Trên fanpage chính thức của Phúc Long vừa đăng tải một clip ngắn thông báo sẽ mở chi nhánh đầu tiên của Phúc Long tại California, Mỹ vào tháng 7.
Phúc Long tại Califonia được thiết kế đậm chất Việt Nam với mái ngói, sân gạch đỏ, tường khắc họa hình ảnh đồi chè. Đây là một phép thử đáng chú ý của chuỗi giải khát này.
Khát vọng vươn xa
Khát vọng mở rộng ra thị trường nước ngoài là mong muốn phổ biến của các thương hiệu Việt. Trước Phúc Long, đã có nhiều chuỗi đã mở cửa hàng ở nước ngoài. Có thể kể đến những tên tuổi như Highlands Coffee có đến 39 cửa hàng chủ yếu ở Philipines; Cộng cà phê khá được yêu thích ở Hàn Quốc với 5 quán tại Seoul và 1 ở Gyeonggi, 2 cửa hàng khác tại Kuala Lumpur và Selangor ở Malaysia. E-coffee mặc dù dẫn đầu số lượng cửa hàng ở Việt Nam nhưng chỉ có một cửa hàng tại thủ đô Vientiane, Lào vào tháng 10/2020. Còn King Coffee mới mở 1 quán cà phê tại Hàn Quốc và quán cà phê đầu tiên ở Mỹ tại California.
Việc Phúc Long xâm nhập thị trường Mỹ, khoan bàn đến việc thành công hay không vào thời điểmnày vì còn rất sớm nhưng đây là một bước đi cho thấy tham vọng của Phúc Long là không hề nhỏ chút nào.
Mặc dù mở được cửa hàng ở nước ngoài đầy khó khăn và nhiều rủi ro nhưng điều đó cũng không ngăn được mong muốn phát triển ra nước ngoài của các thương hiệu F&B, đặc biệt là đi vào một thị trường “khó nhằn” như Mỹ. Và Phúc Long cũng không phải là ngoại lệ.
Định vị tiềm năng
Nhắc đến mô hình chuỗi không thể không nhắc đến Mỹ - “ông tổ” của kinh doanh chuỗi từ năm 1792. Đến năm 1859, chuỗi dạng F&B đầu tiên bán cà phê và trà đã xuất hiện trong các cửa hàng ở thành phố New York của công ty chè Đại Tây Dương & Thái Bình Dương.
Riêng lĩnh vực đồ uống giải khát, trước khi đến Mỹ kinh doanh có lẽ phải xem sức mạnh của các chuỗi này ở nước sở tại. Như Starbucks với 15.000 cửa hàng tại Mỹ và hơn 30.000 khắp thế giới. Hay như Tim Hortons, 700 cửa hàng ở Mỹ và 5.000 cửa hàng trên khắp thế giới. Còn có Dunkin với 11.000 cửa hàng trên 30 quốc gia,… và rất nhiều chuỗi cửa hàng khác nữa.
Nhiều, mạnh và lâu đời như vậy nên việc mở một chuỗi mới với định vị tương tự để bán cà phê thì cơ hội “sống sót” gần như không có. Ai lại đi bán cà phê chuỗi ở quê hương của “ông tổ” cà phê chuỗi?
Nhưng Phúc Long có lẽ đã tìm được một hướng sáng sủa khác trong khi vẫn giữ nguyên mô hình kinh doanh chuỗi của mình khi sang Mỹ.
Họ lựa chọn mở cửa hàng ở quận Cam, nơi có rất nhiều người Việt sinh sống, thể hiện luôn đối tượng khách hàng nhắm đến của Phúc Long có lẽ là cộng đồng người Việt ở đây. Cùng với đó điểm nhấn là cách bố trí cửa hàng đậm chất Việt Nam để thu hút những người Việt xa quê hương tìm đến.
Đồng thời, Phúc Long đã lựa chọn một sản phẩm khá ít người bán ở Mỹ. Họ không lựa chọn cà phê là sản phẩm chủ lực, mặc dù cà phê cũng có trong thực đơn cùng nhiều loại đồ uống, thực phẩm khác. Họ chọn trà, một đồ uống thân quen, một nét văn hóa đặc trưng của người Việt.
Lựa chọn mô hình kiểu Mỹ, sản phẩm chủ lực là một đồ uống ít người bán, đối tượng khách hàng là người Mỹ gốc Việt. Một kiểu lựa chọn thị trường ngách điển hình với cơ hội thành công rất cao.
Hơn thế nữa, khi đã chắc chân ở thị trường này, khi những người Mỹ gốc Việt này trở thành khách hàng trung thành với đúng đồ uống ưa thích với văn hóa truyền thống xưa, họ sẽ mời bạn bè, kéo thêm khách đến và thưởng thức một phần văn hóa Việt, trà Việt. Càng tạo cơ hội cho thương hiệu này mở rộng và chọn được những người Mỹ thích kiểu uống trà Việt tại một cửa hàng đậm chất Việt.
Phúc Long thành công hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng chiến lược định vị của họ khi đặt chân vào Mỹ là rất rõ ràng và nhiều tiềm năng.
Có thể bạn quan tâm