VCCI

Phó Chủ tịch VCCI đề xuất 6 giải pháp cải thiện PCI Kon Tum

Tuấn Vỹ 19/08/2024 11:20

Theo Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh, tỉnh Kon Tum cần tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp, tháo điểm nghẽn cơ chế chính sách, liên kết vùng bền chặt,... để phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện PCI.

Tại số liệu 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như GRDP đạt 8.165 tỷ đồng, tăng 6,47% cao hơn bình quân cả nước, đứng thứ 30/63 tỉnh thành và cao nhất trong khu vực 5 tỉnh Tây Nguyên. Các lĩnh vực quan trọng như nông, lâm nghiệp, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều có mức tăng trên 5%.

5be74f52dfbe7be022af.jpg
Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh nhìn nhận công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh Kon Tum đạt nhiều kết quả tích cực.

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh, tỉnh Kon Tum nằm trong khu vực Miền Trung – Tây Nguyên còn nhiều khó khăn thì đây là kết quả, thành quả đáng khích lệ. Có thể nói, những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh trong cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung nguồn lực, tạo động lực cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được đền đáp bằng những con số tăng trưởng khá ấn tượng.

VCCI cũng đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, phát triển nền kinh tế trong những năm vừa qua. Dưới lăng kính chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cộng đồng kinh doanh tại Kon Tum có những đánh giá khá tích cực khi chỉ số PCI của tỉnh trong năm 2023 vẫn tiếp tục duy trì xu hướng tăng điểm.

Trong 10 chỉ số thành phần thì có đến 4 chỉ số thành phần bao gồm Gia nhập trị trường, Chi phí thời gian, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và Đào tạo lao động vẫn duy trì xu hướng tăng điểm trong năm 2023, trong đó hai chỉ số thành phần Chi phí thời gian và Đào tạo lao động có sự tăng hạng liên tục từ năm 2021 đến nay.

“Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của tỉnh trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp bằng những chủ trương đúng đắn, bằng những hành động rất cụ thể”, Phó Chủ tịch VCCI nói.

86cac053e4bc40e219ad.jpg
Kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum tăng trưởng tốt qua từng năm.

Cụ thể, thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Chương trình hành động về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 tại Quyết định số 23/QĐ-UBND ngày 19 tháng 01 năm 2024; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện tốt Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 23 tháng 5 năm 2022 của Tỉnh ủy “Về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Chương trình số 2359/CTr-UBND ngày 22 tháng 7 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 16 tháng 5 năm 2022 của Tỉnh ủy...

Từ đầu năm 2024, tỉnh đã ban hành 54 Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính ban hành mới; sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Kon Tum cũng đã rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện.

Đặc biệt là công tác cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp cũng được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh quan tâm với phương châm “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, tạo điều kiện tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, UBND tỉnh duy trì Chương trình đối thoại với doanh nghiệp 2 lần/năm và Chương trình Cà phê doanh nghiệp - doanh nhân định kỳ hằng tháng.

Song song là duy trì việc triển khai đánh giá DDCI nhằm nắm bắt những điểm hạn chế, tồn tại trong công tác quản lí và điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành và cấp huyện,...

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đạt những kết quả ban đầu, tuy nhiên việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tại tỉnh vẫn còn những hạn chế và tỉnh vẫn còn rất nhiều dư địa để cải thiện. Theo Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh, thông qua chỉ số PCI có thể thấy chỉ số gia nhập thị trường xếp hạng khá thấp, có xu hướng giảm hạng trong 2 năm gần đầy và có thứ hạng thấp.

Cụ thể, doanh nghiệp vẫn còn gặp các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiên các thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện. Chỉ số thành phần Tính minh bạch cũng cho thấy doanh nghiệp đánh giá chưa cao chất lượng thông tin được tỉnh cung cấp thông qua các trang thông tin điện tử chính thức của tỉnh, đặc biệt các tin tức liên quan đến ưu đãi đầu tư.

“Để một doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư và hoạt động kinh doanh tại tỉnh thì việc tạo ra môi trường an ninh trật tự và đảm bảo duy tì thiết chế pháp lý là điều rất quan trọng, tuy nhiên chỉ số Thiết chế pháp lý và ANTT cũng giảm 8 bậc trong năm qua, doanh nghiệp dường như vẫn còn e dè sử dụng tòa án để giải quyết các tranh chấp, tỷ lệ doanh nghiệp tin tưởng về khả năng bảo vệ của pháp luật về vấn đề bản quyền hoặc thực thi hợp đồng thấp hơn so với các tỉnh thành khác”, Phó Chủ tịch VCCI cho hay.

Để cải thiện PCI Kon Tum trong thời gian tới, Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quan Vinh đã đề xuất 6 giải pháp để địa phương có thể vận dụng triển khai.

Thứ nhất, sác định tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn về cơ chế chính sách, khơi thông nguồn lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư là mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Lấy doanh nghiệp là trung tâm, là động lực và mục tiêu cho sự phát triển, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục rà soát, tháo gỡ các hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách liên quan thủ tục đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, giải phóng mặt bằng, phòng cháy, chữa cháy, môi trường; có giải pháp tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng, lực lượng lao động phục vụ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm kéo giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Thứ hai, tiếp tục duy trì đối thoại doanh nghiệp thường xuyên và chuyên đề sâu hơn để kịp thời nắm bắt và giải quyết kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn những biến động khó lường do ảnh hưởng của địa chính trị thế giới, doanh nghiệp tại tỉnh rất cần sự lắng nghe, hỗ trợ kịp thời và đồng hành từ các cấp chính quyền.

Thứ ba, đẩy mạnh liên kết giữa các tỉnh Tây Nguyên, liên kết vùng giữa Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung; Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Phối hợp các tỉnh, thành phố trong vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đông Nam Bộ tiềm năng khác có ký kết chương trình liên kết hợp tác với tỉnh để triển khai các chương trình hợp tác, tạo liên kết vùng, ngành, lĩnh vực.

Thứ tư, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá về môi trường đầu tư, danh mục dự án kêu gọi đầu tư và mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh. Tỉnh đã ban hành danh mục kêu gọi đầu tư là rất tốt nhưng tốt hơn nữa thì nhưng cần phải cụ thể hơn các “thông số” cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ (nếu có), đầu mối hỗ trợ, các yêu cầu tuân thủ đầu tư…để nhà đầu tư có đầy đủ dữ liệu để đánh giá, thẩm định hiệu quả của dự án và sớm ra quyết định, “xuống tiền” trong đầu tư,...

Thứ năm là đẩy mạnh chuyển đổi xanh doanh nghiệp, nền kinh tế.

Thế mạnh của tỉnh vẫn là lĩnh vực nông lâm…nền công nghiệp chưa phát triển mạnh nhưng chỉ số xanh PGI của tỉnh nằm ngoài TOP 30 cũng cần được quan tâm hơn.

“VCCI đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp và nền kinh tế thông qua chỉ số PGI cấp tỉnh và đặc biệt là Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam, Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững thường nên…Chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ, hợp tác của tỉnh trong triển khai các chương trình chuyển đổi xanh trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch VCCI nói.

Thứ sáu, triển khai hiệu quả chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Đặc biệt chú trọng phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh ngày càng gia tăng mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng nhằm rút ngắn khoản cách với các địa phương khác trong khu vực. Kon Tum là tỉnh có số lượng doanh nghiệp và tỷ lệ DN trên 1.000 dân thấp nhất khu vực Miền Trung – Tây Nguyên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phó Chủ tịch VCCI đề xuất 6 giải pháp cải thiện PCI Kon Tum
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO