Nghiên cứu - Trao đổi

Phát triển nhà ở xã hội: Cần cơ chế phòng ngừa, tránh trục lợi chính sách

Gia Nguyễn 28/05/2025 04:30

Góp ý Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, cần cơ chế phòng ngừa, tránh trục lợi chính sách.

Theo đó, để khắc phục, giải quyết những tồn tại, hạn chế trong phát triển nhà ở xã hội thời gian qua, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

phat-trien-nha-o-xa-hoi-27.5.1.jpeg
Chính phủ đã trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội - Ảnh minh họa

Đánh giá cao những quy định mang tính đột phá, thông thoáng của Dự thảo Nghị quyết, tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện Dự thảo này, không ít ý kiến đề nghị Chính phủ cần xây dựng cơ chế phòng ngừa sơ hở, tiêu cực, tham nhũng, tránh việc trục lợi chính sách gây thất thoát, lãng phí nguồn lực, bảo đảm chất lượng xây dựng nhà ở xã hội.

Đồng thời cho rằng, các chính sách được đề nghị trong Dự thảo Nghị quyết đều là những chính sách mới, lớn, có tác động sâu rộng đến nguồn lực Nhà nước, quyền, nghĩa vụ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhiều giải pháp đột phá rất thông thoáng, tuy cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nguy cơ sơ hở, lạm dụng dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

phat-trien-nha-o-xa-hoi-27.5.2.jpeg
Góp ý Dự thảo Nghị quyết, nhiều ý kiến cho rằng, cần cơ chế phòng ngừa, tránh trục lợi chính sách - Ảnh minh họa

Tham gia góp ý Dự thảo Nghị quyết, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai – Đoàn đại biểu quốc hội TP Hà Nội đề nghị trong Dự thảo Nghị quyết cần bổ sung quy định giao Chính phủ có trách nhiệm xây dựng cơ chế phòng ngừa sơ hở, tiêu cực, tham nhũng, tránh việc trục lợi chính sách gây thất thoát, lãng phí nguồn lực, bảo đảm chất lượng xây dựng nhà ở xã hội.

Đồng quan điểm đã nêu, đại biểu Trần Việt Anh – Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cũng tán thành với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù của Dự thảo Nghị quyết đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển nhà ở xã hội; tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Cùng với đó, có cơ chế, chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội góp phần nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, trong đó có cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là đối tượng chịu sự tác động của việc sáp nhập các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

“Cần xác định rõ trong Dự thảo Nghị quyết là phát triển nhà ở xã hội để có nhà ở hay để sở hữu nhà ở, từ đó mới làm rõ quan điểm phát triển nhà ở xã hội cho thuê”, đại biểu Trần Việt Anh nêu quan điểm.

Liên quan đến Dự thảo Nghị quyết, phát biểu chỉ đạo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 27/5, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm chất lượng công trình nhà ở xã hội, coi đây là tiêu chí cốt lõi trong triển khai chính sách nhân văn này.

“Làm sao làm rõ cơ chế kiểm tra, kiểm định chất lượng công trình sau khi hoàn thành? Ai chịu trách nhiệm nếu nhà ở xã hội không đáp ứng tiêu chuẩn? Là Bộ Xây dựng hay UBND các tỉnh, thành phố? Phải chỉ rõ, tránh tình trạng đến khi xảy ra sự cố thì lại viện dẫn quy định chưa rõ ràng, rồi không ai chịu trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chia sẻ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, một số bài học đau xót về hàng giả, hàng kém chất lượng thời gian qua cần được nhìn nhận như là hệ quả của sự buông lỏng trong quản lý, thiếu rõ ràng trong phân công trách nhiệm; do đó lần sửa đổi này là cơ hội để khắc phục, đặt ra những chuẩn mực mới về kiểm soát chất lượng nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý việc bảo đảm yêu cầu phòng cháy chữa cháy trong các công trình nhà ở xã hội, coi đây là tiêu chí bắt buộc.

“Đơn giản hóa thủ tục hành chính hơn nữa để rút ngắn thời gian triển khai dự án, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Được biết, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, tại phiên họp hôm nay (ngày 28/5), Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội sẽ được Quốc hội đưa ra thảo luận tại hội trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phát triển nhà ở xã hội: Cần cơ chế phòng ngừa, tránh trục lợi chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO