Phát triển công nghiệp phụ trợ điện gió: Góc nhìn từ nhà sản xuất Trung Quốc

NGỌC LINH 07/09/2022 03:00

Ông Zhiwei Liu - Giám đốc Marketing khu vực Đông Nam Á nhận định Việt Nam là thị trường có tiềm năng phát triển điện gió rất lớn.

Công ty TNHH Windey Chiết Giang là một trong những nhà sản xuất tuabin, cánh quạt gió lớn nhất Trung Quốc đã thực hiện nhiều dự án tại Việt Nam, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện với ông Zhiwei Liu - Giám đốc Marketing khu vực Đông Nam Á để tìm hiểu thêm về lĩnh vực này.

>>> Điện gió ngoài khơi, góp phần phát triển kinh tế biển bền vững

- Thưa ông Zhiwei Liu, Windey đến thị trường Việt Nam từ bao giờ và đã tham gia vào những dự án nào?

Windey mới thành lập Công ty TNHH Vận hành và Bảo trì Windey Hà Nội vào giữa năm 2022. Tuy nhiên, trước đó chúng tôi đã hợp tác khá tốt với các công ty, nhà đầu tư Trung Quốc thực hiện dự án tại Việt Nam. Hiện chúng tôi đã tham gia vào 6 dự án điện gió, đó là các dự án của Win Energy tại Ninh Thuận, Bình Thuận, của SPIC tại Gia Lai, Kon Tum và 1 dự án tại Sóc Trăng.

Riêng năm 2021, Windey có tổng công suất được ký kết và lắp đặt tại Việt Nam là 440 MW.

Ông Zhiwei Liu

Ông Zhiwei Liu

Cách đây 2 năm, các dự án điện gió của Việt Nam chủ yếu tập trung tại miền Trung và miền Nam. Tuy nhiên, trong bản dự thảo Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương phân bổ các dự án điện gió trên toàn lãnh thổ, vì vậy thời gian tới Việt Nam sẽ phát triển điện gió cả ở miền Bắc và trên biển.

Địa hình miền Bắc chủ yếu là núi non. Chúng tôi đã từng đến khảo sát tại tỉnh Lạng Sơn và thấy rằng ở đây có tiềm năng rất tốt để phát triển điện gió. Trong khi đó, công ty chúng tôi đã thực hiện nhiều nhà máy điện gió trên núi nên có khá nhiều kinh nghiệm. Ở miền Nam, Windey cũng tiếp tục hợp tác với chủ đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi tỉnh Sóc Trăng.

- So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, ông có nhận định gì về tiềm năng phát triển thị trường năng lượng tái tạo của Việt Nam?

So với các nước lân cận thì chính sách phát triển điện gió ở Việt Nam tốt hơn.

Trong dự thảo Quy hoạch điện VIII tháng 4/2022 Bộ Công Thương phân bổ năm 2030 sẽ có khoảng 60GW năng lượng tái tạo, trong đó hơn 20GW cho điện gió. Vì vậy, đây là một thị trường khá lớn để phát triển ngành điện gió. Mặt bằng giá điện rất phù hợp với chi phí xây dựng giúp các nhà phát triển dự án có lợi nhuận tốt.

Trong tương lai, tiềm năng phát triển điện gió của Việt Nam rất lớn, nhưng vẫn còn tồn tại một số vấn đề. Tôi cho rằng, phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió cần có chính sách dài hạn và liên tục bởi đây là lĩnh vực đỏi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn và thời gian thu hồi vốn cũng kéo dài theo vòng đời của dự án (15-25 năm).

Quy hoạch tổng thể cần phải sớm ban hành để nhà đầu tư căn cứ vào đó nắm bắt được thông tin và xây dựng kế hoạch đầu tư. Nhà đầu tư rất quan tâm Quy chế mua bán điện của Việt Nam. Thời gian vừa qua, việc cắt giảm công suất tuy được đưa vào quy định trong hợp đồng nhưng vẫn khiến nhiều chủ đầu tư đau đầu và dẫn tới sự lãng phí rất lớn. Một số công ty Trung Quốc khác mà tôi biết hiện cũng đang khó khăn trong việc tìm kiếm bảo lãnh vay vốn tài chính ở ngân hàng hay vấn đề giải phóng mặt bằng...

Mặc dù vậy, Windey nhận định thị trường Việt Nam rất lớn và có tiềm năng phát triển nên công ty vẫn sẽ mở rộng hợp tác với những doanh nghiệp lớn của Việt Nam để phát triển mảng tuabin, mua bán điện và tập trung cả vào các hạng mục vừa và nhỏ.

Địa hình miền Bắc chủ yếu là núi non. Chúng tôi đã từng đến khảo sát tại tỉnh Lạng Sơn và thấy rằng ở đây có tiềm năng rất tốt để phát triển điện gió

Windey đã từng khảo sát tại Lạng Sơn và thấy rằng ở đây có tiềm năng rất tốt để phát triển điện gió

- Như ông đề cập ở trên, Việt Nam là thị trường có tiềm năng phát triển điện gió rất lớn. Để giảm bớt chi phí logistics và đảm bảo chuỗi cung ứng, liệu Windey có dự định xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam không?

Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu phát triển ngành sản xuất các bộ phận, thiết bị phụ trợ cho lĩnh vực năng lượng tái tạo từ cách đây nửa thế kỷ. Trung Quốc có lợi thế về nguồn cung nguyên vật liệu cũng như có lực lượng lao động lớn, giá rẻ. Vì vậy, tuabin, cánh quạt được sản xuất tại Trung Quốc sẽ có giá vốn thấp hơn và khi xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam, cũng khiến giá cost của công trình giảm xuống.

Ở Việt Nam, thị trường năng lượng tái tạo nói chung và điện gió nói riêng vẫn chưa “trưởng thành” lắm, nguồn nguyên liệu cần thiết không có sẵn hoặc không đủ đáp ứng để sản xuất cánh quạt hoặc động cơ.

Trường hợp đặt nhà máy sản xuất ở Việt Nam mà phải nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc hoặc nơi khác về sẽ khiến chi phí sản xuất đội lên cao và giá cuối tại công trình cũng sẽ tăng lên, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cạnh tranh. Như thế, giá vốn tăng lên sẽ làm cho hiệu quả đầu tư vào dự án điện gió bị giảm đi rất nhiều.

Do đó, trước mắt việc đầu tư nhà máy sản xuất ở Việt Nam chưa được Windey tính đến.

Nhưng chúng tôi cũng không loại trừ khả năng trong tương lai khi mà thị trường điện gió ở Việt Nam đã trưởng thành hơn. Cùng với đó là nguồn cung nguyên liệu tốt hơn, công nghệ kỹ thuật cũng phát triển hơn thì Việt Nam sẽ là một trong những đất nước mà chúng tôi tính đến việc chuyển giao công nghệ sản xuất tuabin

Ông Zhiwei Liu, Giám đốc Marketing khu vực Đông Nam Á Công ty TNHH Windey Chiết Giang tại Hội nghị thượng đỉnh Điện gió trên bờ và ngoài khơi lần thứ 5

Ông Zhiwei Liu, Giám đốc Marketing khu vực Đông Nam Á Công ty TNHH Windey Chiết Giang tại Hội nghị thượng đỉnh Điện gió trên bờ và ngoài khơi lần thứ 5

- Điện gió là một nguồn năng lượng xanh nhưng khi hết vòng đời của một trang trại điện gió thì vấn đề xử lý các thiết bị được đặt ra như thế nào, thưa ông?

Cánh quạt gió do Windey sản xuất sử dụng vật liệu sợi carbon (carbon fiber) và mùn gỗ kết hợp epoxy. Carbon fiber là tiêu chuẩn công nghiệp để gia cố năng lượng gió bằng sợi carbon. Với sự cân bằng giữa sức mạnh, độ cứng và giá thành, sợi carbon cho phép tạo hình lưỡi cắt mảnh mai hơn, dẫn đến hiệu quả khí động học cao hơn, cánh tuabin gió nhẹ hơn, dài hơn, cứng hơn và mạnh hơn, tuabin gió tổng thể hiệu quả hơn cung cấp chi phí năng lượng được cân bằng thấp hơn (LCOE), sản lượng năng lượng hàng năm cao hơn và hơn hết là nguồn cung cấp sợi carbon đáng tin cậy với mức giá bền vững.

Các thành phần kim loại của một trang trại điện gió có thể tái chế dễ dàng. Tuy nhiên, đối với các cánh quạt hiện chưa có quy trình hóa học nào để tách riêng các vật liệu sợi carbon ra khỏi nhau một cách kinh tế.

Việc tái chế các cánh quạt đắt hơn rất nhiều lần so với biện pháp đốt chúng. Vì vậy, cánh quạt hỏng sẽ được mang đi xử lý tái chế nhiệt cho ngành công nghiệp sản xuất xi măng, ở đó vật liệu sợi carbon này được sử dụng thay cho dầu nặng.

Windey cũng đang nghiên cứu vấn đề này, hy vọng trong tương lai khi công nghệ phát triển sẽ khiến quy trình xử lý, tái chế cánh quạt trở nên rẻ hơn.

>>> Phát triển điện gió ngoài khơi: Cần sớm hoàn thiện quy hoạch không gian biển

Trong tương lai, không loại trừ khả năng Việt Nam sẽ là một trong những đất nước mà Windey tính đến việc chuyển giao công nghệ sản xuất tuabin

Trong tương lai, không loại trừ khả năng Việt Nam sẽ là một trong những đất nước mà Windey tính đến việc chuyển giao công nghệ sản xuất tuabin

- Công nghệ sản xuất tuabine của Windey được phát triển như thế nào, thưa ông?

Nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc thông qua Chương trình hỗ trợ khoa học và công nghệ quốc gia, sau nhiều thập kỷ liên tục phát triển và cải tiến, tuabin gió cung cấp năng lượng kép được Windey áp dụng đã trở thành tuyến kỹ thuật chính của tuabin gió trên thế giới nhờ hiệu suất hoàn thiện, hoạt động ổn định.

Khoa học công nghệ luôn phát triển và tại Windey, chúng tôi cũng nghiên cứu áp dụng công mới nhất, phổ biến nhất trên thế giới trong sản xuất tuabin, đáp ứng tính ổn định và tạo năng lượng tốt nhất cho các công trình điện gió. Hiện nay chúng tôi đang áp dụng công nghệ tương tự như các công ty Goldwind, Siemens Gamesa… đang dùng để sản xuất tuabin của họ.

Từng công đoạn trong hệ thống từ xây dựng chiến lược, thiết kế hệ thống điều khiển, thiết kế hệ thống điện, xây dựng mô hình động lực học quạt, mô phỏng phụ tải, kiểm định bộ phận cơ khí, phân tích thiết kế phần tử hữu hạn… đều sử dụng dữ liệu lớn Big Data, trí tuệ nhân tạo AI và được chúng tôi liên tục cập nhật để hoàn thiện công nghệ, giúp giảm chi phí lắp đặt, vận hành cũng như nhân lực và chi phí bảo trì, bảo dưỡng.

Có thể nói, công ty Windey có tất cả công nghệ cốt lõi và mã nguồn của các nền tảng điện gió, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với các công nghệ đang thịnh hành trên thế giới.

Xin cảm ơn ông!

Công ty TNHH Windey Chiết Giang có khởi nguồn ban đầu là Trung tâm nghiên cứu năng lượng gió của Viện Cơ khí và Điện Chiết Giang, được thành lập năm 1972. Đây là đơn vị đầu tiên ở Trung Quốc nghiên cứu, thiết kế, sản xuất và cung cấp tuabin gió cỡ lớn.

Có thể bạn quan tâm

  • Phát triển điện gió ngoài khơi: Cần sớm hoàn thiện quy hoạch không gian biển

    11:00, 23/08/2022

  • Điện gió ngoài khơi, góp phần phát triển kinh tế biển bền vững

    11:30, 18/08/2022

  • Hải Phòng: Đẩy nhanh các thủ tục thực hiện Dự án điện gió ngoài khơi

    00:50, 08/08/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phát triển công nghiệp phụ trợ điện gió: Góc nhìn từ nhà sản xuất Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO