Đảng đối lập chính ở Hàn Quốc đã cảnh báo rằng, bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa hai miền Triều Tiên mà trong đó việc hủy bỏ chương trình hạt nhân của Triều Tiên không phải là điều kiện tiên quyết, sẽ chỉ "có lợi cho kẻ thù".
Phái đoàn Triều Tiên, dẫn đầu bởi em gái của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đã kết thúc chuyến thăm vào ngày 11/2 sau khi cố gắng gây cảm tình với công chúng Hàn Quốc, nhưng vẫn phải đối mặt với sự hoài nghi sâu sắc về sự chân thành của Bình Nhưỡng trong việc muốn cải thiện quan hệ giữa 2 quốc gia.
Bất kỳ Hội nghị thượng đỉnh nào giữa hai quốc gia vốn vẫn trong tình trạng chiến tranh lạnh trên bán đảo Triều Tiên sẽ là một kỳ tích của Tổng thống Moon, người đã tìm cách thúc đẩy các giải pháp ngoại giao cho các xung đột liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Trong một vinh dự hiếm hoi đối với các vị khách nước ngoài, Tổng thống Hàn Quốc đã gặp em gái của Kim Jong-un là bà Kim Yo-jong bốn lần trong chuyến thăm ba ngày của phái đoàn Triều Tiên. Chánh văn phòng của Tổng thống Hàn Quốc đã tổ chức một bữa tiệc chia tay dành cho phái đoàn Triều Tiên trước khi họ tham dự một buổi biểu diễn của dàn nhạc Triều Tiên.
"Tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ đến thăm Hàn Quốc đột ngột như vậy và tôi tin rằng điều đó sẽ rất lạ. Tuy nhiên, tôi đã nhìn thấy nhiều thứ tương tự hoặc hoàn toàn giống với Triều Tiên", bà Kim Yo-jong cho biết trong bữa tối ngày 11/2 và hy vọng sau này bà sẽ gặp những "gương mặt thân thiện" có mặt tại bữa tối ở Bình Nhưỡng.
Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yeon trước đó đã tổ chức một bữa trưa cho phái đoàn Bình Nhưỡng tại một khách sạn năm sao.
Trước đó vào ngày 10/2, bà Kim Yo-jong đã "nhã nhặn" trao lá thư cá nhân của nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Tổng thống Moon và nói với ông Moon về "ý định" của anh trai mình, thông tấn xã Triều Tiên KCNA cho biết như vậy nhưng không đưa ra lời giải thích cho ý định đó là gì.
Giới chuyên gia cho rằng, nếu có cuộc gặp mặt giữa 2 nhà lãnh đạo liên Triều, sẽ đánh dấu cuộc hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên kể từ năm 2007.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, người đã trở lại Washington sau khi tham dự Lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông ở Pyeongchang, cho biết Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã hoàn toàn nhất trí về việc cô lập Triều Tiên vì chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.
"Không có sự khác biệt trong quan điểm của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản về sự cần thiết phải tiếp tục cô lập Triều Tiên cả về mặt kinh tế và ngoại giao cho đến khi họ từ bỏ chương trình hạt nhân của họ", ông Pence cho biết.
Một quan chức của Nhà Trắng cho biết, mặc dù ông Moon không thảo luận về lời mời của ông Kim Jong-un với ông Pence, nhưng Tổng thống Hàn Quốc đã nói rõ rằng, chỉ khi nào Triều Tiên thực sự bắt đầu thực hiện các bước phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, thì các nước mới bắt đầu nghĩ đến việc giảm bớt áp lực lên Bình Nhưỡng.
Trong bữa tiệc trưa ngày 11/2 tại khách sạn Walkerhill, Thủ tướng Hàn Quốc Lee nói với phái đoàn Triều Tiên rằng, ông hy vọng "các điều kiện hợp lý" sẽ được thiết lập để hai nhà lãnh đạo gặp nhau.
Kim Yong Nam, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội nghị Nhân dân Tối cao của Triều Tiên cho biết: "Ngay cả những khó khăn và thử thách bất ngờ cũng chắc chắn có thể vượt qua được và một tương lai thống nhất có thể đến sớm hơn khi có một ý chí vững chắc và can đảm để khởi đầu một thời mới trong mối quan hệ liên Triều".
Tuy nhiên, đảng đối lập chính của Hàn Quốc đã cảnh báo rằng, bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa hai miền Triều Tiên mà trong đó việc hủy bỏ chương trình hạt nhân của Triều Tiên không phải là điều kiện tiên quyết, sẽ chỉ "có lợi cho kẻ thù".
“Chúng ta nên nhớ rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào mà phi hạt nhân hóa không phải là điều kiện tiên quyết sẽ chỉ giúp Triều Tiên có thêm thời gian để hoàn thiện khả năng vũ khí hạt nhân của họ, trong khi họ đánh lừa chúng ta bằng vẻ ngoài đối thoại hòa bình của họ", ông Chang Je-won, phát ngôn viên của Đảng Tự do Hàn Quốc cho biết.
Các bài xã luận của Nhật Bản cũng đưa ra lời cảnh báo tương tự, nói rằng đối thoại sẽ là vô nghĩa, trừ khi đối thoại dẫn tới việc phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên.
"Điều không thể bỏ qua là ông Moon đã không trực tiếp yêu cầu Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân của nước này. Tổng thống Moon nên hiểu rằng chính ông ấy phải thúc giục Triều Tiên thực hiện phi hạt nhân hóa, và không phụ thuộc vào đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên", một bài xã luận trên tờ báo Yomiuri cho biết.