Từ 1/1/2018, Bộ luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực, tác động trực tiếp đến chủ doanh nghiệp.
Dưới đây, tòa soạn ghi nhận mối quan tâm của luật sư và các chủ doanh nghiệp về sự cần thiết phải đổi mới tư duy trong việc sử dụng luật sư cũng như hệ thống hỗ trợ pháp lý.
Luật sư Võ Thanh Khương - (Đại diện Cộng đồng Liên minh luật Legal300):
Thưa anh, Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Dưới góc nhìn của một luật sư và là người hỗ trợ cho các doanh nghiệp, anh thấy có những điều gì cần lưu ý với các doanh nhân?
Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự Việt Nam, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Do đó, các doanh nhân cần lưu ý những điểm sau: Tại Điều 76 quy định, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 33 tội danh được liệt kê. Các tội danh này đều thuộc nhóm tội phạm về kinh tế và nhóm tội phạm về môi trường. Chế tài áp dụng đối với pháp nhân gồm phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Ngoài ra, có 2 điểm cần lưu ý nữa là: (1) Sa thải lao động nữ đang mang thai trái luật bị phạt tù đến 3 năm. Điều 162 quy định, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi sau đây làm cho người bị thôi việc, người bị sa thải hoặc gia đình họ lâm vào tình trạng khó khăn hoặc dẫn đến đình công, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm: ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức; sa thải trái pháp luật đối với người lao động; cưỡng ép, đe dọa buộc người lao động, công chức, viên chức phải thôi việc.
Sa thải người lao động trái phép đối với các trường hợp sau thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: đối với 2 người trở lên; đối với phụ nữ mà biết là có thai; đối với người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi; làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
(2)Trốn đóng bảo hiểm xã hội, có thể bị phạt đến 7 năm tù: Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định "Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động" như sau: “Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm: Trốn đóng bảo hiểm từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động”.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Trốn đóng bảo hiểm 1 tỷ đồng trở lên; Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên.
Do đó, tôi khuyên các doanh nhân nên nghiên cứu kỹ các quy định này để tham khảo, điều chỉnh việc kinh doanh cho phù hợp quy định pháp luật.
Việc doanh nghiệp trốn thuế dưới hình thức này hay hình thức khác, theo anh nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Anh nghĩ gì khi có ý kiến nói rằng “doanh nghiệp nào mà chẳng trốn thuế”?
Để khẳng định một doanh nghiệp phạm tội trốn thuế thì phải có bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên xử về nội dung trốn thuế của doanh nghiệp. Thông thường, trong kinh doanh, doanh nghiệp nào cũng muốn tối thiểu hóa chi phí để có mức lợi nhuận cao nhất. Do đó, nếu hành vi của họ bằng cách nào đó vẫn theo quy định pháp luật mà không phải đóng thuế thì có thể được gọi là “tránh thuế”.
Nói về tội trốn thuế, theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015, có liệt kê rất chi tiết các hành vi từ điểm a đến điểm i, khoản 1 như sau:
a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật;
b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn.
đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn.
e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan; nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này.
g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này.
h) Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này.
i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.
Do đó, doanh nhân cần chú ý những điểm nêu trên để thực hiện đúng theo quy định pháp luật.
Anh nhìn nhận gì về chuyện một số doanh nghiệp còn miễn cưỡng trong đóng BHYT, BHXH, BHTN cho người lao động?
Việc kinh doanh hiện nay rất khó khăn nên nếu giảm được chi phí càng nhiều càng tốt. Việc doanh nghiệp miễn cưỡng đóng BHYT, BHXH, BHTN cho người lao động cũng là điều dễ hiểu. Thường các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc các doanh nghiệp mới thành lập càng miễn cưỡng hơn.
Tuy nhiên, tôi nghĩ, khi doanh nghiệp đã xác định kinh doanh lâu dài thì nên tuân thủ việc đóng bảo hiểm cho người lao động để họ yên tâm làm việc lâu dài cho doanh nghiệp. Ngoài ra, các khoản đóng BHYT, BHXH, BHTN cho người lao động cũng là chi phí và được hạch toán đầy đủ vào hoạt động kinh doanh. Điều này, tôi thấy các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng đã thực hiện tương đối tốt.
Ngoài ra, hiện nay Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về "Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động" như tôi đã nói trên thì việc đóng BHYT, BHXH, BHTN cho người lao động là cần phải thực hiện để đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Trong nhiều năm làm luật sư, anh thấy những loại tranh chấp, kiện cáo nào là xảy ra nhiều nhất với các doanh nghiệp? Điều gì thường “làm khó” các doanh nghiệp và họ phải cần đến luật sư?
Các tranh chấp về kinh doanh thường xảy ra nhiều nhất với các doanh nghiệp chủ yếu gồm: Tranh chấp với giữa các thành viên công ty với nhau về việc hùn hạp kinh doanh và điều hành hoạt động của công ty; Tranh chấp giữa các cổ đông và thành viên hội đồng quản trị cũng liên quan đến việc điều hành hoạt động của công ty cổ phần.
Đối với các doanh nghiệp với nhau thì thường tranh chấp về hợp đồng hợp tác kinh doanh và hợp đồng mua bán hàng hóa do hợp đồng được ký kết rất sơ sài và trong quá trình thực hiện thường có một bên gặp khó khăn trong việc thực hiện dẫn đến việc chậm trễ (ví dụ: chậm thanh toán, chậm thi công, chậm bàn giao, không đủ điều kiện pháp lý để hoàn thành nghĩa vụ như đã cam kết…) mà bên kia không chấp nhận và không tạo điều kiện để tiếp tục thực hiện. Hoặc nếu ký kết hợp đồng đúng luật, nhưng hợp đồng trên thực tế không thực hiện được mà bên nhận tiền không hoàn trả tiền đã nhận cũng phát sinh tranh chấp.
Do đó, các doanh nghiệp cần đến luật sư trước hết là để đại diện thương lượng, giải quyết những điểm chưa rõ giữa hai bên. Khi không thương lượng được thì luật sư sẽ hỗ trợ khởi kiện và bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp. Lúc đó, căn cứ từng câu từng chữ trong hợp đồng và các quy định pháp luật để giải quyết mà luật sư là người am hiểu pháp luật nên biết cách giải quyết theo hướng có lợi nhất cho khách hàng.
Anh George Nguyễn - Chủ tịch Hệ sinh thái hỗ trợ phát triển doanh nghiệp We - Eco:
Được biết hồi tháng 9/2017 anh và Công ty CP Giải Pháp Liên Minh Luật Việt Nam (FLF) đã ra mắt hệ sinh thái We - Eco nhằm hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, trước mắt là tăng cường hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Theo anh, câu chuyện “bảo vệ doanh nghiệp” trước khi xảy ra sự cố nên được thực hiện như thế nào là thực tế và khôn ngoan?
Chi phí dịch vụ pháp lý là một khoản không nhỏ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, kinh doanh mà không làm đúng theo các qui định của pháp luật thì thật là nguy hiểm cho các chủ (hoặc đại diện pháp luật) của doanh nghiệp. Đó cũng là một trong những lý do chúng tôi đã lập ra hệ sinh thái We-Eco để giúp đỡ miễn phí cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nhiều lĩnh vực: Thuế - Pháp lý - Quản trị kinh doanh -Tài chính - Kế toán - Công nghệ - Sản xuất... Riêng lĩnh vực pháp lý hiện nay We-Eco được sự hỗ trợ của cộng đồng luật sư Legal300 cung cấp các gói dịch vụ tư vấn pháp lý cơ bản miễn phí cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong năm 2016-2017, có khá nhiều hoạt động khởi nghiệp được lan tỏa trong cả nước. Anh nghĩ gì về những doanh nhân trẻ, doanh nghiệp trẻ đang phải đối diện với nhiều vấn đề pháp lý mới trong kinh doanh, kể cả trong nước lẫn quốc tế?
Đúng là các bạn start-up nói riêng và các doanh nhân trẻ đang đứng trước nhiều cơ hội rất lớn để thực hiện đam mê – ước mơ, hoài bão của mình, song cũng phải đối mặt với các vấn đề rủi ro pháp lý cả trong nước lẫn quốc tế; đặc biệt là rủi ro về tài sản trí tuệ (sáng chế - bí mật kinh doanh …), rủi ro về các điều kiện kêu gọi đầu tư, quyền kiểm soát công ty... Tôi nghĩ để hạn chế điều này, các doanh nhân nên tìm cho dự án hoặc công ty của mình một cố vấn am hiểu về pháp lý và quản trị doanh nghiệp.
Sau vài tháng khởi động hệ sinh thái We- Eco, anh có thể cho biết đâu là những vấn đề pháp lý được doanh nghiệp trẻ quan tâm nhiều nhất?
Chế tài áp dụng đối với pháp nhân gồm phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn
Các vấn đề pháp lý mà các start-up/doanh nghiệp trẻ quan tâm và gặp rắc rối nhiều nhất phải kể đến là: hồ sơ pháp lý - quản trị của doanh nghiệp/dự án thường rất sơ sài, dẫn đến rủi ro pháp lý, rủi ro mâu thuẫn tranh chấp nội bộ...
Bên cạnh đó, hầu hết các bạn làm start-up chưa có khái niệm rõ ràng và ý thức bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Một số mô hình của start-up do quá mới mẻ chưa được pháp luật qui định cụ thể (ví dụ như Fintech, Dating…) cũng rất dễ dẫn đến rủi ro pháp lý. Nhìn thấy các vấn đề này, dự kiến năm 2018, We-Eco sẽ thành lập nhiều ban chuyên môn như pháp lý - kế toán - tài chính - thuế - quản trị doanh nghiệp - truyền thông - quản trị HR - ISO… Tại mỗi ban chuyên môn, We-Eco sẽ mời các chuyên gia có kinh nghiệm thực tế để thực hiện các công tác hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp thành viên một cách kịp thời và hiệu quả.
Chúng tôi cũng dự kiến kết nối với nhiều cơ quan quản lý hành chính có liên quan đến doanh nghiệp để tổ chức các buổi tư vấn, phổ biến qui định, chính sách mới cho doanh nghiệp; mời các chuyên gia tham gia tổ chức các buổi workshop chuyên đề.
Ngoài ra We-Eco sẽ hỗ trợ cho các vườn ươm start-up trong nước và còn nhiều dự định nữa. Chúng tôi luôn cố gắng tối đa, hy vọng sẽ đủ sức và nhân sự để làm!