Phế liệu nhập khẩu và “bài toán khó” của doanh nghiệp

bao in 10/08/2018 12:05

“Là người hưởng lợi trong việc này nhưng tôi cho rằng, sau khi Trung Quốc đã cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng phế liệu, đã đến lúc Việt Nam cũng phải nghĩ đến điều đó".

Đó là những chia sẻ thẳng thắn của ông Vũ Xuân Thịnh – Giám đốc Công ty cổ phần Giấy Hải Âu (Tập đoàn HAPACO, Hải Phòng), đơn vị vừa bị “ách” hàng trăm container phế liệu giấy nhập khẩu đang phải giải quyết. Tuy vậy, ông Thịnh cũng phân tích: “Tuy nhiên chính sách cần có “độ trễ” cần thiết để doanh nghiệp thích ứng kịp. Vì hiện nay nguồn giấy phế liệu nhập khẩu chiếm tới 30-50% nguyên liệu đầu vào của không ít doanh nghiệp giấy”.

 Cảng biển khu vực Hải Phòng đang tồn đọng 1.476 container phế liệu, trong đó số container có thời hạn từ 30 - 90 ngày là 471 container; số container lưu quá 90 ngày là 1.005 container

Cảng biển khu vực Hải Phòng đang tồn đọng 1.476 container phế liệu, trong đó số container có thời hạn từ 30 - 90 ngày là 471 container; số container lưu quá 90 ngày là 1.005 container

“Độ trễ” cần thiết là bao nhiêu?

Ông Thịnh cho biết, từ đầu năm đến nay Trung Quốc đẩy mạnh thu mua giấy từ Việt Nam nên giá giấy nguyên liệu đã bị đẩy lên cao, khiến các doanh nghiệp bao bì của Việt Nam khốn đốn. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp Việt phải nhập giấy phế liệu để phục vụ sản xuất.

Cũng theo ông Thịnh, trước mắt, khi còn cho nhập thì cần phân biệt rõ phế liệu với phế thải. Các công cụ kiểm soát như thủ tục hải quan, kiểm định, tiêu chuẩn, cấp phép của ngành chức năng… cần được vận dụng đúng đắn để ngăn chặn những người “lập lờ đánh lận con đen” nhập chất phế thải về, trong khi những doanh nghiệp giấy có nhu cầu phế liệu và đầy đủ năng lực xử lý môi trường thì không nhập được.

“Con voi chui lọt lỗ kim”

Việc tồn đọng các container phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cảng biển và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp. Nó làm chậm lưu thông hàng hóa, giảm dung lượng bãi chứa container, ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng tàu, làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Việc xử lý các container phế liệu tồn đọng như: bắt buộc tái xuất, thanh lý, tiêu hủy… lại không hề dễ dàng. Chi phí tiêu hủy thông thường cao gấp nhiều lần so với tiền hàng nên dễ hiểu là doanh nghiệp đành lẩn trốn, “bỏ của chạy lấy người”.

 Theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, năm 2017, con số phế liệu nhập khẩu lên tới hơn 6,5 triệu tấn. Chỉ qua nửa đầu năm 2018, lượng phế liệu nhựa, giấy, sắt thép đã lên tới hơn 4 triệu tấn, trị giá 1,2 tỉ USD.

Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng đã “lường trước”“ câu chuyện này nên đã ban thành Thông tư 41, năm 2015 quy định việc nhập khẩu phế liệu phải đáp ứng các điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường. Cùng với đó là hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu khá khắt khe. Tuy vậy, một cán bộ Hải quan cho biết: Định nghĩa về phế thải và phế liệu được quy định tương đối giống nhau dẫn đến khó khăn cho cơ quan hải quan trong việc so sánh, đối chiếu, xác định hàng hóa là phế liệu hay phế thải.

Chính vì vậy, một số doanh nghiệp đã làm mọi cách tìm kẽ hở của pháp luật để đưa các loại phế thải vào Việt Nam. Một số công ty đã làm giả, tẩy xóa, sửa đổi các văn bản, giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất do Bộ TN&MT cấp để hợp thức hóa hồ sơ nhập khẩu phế liệu.

Có thể bạn quan tâm

  • Thanh tra toàn diện việc cấp phép nhập khẩu phế liệu

    Thanh tra toàn diện việc cấp phép nhập khẩu phế liệu

    20:00, 08/08/2018

  • Làm sao hạn chế được việc nhập khẩu phế liệu?

    Làm sao hạn chế được việc nhập khẩu phế liệu?

    08:03, 31/07/2018

  • Siết chặt quản lý nhập khẩu phế liệu

    Siết chặt quản lý nhập khẩu phế liệu

    17:51, 30/07/2018

Ngoài ra, cơ chế quản lý về vận chuyển phế liệu vẫn có kẽ hở, như chưa có bất kỳ cơ chế nào ràng buộc trách nhiệm về chất lượng hàng hóa với đơn vị chuyên chở. Khi hàng về cảng, doanh nghiệp nhập khẩu từ bỏ nhận hàng thì doanh nghiệp vận tải cũng vô can. Cơ quan hải quan hay đơn vị kinh doanh cảng không thể làm gì với hãng tàu. Việc quản lý nhập khẩu phế liệu do nhiều cơ quan thực hiện nhưng còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ. Vì thế, Hải quan khó nắm bắt danh sách doanh nghiệp được cấp phép để kiểm tra cho chính xác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phế liệu nhập khẩu và “bài toán khó” của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO