Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu một số giải pháp nâng cao năng lực cung cấp nước sạch cho cộng đồng.
Toạ đàm "Xã hội hoá đầu tư ngành nước: Cơ hội và thách thức” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tổ chức chiều 22/4.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong những năm gần đây, kinh tế - xã hội của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt, là tại các thành phố lớn. Cùng với đó, nhu cầu sử dụng nước sạch đang ngày càng tăng nhất là tại các đô thị. Trong khi đó, nước là nguồn tài nguyên vô cùng qúy giá nhưng không phải là vô tận.
Tuy nhiên, hiện nay, tài nguyên nước đang chịu sức ép nặng nề do biến đổi khí hậu, tốc độ gia tăng dân số, sự phát triển của các hoạt động kinh tế, đời sống có liên quan đến sử dụng nước và tình trạng ô nhiễm, suy thoái nguồn nước ngày càng trầm trọng.
Theo dự báo, mùa khô năm 2020 - 2021 cả nước có khoảng 82.000 hộ dân (tương đương khoảng 400.000 người dân) thiếu nước sinh hoạt. Trong khi đó, tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch còn cao (23%), chất lượng nước nhiều nơi còn hạn chế. Hơn nữa, tỷ lệ xử lý nước thải qua các trạm xử lý tập trung còn thấp, mới đạt 12% nước thải chưa được xử lý, thải trực tiếp ra môi trường đang gây ô nhiễm nghiêm trọng, việc úng ngập ở các thành phố lớn cũng đang gây bức xúc cho người dân và cộng đồng. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn, nguồn lực đầu tư, năng lực quản lý,… là thách thức rất lớn.
Phó Chủ tịch VCCI đánh giá, nước sạch được coi là sản phẩm thiết yếu trong cuộc sống. Đã từng có thời gian, các công ty cấp nước sản xuất và kinh doanh một sản phẩm độc quyền mặc nhiên, lại ít có sự cạnh tranh và đào thải đã dẫn đến ngành nước chậm thay đổi và thường bị xếp vào nhóm những ngành nghề kém áp dụng công nghệ. Tuy nhiên, cùng với xu thế mở cửa và chính sách cổ phần hóa, thời gian qua, ngành nước cũng đã có nhiều thay đổi. Nhiều công ty nước sạch của nhà nước đã được cổ phẩn hóa như Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Hawacom); Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông; Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco)…
“Hơn nữa, đến nay hệ thống pháp luật đã được xây dựng khá toàn diện, đáp ứng yêu cầu quản lý tài nguyên nước. Vấn đề còn lại là phải tập trung triển khai trên thực tế để đưa các chính sách, biện pháp quản lý đó vào cuộc sống, bảo đảm quản lý tài nguyên nước có hiệu quả, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững”, ông Hoàng Quang Phòng nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch VCCI, trong quá trình phát đầu tư, phát triển, cổ phần hóa các nhà máy nước cũng như cung cấp nước sạch cho người dân cũng còn phát sinh một số vấn đề. Do đó, để giảm gánh nặng tài chính cho nhà nước cũng như nâng cao năng lực cung cấp nước sạch cho cộng đồng, thời gian tới cần triển khai một số giải pháp như: Tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách về nước sách; hoạt động cung cấp và tiêu thụ nước sạch, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng nước sạch cấp cho mục đích sinh hoạt; khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển tài nguyên nước và các dịch vụ về nước theo phương thức xã hội hóa. Mặt khác, cần quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sở hữu công trình tài nguyên nước hoặc thực hiện các dịch vụ về nước.
Đồng thời, cần phải rà soát lại toàn bộ pháp luật liên quan đến cấp nước sinh hoạt cho người dân để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu bảo đảm an toàn tuyệt đối, bảo đảm an ninh trong việc cấp nước sinh hoạt,…
“Tại tọa đàm “Xã hội hoá đầu tư ngành nước: Cơ hội và thách thức” hôm nay, những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia sẽ được chúng tôi tổng hợp chuyển đến cơ quan chức năng, góp phần vào việc ban hành Luật Quản lý cấp nước sạch vào năm 2022 theo chỉ thị Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu trước đó”, ông Hoàng Quang Phòng nói.
Có thể bạn quan tâm
14:59, 22/04/2021
14:00, 22/04/2021
13:41, 22/04/2021
07:15, 22/04/2021