Phát triển thương mại điện tử bền vững

Thu Duyên 22/07/2023 16:45

Thương mại điện tử tăng trưởng nhanh chóng đã đặt ra thách thức đối với môi trường. Nhiều giải pháp sáng tạo được triển khai để hướng tới mục tiêu trung hòa khí thải carbon, giảm thiểu rác thải nhựa.

Nhiều vấn đề nóng được đưa ra tại Diễn đàn “Hoàn tất đơn hàng 2023 – Hướng tới Thương mại điện tử Xanh” do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam ( VALOMA) tổ chức mới đây.

Hướng tới Thương mại điện tử Xanh

Báo cáo 6 tháng đầu năm 2023 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế cho biết, doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) bán lẻ tại Việt Nam ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

>>>Thương mại điện tử bền vững đồng hành cùng nền kinh tế số

Khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) với hàng nghìn doanh nghiệp trên cả nước cho thấy lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 20 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng này có thể được duy trì trong giai đoạn ba năm 2023 – 2025.

bx

Toàn cảnh Diễn đàn Hoàn tất đơn hàng 2023 – Hướng tới Thương mại điện tử Xanh 

Tuy nhiên, quy mô của thương mại điện tử Việt Nam còn nhỏ, chiếm khoảng 8,5% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Mặc dù mới ở giai đoạn phát triển ban đầu và quy mô còn nhỏ nhưng sự phát triển của thương mại điện tử đã bộc lộ nhiều yếu tố không bền vững. Ba yếu tố điển hình bao gồm khoảng cách phát triển giữa hai thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với 61 địa phương khác rất lớn dấu hiệu thu hẹp còn mờ nhạt, nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo chính quy ở các trường đại học chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu và hoạt động kinh doanh thương mại điện tử gây tác động ngày càng xấu tới môi trường.

Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2023, thương mại điện tử nước ta tăng trưởng nhanh nhưng đã bộc lộ nhiều yếu tố không bền vững, đặc biệt là liên quan tới vấn đề bảo vệ môi trường. Trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, có hai khâu chính tác động xấu tới môi trường, bao gồm: khâu giao hàng (liên quan đến xe cộ chạy trên đường thải lượng lớn khí carbon) và khâu đóng gói: hộp carton, bao bì ni lông, màng xốp hơi, hộp xốp, đồ nhựa dùng một lần. Giải pháp giao hàng siêu tốc cũng gây nhiều quan ngại vì làm gia tăng phát thải khí carbon.

Nhiều giải pháp sáng tạo đã và đang được đề xuất triển khai, mở ra những cơ hội lớn để thương mại điện tử thân thiện hơn với môi trường, tiến tới mục tiêu trung hòa khí thải carbon và giảm thiểu rác thải nhựa. Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp thương mại điện tử và bưu chính như Lazada, Grab hay Bưu điện Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo nhằm giảm tác động tiêu cực tới môi trường. Có thể kể đến việc tiết giảm số lượng thùng carton, chuyển sang dùng 100% bao bì tái chế hay giảm rác thải nhựa; khuyến khích khách hàng chờ giao hàng chậm, thay vì đẩy mạnh quảng bá hình thức giao hàng ngay… Không chỉ giới hạn trong nội bộ doanh nghiệp, một số doanh nghiệp còn có những sáng kiến thu hút sự tham gia của đông đảo đối tác kinh doanh và người tiêu dùng, như các sáng kiến LazEarth hay Cẩm nang “Đóng gói hàng hóa hiệu quả, thân thiện với môi trường” dành cho người bán hàng trên sàn thương mại điện tử.

>>>Thương mại điện tử có lấn át bán lẻ truyền thống?

Xanh hoá logistics thúc đẩy phát triển thương mại điện tử

Theo Báo cáo logistics Việt Nam, chi phí logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá thành, dao động từ 10% đến 20%. Trong chi phí logistics, chi phí vận chuyển có tỷ lệ đóng góp cao nhất khoảng từ 60% đến 80%. Nghiên cứu của Google, Temasek và Bain & Company cũng chỉ rõ, việc tối ưu hóa hoạt động vận chuyển trong thương mại điện tử như giảm quãng đường di chuyển của các phương tiện giao nhận, sử dụng các vật liệu tái chế, thân thiện để đóng gói hàng hóa… sẽ góp phần cắt giảm được 30-40% lượng khí phát thải trong lĩnh vực này.
Thương mại điện tử nước ta tăng trưởng nhanh nhưng đã bộc lộ nhiều yếu tố không bền vững, đặc biệt là liên quan tới vấn đề bảo vệ môi trường. 

Phát biểu tại Diễn đàn “Hoàn tất đơn hàng 2023 – Hướng tới Thương mại điện tử Xanh”, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhận định: Thị trường TMĐT Việt Nam hiện xếp thứ 4 Đông Nam Á về quy mô giá trị giao dịch hàng hóa và được dự báo tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á với CAGR 21-25 đạt 32%, cao gấp 1.8 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của cả khu vực. Những động lực thúc đẩy tăng trưởng quy mô dịch vụ logistics Việt Nam trong thời gian tới là sự bùng nổ của thương mại điện tử và tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa. Ngành logistics có xu hướng cải cách từ quy mô các loại hình vận tải, kho thông minh và bền vững, các dịch vụ logistics gắn với phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương

Để xây dựng hệ sinh thái logistics bền vững cho TMĐT, theo đại diện của Lazada Logistics Việt Nam cần tối ưu hoá vận hành, nâng cao công suất hoạt động bằng việc ứng dụng khoa học công nghệ (AI, ML, Geolocation...) vào vận hành để tối đa hóa hiệu suất & tính chính xác, đầu tư mạng lưới kho bãi và vận tải giúp đáp ứng nhu cầu thị trường…Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực chất lượng thông qua xây dựng chương trình đào tạo cho ngành Logistics TMĐT. Đặc biệt, áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường, phát triển logistics xanh: Sử dụng xe điện trong giao hàng; sử dụng vật liệu xanh; giảm thiểu rác thải, khí thải trong hoạt động đóng gói, vận chuyển; hợp tác với các thương hiệu để thúc đẩy tiêu dùng xanh…

Có thể bạn quan tâm

  • Thương mại điện tử có lấn át bán lẻ truyền thống?

    Thương mại điện tử có lấn át bán lẻ truyền thống?

    05:00, 14/07/2023

  • Thương mại điện tử bền vững đồng hành cùng nền kinh tế số

    Thương mại điện tử bền vững đồng hành cùng nền kinh tế số

    09:59, 07/07/2023

  • Thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới - Bài cuối: Ngăn “chảy máu” nguồn thu ngân sách

    Thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới - Bài cuối: Ngăn “chảy máu” nguồn thu ngân sách

    03:30, 21/06/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phát triển thương mại điện tử bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO