“Phố Đông” - “cánh cửa cải cách mới”: Lường trước khó khăn để hóa giải điểm nghẽn

Diendandoanhnghiep.vn Với một ý tưởng chưa có tiền lệ ở Việt Nam, việc thành lập Thành phố phía Đông thuộc Thành phố Hồ Chí Minh muốn thành hiện thực, cần sự đồng thuận của cả hệ thống và cam kết chính trị dài hạn.

 Để tìm một mẫu hình chính xác làm “ví dụ” cho TP HCM thật khó khi chính sự phát triển của Việt Nam đối với thế giới, hay TP Hồ Chí Minh đối với Việt Nam đã được xem là một đặc thù. Ảnh: Bản đồ khu đô thị phía Đông TP. HCM (Tài liệu từ Sở Quy hoạch TP.HCM)

Để tìm một mẫu hình chính xác làm “ví dụ” cho TP HCM thật khó khi chính sự phát triển của Việt Nam đối với thế giới, hay TP Hồ Chí Minh đối với Việt Nam đã được xem là một đặc thù. Ảnh: Bản đồ khu đô thị phía Đông TP. HCM (Tài liệu từ Sở Quy hoạch TP.HCM)

Động lực của ý tưởng đột phá

Trước hết, TP HCM đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ để lập đề án Thành phố phía Đông là ý tưởng nghiêm túc, đáng được xem xét.

Lâu nay, TP HCM được mệnh danh là thành phố năng động, tiên phong đi đầu trong các sáng kiến, các quyết định “xé rào” để mang đến các mô hình kinh tế đột phá, được nhân rộng cho cả nước. Điển hình là khu chế xuất đầu tiên trong cả nước – Khu chế xuất Tân Thuận, sau đó là khu chế xuất Linh Trung, khu đô thị mới Nam Sài Gòn, Công viên phần mềm Quang Trung… Do đó, việc TP HCM tư duy về một Khu đô thị sáng tạo tiếp tục là nỗ lực duy trì tính tiên phong của TP trong việc khơi dậy các ý tưởng, mang đến các cải cách mới không chỉ cho TP.HCM mà còn cho cả nước.

Công bằng mà nói, hơn thập niên trở lại đây, vai trò tiên phong mang tính dẫn dắt khơi nguồn của TP.HCM dường như bị chững lại. Sự chững lại đó không phải do TP.HCM tự đi xuống mà do sự nổi lên mạnh mẽ của nhiều địa phương khác trong cả nước như Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai,… Đó là so với các địa phương khác trong nước, còn nếu so với các thành phố trong khu vực và thế giới như Băng-Cốc, Kuala Lumpur, Thượng Hải, Thâm Quyến,… thì vị trí của TP.HCM lại càng khiêm tốn.

Nhịp độ tăng trưởng của TP cũng chưa tương xứng với tiềm năng và vai trò đầu tàu của kinh tế cả nước. Trong khi tăng trưởng GDP bình quân của cả nước từ 6,5-7%/năm thì tăng trưởng của TP HCM cũng chỉ xấp xỉ 8%/năm và có lẽ đã rất lâu rồi TP vẫn chưa đạt tăng trưởng trên 10%. Dường như TP.HCM đã chạm tới giới hạn tăng trưởng tiềm năng với điều kiện môi trường thể chế như hiện nay. Do đó, việc tìm kiếm các ý tưởng đột phá cho TP HCM càng có động lực thôi thúc. Thực tế TP.HCM đã ban hành 7 chương trình đột phá nhưng phải nói rằng đến nay vẫn chưa có gì thực sự đột phá.

Trong bối cảnh mọi người nói nhiều về đổi mới sáng tạo, cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế tri thức, ý tưởng xây dựng Thành phố thông minh, phát triển lấy động lực đổi mới sáng tạo,… cũng là nhu cầu cần thiết đặt ra cho TP.HCM trên phương diện thực tiễn.

Cơ hội từ sự đồng thuận

TP.HCM đã có ý tưởng manh nha về việc thành lập một thành phố mới từ lâu. Những năm đầu thập niên 2000, TP đã có đoàn tham quan khảo sát các TP mới, đặc biệt phố Đông Thượng Hải -mô hình kinh tế phố trong Thành phố hết sức thành công và tạo cảm hứng cho các quốc gia khác. Thực sự đây không hoàn toàn là ý tưởng mới. Khu đô thị mới Thủ Thiêm ra đời cũng từ những ý tưởng như thế, tuy nhiên vì nhiều lý do mà mục tiêu và tầm nhìn vẫn chưa được hiện thực hóa. Lần này, ý tưởng lại được đặt ra trong một bối cảnh mới có phần chín muồi hơn.

Thông tin ban đầu là trên ý tưởng TP đề xuất, được Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo các bộ ngành tiếp nhận và đánh giá cao. Bộ Nội vụ cho rằng ý tưởng có căn cứ pháp lý để thực hiện. Lãnh đạo Chính phủ về cơ bản ủng hộ TP.HCM lập đề án hỗ trợ trình Bộ Chính trị. Diễn tiến quá trình này rất quan trọng và hứa hẹn cơ hội của ý tưởng đột phá sẽ được Lãnh đạo Trung ương xem xét.

Nếu được Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ xem xét để ban hành các Nghị quyết chuyên đề tạo khung khổ pháp lý cho TP thì kỳ vọng ý tưởng này sẽ không bị tắc như nhiều ý tưởng khác từng được đề xuất trước đây.

Trong những năm qua, không chỉ chính quyền TP mà các lãnh đạo Trung ương cũng đã rất quan tâm và “sốt ruột” với việc tạo động lực, cơ chế cho TP HCM hóa giải điểm “tới hạn” của mình. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 16-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển của TP.HCM đến năm 2020; Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; Nghị định 42/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với TP.HCM… Tuy nhiên đến nay việc cụ thể hóa các cơ chế chính sách để tạo ra sự đột phá cho TP.HCM vẫn còn nhiều hạn chế.

Hy vọng với tín hiệu tốt từ sự đồng thuận ban đầu, nếu diễn tiến thuận lợi, việc xây dựng đề án sẽ sớm hoàn tất để trình lên trong nhiệm kỳ 2016-2020, nếu đạt được sự đồng thuận chính trị tốt, có thể sớm triển khai từ giai đoạn 2021-2025.

Lường trước để hóa giải những rào cản, điểm nghẽn

Bất kỳ ý tưởng mới nào ở giai đoạn đầu cũng sẽ hết sức khó khăn. Lường trước để hành động, có phương án giải quyết và dự phòng cho những tình huống có thể xảy ra là điều hết sức cần thiết. Theo đó, sẽ có không ít thách thức và rào cản có thể cản trở việc cụ thể hóa tầm nhìn và mục tiêu của ý tưởng Thành phố phía Đông như sau:

Về phương diện thể chế chính sách: Đây là mô hình chưa có tiền lệ nên thiếu vắng rất nhiều thể chế để có thể cụ thể hóa. Việc học tập mô hình và thể chế các nước là cần thiết nhưng để có thể áp dụng hiệu quả lại là câu chuyện rất khác ở Việt Nam, vì thể chế đó có thể hay nhưng nó không tương thích được với hệ thống thể chế của Việt Nam. Do đó sẽ khó tránh khỏi chuyện “dò đá qua sông”. Ví dụ như một rủi ro rất lớn là tiềm năng xung đột thể chế, đó là sự xung đột giữa cái cũ và cái mới, giữa cái đặc thù và cái thông thường, giữa ngắn hạn với dài hạn,…

Điều quan trọng là cả hệ thống chính quyền, cả trung ương lẫn chính quyền TP phải nỗ lực sắn tay áo vào để cùng giải quyết, bởi nếu không có sự cam kết đó, các trở ngại sẽ không được xử lý kịp thời, tiến trình thực hiện ý tưởng sẽ bị vỡ kế hoạch hoặc thậm chí phá sản. Thiết nghĩ, TP.HCM cần đề xuất Bộ Chính trị có Nghị quyết đề ra mục tiêu và phương hướng gắn với tầm nhìn cần đạt được, Quốc hội cũng có thể phải cần ban hành Nghị quyết đặc biệt, và Chính phủ cũng cần hướng dẫn các hành lang pháp lý để giúp TP giải quyết các vấn đề nảy sinh.

Về phương diện quản trị công: TP.HCM đang thiếu mô hình quản trị chính quyền đô thị. Quản trị công mới như thế đối với đô thị sáng tạo thông minh không thể áp dụng hệ thống cũ sang hệ thống mới được vì như vậy sẽ không tương thích, cũng chỉ là bình mới rượu cũ. Hiện tại, Việt Nam đã có mô hình TP trong tỉnh trực thuộc TW nhưng chưa có mô hình TP trong TP trực thuộc TW. Hai mô hình này có bản chất khác nhau nên không thể tư duy quản trị theo kiểu truyền thống được.

Nói chung, trên phương diện quản trị, cần phải xác lập được mối quan hệ giữa chính quyền TP con với TP mẹ, TP con với các cơ quan trung ương; định nghĩa thế nào về vai trò của chính quyền, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, giả sử như trong trường hợp bỏ HĐND thì ý kiến người dân sẽ được chuyển tải như thế nào, trách nhiệm giải trình trong một tổ chức chính quyền không thông qua HĐND sẽ ra sao; vai trò và sự tham gia của các bên liên quan sẽ được đảm bảo như thế nào…

Về con người: Con người là trung tâm, quyết định sự thành bại của mô hình. Việc vận hành TP phía Đông cần được chuẩn bị ngay từ bây giờ với sự chọn lựa những người có tố chất đáp ứng yêu cầu, tiến hành đào tạo lại, chuẩn bị cho họ đủ năng lực và kỹ năng để làm việc trong môi trường mới. Không thể sử dụng con người với tư duy cũ, cách làm cũ, thói quen cũ, nếp nghĩ cũ để vận hành một đô thị mới.

Nói đến yếu tố con người thì nhà lãnh đạo là vô cùng quan trọng. Nếu có được một thế hệ lãnh đạo có tinh thần doanh nhân công (public entrepreneurship), dám nghĩ dám làm với 3 chữ Q (quyết tâm, quyết liệt và quyết đoán) sẽ là nhân tố quyết định lớn đến sự thành công. Các lãnh đạo từ trung ương đến chính quyền TP, lãnh đạo qua các thế hệ kế cận khác nhau phải có sự đồng thuận, cùng nhìn về một hướng, cùng chung một ưu tiên xuyên suốt. Bởi như chúng ta biết việc xây dựng đề án này không thể hoàn tất ngay trong một năm hay một nhiệm kỳ. Do đó, nếu không có sự cam kết nhất quán trong ưu tiên chính sách và nguồn lực thì sẽ không thành công.

Về vấn đề quy hoạch và chiến lược thực thi: Xây dựng một thành phố mới như đề xuất của TP.HCM không đơn thuần chỉ là việc sáp nhập 3 quận để tạo ra không gian địa giới lớn mà còn rất nhiều vấn đề liên quan như quy hoạch lại không gian đô thị gắn với một tầm nhìn dài hạn và nhất quán; vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng, cả hạ tầng cứng lẫn hạ tầng mềm; vấn đề thu hút đầu tư vào các ngành kinh tế thâm dụng công nghệ nhưng không thoát ly các lợi thế cạnh tranh của TP; vấn đề phát triển xã hội, nâng cao chất lượng dân số và môi trường sống,… Khâu chuẩn bị càng kỹ thì khả năng thành công càng cao, giảm thiểu thất bại.

Về nguồn lực tài chính và những vấn đề liên quan: Một trong những câu hỏi lớn đặt ra là nguồn lực để xây dựng thành phố sẽ được huy động thế nào? Để trả lời câu hỏi này cần một loạt các cơ chế và chính sách, liên quan đến cả việc phân bổ, sử dụng nguồn lực công lẫn huy động nguồn lực tư nhân, sự tham gia của các đối tác nước ngoài. Hiện nay có rất nhiều nút thắt liên quan đến vấn đề huy động và phân bổ nguồn lực công của TP.HCM, chẳng hạn như vấn đề điều tiết ngân sách, vấn đề huy động nguồn tài chính từ đất đai…  mà nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công của mô hình TP mới.

Ngoài ra, còn rất nhiều thách thức khác nữa có thể xảy ra trong quá trình biến một ý tưởng đột phá thành một đề án và triển khai, trong đó có cả những rủi ro và nhiều mối lo ngại, chẳng hạn như vấn đề chia sẻ lợi ích phát triển, vai trò của người dân và trách nhiệm của chính quyền... Tuy nhiên, vượt lên hết, động lực của ý tưởng với sự khơi dậy tinh thần tiên phong dám nghĩ dám làm dám đột phá của TP.HCM, vốn đã được thắp lên trong những thập niên trước thềm đổi mới và cả những thập niên sau đó, là rất nghiêm túc. TP.HCM có nhiều điều kiện để ý tưởng có thể thành công hơn bất kỳ nơi nào khác ở Việt Nam. Thành phố đột phá cũng chính là đất nước đột phá. Nếu thực hiện được, TP mới sẽ đóng góp có ý nghĩa vào tăng trưởng của không chỉ TP.HCM mà còn với cả nước.

Vạn sự khởi đầu nan, TP.HCM có thể có một phố Đông không thua kém phố Đông Thượng Hải và có thể cạnh tranh với các thành phố trong khu vực hay không phụ thuộc vào tầm nhìn, quyết tâm chính trị, sự thống nhất và đồng thuận của các cấp lãnh đạo, vì tầm nhìn phát triển kinh tế Việt Nam tương lai.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết “Phố Đông” - “cánh cửa cải cách mới”: Lường trước khó khăn để hóa giải điểm nghẽn tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713557864 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713557864 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10