Kinh tế

Phát triển kinh tế qua chuỗi cung ứng liên kết

Bùi Hiền - Hải Ngân 28/03/2025 03:52

Đẩy mạnh chuỗi cung ứng liên kết được kỳ vọng tạo sức bật cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm giữa các địa phương trên cả nước.

dn QN
Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ xúc tiến thương mại CAEXPO 2024.

Kết nối sản xuất, cung cầu hàng hóa giữa các địa phương được xem là giải pháp đột phá, giúp tháo gỡ khó khăn, tìm đầu ra cho các sản phẩm, giữ bình ổn giá cả. Đồng thời, tạo sự kết nối chặt chẽ, hợp tác toàn diện giữa các địa phương trên cả nước.

Chủ động liên kết

Là một doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng liên quan đến hải sản như: chả mực, chả cua, ruốc bề bề, ruốc tôm..., thời gian qua, các sản phẩm của Công ty Hải sản Mạnh Hà đã có mặt tại thị trường trên toàn quốc. Tuy nhiên, việc tiêu thụ các mặt hàng này vẫn chủ yếu là qua nền tảng mạng xã hội, website… Để mở rộng thị trường tiêu thụ, doanh nghiệp này đã tham gia vào chuỗi cung ứng liên kết giữa các doanh nghiệp khác trên cả nước, cùng kết nối kinh doanh, phân phối sản phẩm.

Bà Nguyễn Thư Thảo - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Hải sản Mạnh Hà, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Để mở rộng thị trường tiêu thụ, trong thời gian qua, doanh nghiệp cũng thường xuyên chủ động tìm kiếm kết nối với các doanh nghiệp, các địa điểm để có thể bán hàng tại các địa phương lân cận như: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội… Việc mở rộng sản xuất sẽ góp phần đẩy mạnh hiệu quả tiêu thụ, nâng cao sản lượng sản xuất cho chúng tôi”.

Hiện nay, quá trình kết nối, tận dụng hết các thế mạnh giữa các địa phương đang trở thành xu hướng trong bối cảnh mới, góp phần mở ra nhiều cơ hội trong phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, việc kết nối liên kết để cùng phát triển cũng tạo điều kiện cho các địa phương đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng hoá, giúp doanh nghiệp chủ động được lượng hàng sản xuất và mở rộng thị trường, đặc biệt sẽ khắc phục được tình trạng “được mùa mất giá”.

Ông Phạm Ngọc Thủy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Thời gian qua, Quảng Ninh thường xuyên tổ chức các chương trình kết nối cho các doanh nghiệp trên địa bàn phía Bắc, hay các hội nghị kết nối xúc tiến với các doanh nghiệp Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc), góp phần quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường”.

Dù các địa phương đã có sự kết nối để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, song, một bài toán đặt ra, việc kết nối, liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn cả nước chưa thực sự mạnh mẽ, đồng bộ. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn loay hoay trong quá trình tìm kiếm các thị trường tiêu thụ mới, đồng hành hợp tác từ nguồn hàng, công nghệ… để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cần tận dụng thế mạnh của mỗi địa phương

Để doanh nghiệp phát triển, tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, các địa phương cần tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh mang lại nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng động lực về kinh tế - xã hội của từng tỉnh, thành phố ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại.

Ngoài ra, các địa phương cũng phải nhìn nhận, đánh giá đúng được các thế mạnh của nhau, thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động sát với thực tiễn để nâng cao hiệu quả của việc kết nối, liên kết sản xuất của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần có thêm các cơ chế, chính sách rõ ràng, tạo ra mạng lưới lợi ích hiệu quả nếu thực sự hình thành được chuỗi cung ứng khép kín giữa các địa phương.

Ông Phạm Ngọc Thủy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho rằng: “Chúng ta cần sớm đặt những tiêu chí chung để sớm giải quyết được vấn đề liên kết phát triển, kết nối được với nhau trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, nâng cao nhận thức, định hướng rõ ràng cho các địa phương gắn với hoạt động của các doanh nghiệp”.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên bày tỏ, mỗi tỉnh, thành phố cũng cần phải liệt kê ra thế mạnh của mình để kết nối một cách hiệu quả. Ví dụ, Hưng Yên có thế mạnh về may mặc xuất khẩu, bao bì. Trong khi đó, Quảng Ninh hay Hải Phòng có thế mạnh về du lịch, đặc biệt là công nghiệp. Riêng Hải Phòng có thế mạnh cả về xuất khẩu. Như vậy, các địa phương có thể kết nối, tìm kiếm những cơ hội hợp tác. Tuy nhiên, cũng cần phải lựa chọn các doanh nghiệp, đối tác phù hợp, cam kết phát triển bền vững, phát triển xanh, phát triển vì mục tiêu chung.

Thực tế, để kết nối một cách hiệu quả, bên cạnh những hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cũng phải tự chủ động trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu và đón đầu xu hướng tiêu dùng trực tuyến, áp dùng các công nghệ cao vào sản xuất. Từ đó, giúp tối ưu hóa sử dụng tài nguyên sản xuất, đem lại hiệu suất kinh tế cao, giảm thiểu lãng phí. Cuối cùng, góp phần thúc đẩy sự đổi mới trong cách doanh nghiệp tiếp cận, hợp tác phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, tăng sức cạnh tranh của các địa phương trên trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phát triển kinh tế qua chuỗi cung ứng liên kết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO