Phát triển kinh tế bạc (KỲ II): Một số đề xuất chính sách tham khảo cho Việt Nam

TS.LS ĐOÀN VĂN BÌNH (*) 08/06/2024 10:18

Đứng trước thách thức và cơ hội từ xu hướng già hóa dân số, Việt Nam cần kịp thời học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia để phát triển chính sách, pháp luật, xây dựng môi trường hỗ trợ nền kinh tế bạc.

>>> Phát triển kinh tế bạc (KỲ I): Xu hướng tất yếu của tương lai

Việt Nam đang chuyển đổi nhanh chóng từ thời kỳ dân số vàng sang xã hội già hơn khi tỷ lệ sinh sụt giảm đáng kể trong thời gian dài. Do sự thay đổi nhanh chóng về cơ cấu nhân khẩu học, cơ cấu dân số vàng của Việt Nam dự kiến sẽ kết thúc vào khoảng trước năm 2040 hoặc thậm chí sớm hơn.

TS. LS. Đoàn Văn Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB)

TS. LS. Đoàn Văn Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB)

Theo Ủy ban Kinh tế và xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc, Việt Nam sẽ chỉ mất 18 năm để chuyển từ già hóa sang xã hội già vào năm 2036. Khoảng thời gian này ngắn hơn đáng kể so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia hay Nhật Bản. Giai đoạn già hóa dân số ở Việt Nam bắt đầu từ năm 2011 với số người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) chiếm 7% tổng dân số.

Năm 2021, số người cao tuổi Việt Nam chiếm 8,3% tổng dân số, tức 8,16 triệu người cao tuổi. Theo dự báo, số người cao tuổi của Việt Nam sẽ tăng lên 16,8 triệu người vào năm 2039 và đạt 25,2 triệu người vào năm 2069. Về tỉ lệ, dự báo đến năm 2030 số người cao tuổi chiếm 17% và tăng lên 25% vào năm 2050. Một yếu tố cần quan tâm là sức khỏe của nhóm người cao tuổi ở Việt Nam.

Theo thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước, số năm phụ nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm. Người cao tuổi đối diện với gánh nặng "bệnh tật kép" và thường mắc các bệnh mạn tính như mạch vành, tăng huyết áp, tiểu đường, thoái hóa khớp, ung thư.... 

Về khả năng chi tiêu, người cao tuổi ở Việt Nam thường có nguồn thu từ lương hưu, tiết kiệm và đầu tư; khả năng chi tiêu của họ phụ thuộc vào mức độ ổn định tài chính và kế hoạch tài chính cá nhân. Về thói quen tiêu dùng, những năm gần đây đã có sự chuyển dịch trong hành vi tiêu dùng của người cao tuổi, với xu hướng tăng chi tiêu cho sức khỏe, du lịch, giáo dục và giải trí.

Có thể nói, sự già hóa dân số, những đặc điểm riêng của nhóm đối tượng người cao tuổi ở Việt Nam đặt ra nhiều thách thức về kinh tế, xã hội nhưng cũng là cơ hội vàng để Việt Nam phát triển nền kinh tế bạc. 

Trên cơ sở điều kiện thực tế của Việt Nam và kinh nghiệm của một số nước, ở giai đoạn hiện nay, Việt Nam nên bắt tay ngay vào nghiên cứu, đưa ra tầm nhìn, xây dựng chính sách, pháp luật, chiến lược, kế hoạch hành động cụ thể để kích hoạt và phát triển nền kinh tế bạc. Xin được đề xuất 10 gợi mở như sau:

Một là, nghiên cứu kinh nghiệm thế giới, đưa ra tầm nhìn, nhận thức về nền kinh tế bạc. Để phát triển toàn diện nền kinh tế bạc tại Việt Nam, trước hết cần có tầm nhìn, nhận thức chính xác, đầy đủ về nhu cầu, động lực, định hướng của nền kinh tế bạc. Sự trỗi dậy của nền kinh tế bạc phản ánh sự đánh giá lại của xã hội đối với người cao tuổi, xã hội không còn coi họ chỉ là gánh nặng kinh tế mà thay vào đó ghi nhận sự đóng góp của họ cho xã hội và tiềm năng của họ với tư cách là người tiêu dùng. Sự thay đổi về khái niệm này có lợi cho việc xây dựng một xã hội hài hòa, công bằng, bền vững hơn và sẽ là nền tảng để phát triển nền kinh tế bạc.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, cần tăng cường hoạt động truyền thông về nền kinh tế bạc đến cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước; chú trọng quảng bá các doanh nghiệp, hoạt động, sản phẩm nền kinh tế bạc điển hình. Các chiến dịch truyền thông tập trung vào nâng cao nhận thức về vai trò của người cao tuổi trong xã hội, nhấn mạnh giá trị mà họ mang lại và khuyến khích sự tôn trọng, hỗ trợ, tăng cường sự thấu hiểu người cao tuổi, xây dựng khung kiến thức cơ bản về quan tâm, chăm sóc người cao tuổi để đào tạo, tham khảo; xóa bỏ định kiến, tạo điều kiện cho người cao tuổi tham gia hoạt động xã hội, văn hóa và lao động để thay đổi quan niệm về tuổi già, giúp họ sống khỏe mạnh và chủ động hơn.

Hai là, hoàn thiện chính sách về nền kinh tế bạc. Người cao tuổi luôn là đối tượng nhận được sự quan tâm của Đảng, nhà nước và cộng đồng. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành TW Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới nhấn mạnh: “Hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi; khuyến khích người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế - xã hội; xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của người sử dụng lao động và người lao động cao tuổi. Tích cực, chủ động xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi; phát triển mạnh hệ thống chuyên ngành Lão khoa trong các cơ sở y tế. Khuyến khích phát triển cơ sở chăm sóc người cao tuổi; cung cấp các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, văn hóa, giải trí của người cao tuổi”

Trong thời gian sắp tới, cần tiếp tục xây dựng các chính sách tổng hợp hướng tới việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, phát huy vai trò của họ trong xã hội và khai thác các tiềm năng kinh tế từ nhóm này. Các chính sách về nền kinh tế bạc nên được xây dựng với nội dung trọng tâm là nhấn mạnh vai trò của nền kinh tế bạc, định hướng các lĩnh vực ưu tiên phát triển, các chính sách hỗ trợ đối với nền kinh tế bạc tại Việt Nam. Những chính sách này không chỉ giúp cải thiện cuộc sống của người cao tuổi mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận một thị trường tiềm năng để nền kinh tế bạc trở thành động lực mới cho sự phát triển của Việt Nam.

Ba là, hoàn thiện pháp luật về nền kinh tế bạc. Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều quy định pháp luật liên quan tới người cao tuổi, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi trong đời sống xã hội. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Người cao tuổi được nhà nước, gia đình và xã hội chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (khoản 3 Điều 37). Việc quy định bảo vệ, chăm sóc người cao tuổi trong Hiến pháp cho thấy, Đảng và Nhà nước đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc, nghiêm túc đối với người cao tuổi, bảo vệ quyền được chăm sóc, được yêu thương của người cao tuổi; thể hiện sự quan tâm, đánh giá đúng mực của Nhà nước đối với người cao tuổi. Luật Người cao tuổi số 39/2009/QH12 quy định về quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi; trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; Hội người cao tuổi Việt Nam. Trong một số lĩnh vực cũng có các quy định đặc thù liên quan tới người cao tuổi…

Nhà nước đã quan tâm chăm sóc người cao tuổi theo lộ trình và có những kế hoạch cụ thể; mỗi bộ, ngành liên quan đều có những quy định, chính sách, chương trình hành động để nhằm hỗ trợ cho người cao tuổi. Mặc dù vậy, các quy định về người cao tuổi vẫn còn những hạn chế nhất định và mới chỉ tập trung chủ yếu về an sinh, chăm sóc đối với người cao tuổi mà còn thiếu vắng các quy định từ góc độ phát triển kinh tế theo hướng vừa nhằm chăm sóc người cao tuổi vừa phát huy thế mạnh, phát huy những đóng góp trực tiếp và gián tiếp của người cao tuổi đối với sự phát triển kinh tế đất nước. Trong bối cảnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật theo hướng này làm cơ sở, hành lang pháp lý cho sự phát triển của nền kinh tế bạc.

Ví dụ: Hoàn thiện pháp luật khuyến khích tư nhân, cộng đồng tham gia đầu tư xây dựng, vận hành các trung tâmđiều dưỡng, dưỡng lão; các trung tâm này phải có khả năng cung cấp dịch vụ toàn diện, từ hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày đến chăm sóc y tế chuyên sâu; Xây dựng chính sách, pháp luật về visa hưu trí, tương tự như kinh nghiệm của Thái Lan, với các điều kiện như độ tuổi tối thiểu, chứng minh tình trạng nghỉ hưu chính thức tại quốc gia của mình; có thu nhập hoặc khoản tiết kiệm ổn định để đảm bảo tự trang trải cuộc sống mà không cần làm việc tại quốc gia định cư; có bảo hiểm y tế hợp lệ trong suốt thời gian cư trú; nghiên cứu xây dựng mới hoặc hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm chăm sóc dưỡng lão ngoài bảo hiểm y tế theo mô hình Nhật Bản để đảm bảo mọi người cao tuổi đều có khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng. Xem xét sớm sửa đổi Luật Người cao tuổi để phù hợp với thực tiễn.

Bốn là, xác định vai trò của nền kinh tế bạc trong tổng thể nền kinh tế quốc dân, xây dựng chiến lược trong đó có Chiến lược quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2030 – 2050, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để kích hoạt và phát triển nền kinh tế bạc.

Năm là, lượng hóa quy mô, tính lan tỏa của nền kinh tế bạc dành cho nhóm người từ 50 tuổi trở lên theo tiêu chuẩn tính toán quốc tế.

Sáu là, quy hoạch và xây dựng: Hoàn thiện và xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế, định mức dự toán cho các sản phẩm và dịch vụ phục vụ người cao tuổi, chú ý các tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế công trình và phương tiện công cộng như vỉa hè, lối đi, phương tiện giao thông, nhà ở, bãi biển, công viên…phù hợp, thân thiện với người cao tuổi, người tàn tật; Quy hoạch xây dựng các trung tâm điều dưỡng, dưỡng lão khắp cả nước như quy hoạch trường học, cơ sở y tế để đảm bảo khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc của người cao tuổi; phát triển hệthống dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.

Khu Viện dưỡng lão Kampung Admiralty, Singapore

Một khu Viện dưỡng lão trên thế giới 

Thiết kế theo chuẩn quốc tế với cơ sở vật chất hiện đại, bao gồm phòng vật lý trị liệu, khu vực giải trí, phòng khám bệnh, và không gian xanh cho hoạt động ngoài trời; đa dạng mô hình: Thiết kế mô hình phù hợp với nhu cầu của từng nhóm người cao tuổi, từ những người có khả năng sống độc lập đến những người cần chăm sóc đặc biệt; Chăm sóc tại nhà và từ xa: Khuyến khích phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà và từ xa, như telemedicine, giúp người cao tuổi tiếp cận dịch vụ tư vấn y tế mà không phải đi lại.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu chăm sóc người cao tuổi. Tăng cường đào tạo chuyên môn cho người chăm sóc, chuẩn hóa chứng chỉ đào tạo, thiết lập tiêu chuẩn đào tạo chuyên môn và chứng chỉ hành nghề cho những người chăm sóc người cao tuổi. Điều này đảm bảo nhân viên chăm sóc có đủ kỹ năng, kiến thức để hỗ trợ sức khỏe thể chất và tinh thần người cao tuổi.

Khuyến khích nhân viên chăm sóc tham gia các chương trình đào tạo liên tục để cập nhật kiến thức mới, nhất là trong các lĩnh vực y tế và công nghệ, nhằm áp dụng những phương pháp và thiết bị hỗ trợ mới nhất. Thúc đẩy việc phái cử lao động qua đào tạo (điều dưỡng, y tá) sang các nước có nền kinh tế bạc phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Canada để làm việc trong môi trường thực tiễn và tiêu chuẩn cao. Ưu tiên sử dụng nguồn nhân lực này để vận hành các trung tâm điều dưỡng, dưỡng lão tại Việt Nam. Đào tạo thêm các bác sỹ có chuyên môn tâm lý, các chuyên gia tâm lý.

Bảylà, khuyến khích đầu tư vào công nghệ và đổi mới sáng tạo: Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông minh: Khuyến khích doanh nghiệp phát triển các giải pháp công nghệ thông minh như thiết bị theo dõi sức khỏe, hệ thống an ninh, nhà thông minh để giúp người cao tuổi duy trì cuộc sống độc lập, phát triển phương tiện giao thông như xe điện với thiết kế thông minh phù hợp với người cao tuổi, người khuyết tật như một số quốc gia đã triển khai.

Hỗ trợ các công ty khởi nghiệp: Cung cấp vốn và hỗ trợ kỹ thuật cho các công ty khởi nghiệp tập trung vào việc phát triển công nghệ dành riêng cho người cao tuổi, như các nền tảng chăm sóc sức khỏe trực tuyến hoặc các hệ thống học trực tuyến; nhận chuyển nhượng các phát minh, sáng chế trong lĩnh vực phục vụ người cao tuổi; Nghiên cứu thành lập các khu công nghiệp chuyên sâu sản xuất các sản phẩm phục vụ nền kinh tế bạc như mô hình Trung Quốc.

Tám là, đầu tư vào giáo dục, đào tạo cho người cao tuổi: Đào tạo kỹ năng kỹ thuật số: Tổ chức các khóa học giúp người cao tuổi làm quen với công nghệ số như điện thoại thông minh, máy tính bảng, hay sử dụng các nền tảng trực tuyến. Điều này không chỉ giúp người cao tuổi duy trì kết nối với xã hội mà còn giúp họ tiếp cận các dịch vụ y tế, mua sắm trực tuyến, và giáo dục.

Đào tạo, tập huấn về chương trình sức khỏe và dinh dưỡng: Tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo về chăm sóc sức khỏe, chế độ dinh dưỡng phù hợp. Điều này giúp người cao tuổi hiểu rõ về những thay đổi sinh học và cách thức duy trì sức khỏe trong giai đoạn này của cuộc đời.

Khóa học nâng cao kỹ năng xã hội: Khuyến khích tham gia các khóa học phát triển kỹ năng xã hội như giao tiếp, lãnh đạo, hoặc ngoại ngữ. Điều này sẽ giúp người cao tuổi duy trì kết nối với xã hội, đồng thời mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm bán thời gian hoặc tư vấn; Xây dựng chính sách để tạo điều kiện cho người cao tuổi học tập suốt đời như mô hình của Thái Lan, Nhật Bản và một số quốc gia khác. 

Chín là, tăng cường cơ hội việc làm phù hợp cho người cao tuổi. Theo đó, cần tạo cơ hội lao động linh hoạt, khuyến khích khởi nghiệp cho người cao tuổi, cụ thể là: Làm việc bán thời gian và làm việc từ xa, tận dụng kinh nghiệm và kỹ năng của người cao tuổi bằng cách cung cấp việc làm bán thời gian hoặc làm việc từ xa, giúp họ tiếp tục tham gia vào thị trường lao động mà không bị áp lực về thời gian.

Hỗ trợ tư vấn và huấn luyện: Người cao tuổi có thể đóng vai trò tư vấn cho thế hệ trẻ hoặc tham gia huấn luyện đào tạo kỹ năng. Điều này không chỉ giúp sử dụng hiệu quả kiến thức của họ mà còn giảm thiểu khoảng cách giữa các thế hệ trong môi trường làm việc; Hỗ trợ khởi nghiệp: Khuyến khích người cao tuổi bắt đầu các doanh nghiệp nhỏ hoặc hoạt động tự do, hỗ trợ vốn và tư vấn về kế hoạch kinh doanh.

Mười là, triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển nền kinh tế bạc bao gồm cả các giải pháp hỗ trợ về tài chính và phi tài chính. Giải pháp tài chính: Nghiên cứu ban hành chính sách, pháp luật về bảo hiểm, phúc lợi xã hội chăm sóc dưỡng lão; hoàn thiện chính sách bảo hiểm y tế với người cao tuổi; có chính sách ưu đãi thuế, phí với các ngành sản xuất các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động là người cao tuổi…

Giải pháp phi tài chính: Quy hoạch; tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức dự toán; cắt giảm thủ tục hành chính cho các dự án phục vụ người cao tuổi; đào tạo nguồn nhân lực (bác sỹ, y tá, điều dưỡng, tâm lý); xây dựng hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật thân thiện với người cao tuổi, hỗ trợ hạ tầng với các khu công nghiệp chuyên biệt sản xuất các sản phẩm phục vụ người cao tuổi, hạ tầng tương thích và kết nối với các cơ sở phục vụ người cao tuổi (trung tâm dưỡng lão, câu lạc bộ…), hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có liên quan; tuyên truyền nhận thức của cộng đồng về người cao tuổi, nền kinh tế bạc; thiết lập các mạng lưới tình nguyện viên giúp đỡ người cao tuổi…

(*) Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB)

Có thể bạn quan tâm

  • Thị trường bất động sản phục hồi tích cực

    Thị trường bất động sản phục hồi tích cực

    04:00, 08/06/2024

  • Nguyên nhân nào khiến nguồn cung bất động sản tiếp tục hạn chế?

    Nguyên nhân nào khiến nguồn cung bất động sản tiếp tục hạn chế?

    03:30, 08/06/2024

  • M&A bất động sản sôi động nửa cuối năm

    M&A bất động sản sôi động nửa cuối năm

    05:00, 07/06/2024

  • Trung Quốc “giải cứu” bất động sản (Kỳ I): Bước đi mới

    Trung Quốc “giải cứu” bất động sản (Kỳ I): Bước đi mới

    12:00, 06/06/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phát triển kinh tế bạc (KỲ II): Một số đề xuất chính sách tham khảo cho Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO