Việt Nam cần cụ thể hóa nhiều chính sách để tạo tiền đề thúc đấy phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là thu hút được đầu tư của doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp FDI.
Đó là chia sẻ của PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam với Diễn đàn Doanh nghiệp bên lề hành lang Diễn đàn “Phát triển năng lượng sạch: Xu thế và thách thức”.
- Mặc dù đã có nhiều chính sách khuyến khích tư nhân cùng tham gia vào phát triển năng lượng tái tạo, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn cho rằng còn gặp nhiều khó khăn khi muốn đầu tư vào lĩnh vực này. Vậy, theo ông chúng ta cần phải có chính sách gì để hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân?
Theo tôi đây là vấn đề lớn, vì chúng ta vừa phải đứng trước những yêu cầu vừa đảm bảo năng lượng, vừa đảm bảo an ninh năng lượng… Trong đó nổi lên vấn đề truyền tải điện. Thực tế đang xảy ra tình trạng, điện sạch sản xuất ra nhưng do đường truyền tải điện còn nhiều hạn chế, vì một bên phải dựa vào nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển, còn bên kia đầu tư để sản xuất điện là từ khu vực tư nhân.
Hai khối này hiện nay chưa có sự đồng bộ về mặt tốc độ phát triển. Đây là điểm nghẽn chính và đòi hỏi cần có tư duy đột phá cơ chế chính sách để tạo điều kiện hơn nữa để tư nhân cùng tham gia phát triển truyền tải điện.
Chủ trương chung đã có nhưng cần gấp rút có bản thiết kế cụ thể, như thể chế chính sách, khuyến khích nhằm huy động khu vực tư nhân đầu tư vào đây. Bên cạnh đó cũng phải tính đến an ninh năng lượng, vì đường truyền tải điện thuộc về an ninh quốc gia nên phải tính toán cụ thể.
- Theo ông cơ chế đó sẽ phải như thế nào?
Cơ chế đột phá quan trọng nhất là mở cửa cho tư nhân tham gia. Vì nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước hay một vài đơn vị để phát triển đường truyền tải điện thì sẽ bị hạn chế về nguồn vốn, quy định đấu thầu, giải tỏa, đền bù…Chính những quy trình này sẽ làm giảm tiến độ đầu tư. Do đó, vấn đề này cần phải được nghiên cứu sớm để nhanh chóng tự do hóa phát triển đường truyền tải điện, dù chỉ một phần.
Theo tôi, nếu cơ chế chính sách thuận lợi thì nhà đầu tư tư nhân sẽ sẵn sàng đầu tư. Khi đó sẽ có sự đồng bộ giữa đầu tư từ ngân sách nhà nước, sự tham gia của khu vực tư nhân cùng sự chia sẻ từ các bên khác thì khi đó mới có được sự phát triển bền vững đối với năng lượng tái tạo và thị trường năng lượng tái tạo.
- Điều này có nghĩa, Nhà nước cần tạo ra cơ chế chính sách để tự do hóa, tạo thị trường năng lượng tái tạo cạnh tranh thu hút đầu tư từ khu vực bên ngoài, đặc biệt doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thưa ông?
Tất nhiên không phân biệt doanh nghiệp FDI và trong nước, nếu có cơ chế thông thoáng thì sẽ có sự quan tâm lớn các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước tham gia vào phát triển truyền tải điện. Nếu làm được sẽ huy động tất cả nguồn lực bên ngoài nhà nước tham gia để cùng phát triển. Điều này đòi hỏi có sự chung tay của nhiều chủ thể, nhà quản lý, chính quyền địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp, hộ gia đình.
Trong bối cảnh nguồn thủy điện lớn đã khai thác hết, các nguồn điện lớn khác cũng cần nhiều thời gian để hoàn thành. Vì vậy trước yêu cầu phụ tải tiếp tục tăng nhanh, thì nguồn điện năng lượng tái tạo càng có ý nghĩa quan trọng về mặt đảm bảo cung cấp điện...
Những năm gần đây, cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì xu hướng tiếp theo là tăng trưởng xanh. Theo đó, nguồn năng lượng tái tạo chiếm đa số và thay thế cho điện sử dụng năng lượng hóa thạch.
Chính vì vậy, chiến lược tăng trưởng chuyển đổi từ chiều rộng sang chiều sâu, Việt Nam cần cụ thể hóa nhiều chính sách, tạo tiền đề thúc đấy lĩnh vực này phát triển, đặc biệt là thu hút được đầu tư của doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp FDI.
-Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm