Quy hoạch điện VIII đã được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu quy hoạch đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo với giá thành hợp lý,...
>>Nhà đầu tư ngoại sẽ thâu tóm các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam?
Đây là chia sẻ của ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Vậy thưa ông, chúng ta sẽ xây dựng và thực hiện lộ trình như thế nào để đạt được mục tiêu đề ra?
Quy hoạch điện VIII hiện đã được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ với cơ cấu nguồn điện đã được tính toán, xem xét kỹ lưỡng nhằm đáp ứng được các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Theo đó, năm 2030 năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, ...) sẽ đạt 21.871-39.486 MW chiếm khoảng 18-27% tổng công suất đặt toàn hệ thống và tới năm 2050 đạt 201.836-295.638 MW chiếm tỷ lệ 54,9-58,9% tổng công suất đặt toàn hệ thống.
Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã tính toán, bổ sung 7.000MW điện gió ngoài khơi đến năm 2030. Do tính chất đặc thù về kỹ thuật và công nghệ, quy mô đầu tư lớn, quy trình và thủ tục đầu tư phức tạp, việc hiện thực hóa lượng công suất dự kiến quy hoạch 7.000 MW đến năm 2030 thực sự là thách thức rất lớn.
Để tháo gỡ vấn đề này, Việt Nam cần phải sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII làm cơ sở để triển khai các dự án; sớm hoàn thiện các quy định cần thiết liên quan tới cơ chế lựa chọn chủ đầu tư; quy trình chuẩn cho quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển, nhất là khi có yếu tố nước ngoài; quy định cụ thể về hồ sơ và quy trình cấp phép khảo sát biển; ngoài ra rất cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp để có thể huy động được nguồn vốn khổng lồ để thực hiện thành công các dự án điện gió ngoài khơi.
>>Nhà đầu tư ngoại sẽ thâu tóm các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam?
- Dự thảo Quy hoạch điện VIII có khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà theo phương thức tự sản xuất tự tiêu dùng tại chỗ. Vậy theo ông, dự kiến khi nào quy định này được ban hành?
Cơ chế giá bán điện cố định ưu đãi là cơ chế khuyến khích của Nhà nước chỉ được áp dụng trong thời gian nhất định để khuyến khích thu hút đầu tư vào những lĩnh vực cần đầu tư. Đến nay, theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong tổng số khoảng 79.350MW công suất lắp đặt nguồn điện toàn quốc, có 20.165MW điện mặt trời và điện gió đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam công nhận vận hành thương mại.
Đặc biệt, nguồn điện mặt trời mái nhà đã mang lại lợi ích tích cực cho xã hội như: Thu hút nguồn vốn xã hội đầu tư để tự sử dụng và bán lại cho Điện lực; tận dụng được mái nhà các công trình để sản xuất điện; giảm tổn thất điện năng, giảm chi phí truyền tải phân phối điện từ các trung tâm sản xuất điện lớn đến từng nhà dân…
Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, địa phương rà soát, chấn chỉnh việc thực hiện đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà để đảm bảo phát triển điện mặt trời mái nhà phát triển bền vững, tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Về chủ trương chung, tại dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia bản trình ngày 11/11/2022, năng lượng tái tạo vẫn tiếp tục được chú trọng với mục tiêu quy hoạch phát triển như sau:
“Đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời,...) với giá thành hợp lý gắn với bảo đảm an toàn vận hành và tính kinh tế chung của hệ thống điện. Ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia (ví dụ để sản xuất hydro, amoniac xanh, hoá chất,…). Khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời tại các cơ sở sản xuất - kinh doanh theo phương thức tự sản xuất, tự tiêu dùng, không phát lên lưới điện quốc gia”.
- Để thúc đẩy nguồn công suất điện từ năng lượng tái tạo được phát triển đúng như mục tiêu đề ra, thì cơ chế phát nguồn năng lượng tái tạo trong bối cảnh mới sẽ được xây dựng và phát triển như thế nào, thưa ông?
Quy định hiện hành trong việc xác định giá bán điện các dự án điện gió, điện mặt trời đã đầy đủ, áp dụng tương tự như các dự án điện khác như thủy điện, nhiệt điện. Các ưu đãi đầu tư đã được quy định tại Luật Đầu tư. Vì vậy, phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời trong tương lai cũng sẽ phải thực hiện theo cơ chế: Các chủ đầu tư dự án đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong khuôn khổ khung giá và hướng dẫn do Bộ Công Thương ban hành để đảm bảo tuân thủ Luật Điện lực, Luật Giá và các văn bản liên quan.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Khơi thông thị trường năng lượng tái tạo
03:00, 01/02/2023
Bất cập trong môi trường đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam
00:53, 09/01/2023
Đề xuất Chính phủ hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo
00:37, 08/01/2023
Tháo gỡ khó khăn trong lộ trình phát triển năng lượng tái tạo
11:26, 07/01/2023
Mục tiêu giảm phát thải thông qua chiến lược phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam
11:15, 07/01/2023
Thực trạng thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam hiện nay
11:04, 07/01/2023
Thị trường năng lượng tái tạo chờ chính sách mới
06:54, 07/01/2023