãi, tạo hệ thống hạ tầng đồng bộ phục vụ quá trình khai thác cảng cũng như mở rộng các hoạt động logistics tại Hải Phòng…Tình trạng ách tắc hàng hóa tại một số bãi như: Chân thật Phương đông Deopt, G-Fotune,…tại Hải Phòng thời gian qua gây nhiều bức xúc cho doanh nghiệp vận tải.
Trong các quy hoạch, cảng biển là lĩnh vực rất nhanh…lỗi thời. Và với khu vực cảng biển Hải Phòng, việc quy hoạch cảng biển phải có tầm “nhìn rất xa, trông rất rộng” mới có thể hạn chế được quy hoạch chưa xong đã…lỗi thời.