Có lẽ chính nhạc sĩ Phú Quang cũng không nghĩ rằng khi tắt đi “ngọn nến” sự sống nơi “cõi tạm” của bản thân, lên đường gặp lại bạn bè đi trước ở miền cực lạc, lại có nhiều người tiếc thương như vậy.
“Cây lớn đổ rồi còn đâu bóng cả” - một cây đại thụ trong nền âm nhạc của Việt Nam đã ra đi. Cây đổ bóng tan nhưng thanh âm thì còn vang mãi. Những người yêu nhạc của ông sẽ còn ngân nga mãi giai điệu bất hủ của “Em ơi Hà Nội phố”, “Chiều phủ Tây Hồ”...
Có những người khi mất đi, mọi người mới bàng hoàng nhận ra sự mất mát, thiếu vắng. Chứ khi họ vẫn còn sống thì mọi việc dù là hay đến đâu người ta vẫn chỉ coi đó là việc bình thường. Giống như “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”.
Với Phú Quang thì đất hóa tâm hồn ở đây chính là thủ đô Hà Nội, là Đông Đô, là Thăng Long… nơi “địa linh nhân kiệt”, nơi lưu hồn sông núi. Một đời viết nhạc, ông khắc khoải với Hà Nội, nhớ Hà Nội, yêu Hà Nội đến từng hơi thở trong câu hát, từng dấu lặng trong bản nhạc của ông.
Phú Quang xa Hà Nội mang hoài niệm đầy ắp chan chứa về Hà Nội như chính một đêm nhạc ông từng lấy ý và lời một câu thơ:
“Từ thửa mang gươm đi mở cõi.
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”.
Thân Nam mà hồn Bắc. Phú Quang viết về Hà Nội với nỗi niềm đau đáu mỏi mong và tình yêu tha thiết. Ông yêu và cảm được cả tiếng cựa mình khi chuyển mùa của Hà Nội.
Không mấy ai dù là người yêu nhạc của ông nhất có thể thuộc hết các bài hát của ông, vì đơn giản, ông có một sự nghiệp đồ sộ với gần sáu trăm tác phẩm. Nhưng ông viết về Hà Nội sâu lắng nhất, tình nhất. Ông viết cho ông, cho một số ít người ông muốn gửi gắm, nhưng nỗi lòng tâm sự ấy lại là tiếng lòng của số nhiều, rất nhiều người. Họ hát nhạc của ông cũng là để được giải thoát nỗi lòng mình.
Hà Nội trong nhạc của Phú Quang trầm lắng, yên bình và lặng lẽ, không có gươm đao giác mác, không có hào hùng quân reo. Hà Nội của Phú Quang đẹp theo chiều sâu. Sâu hun hút vào những “Đêm Hà Nội” hay lãng mạn mênh mông như “Chiều phủ Tây Hồ”. Hà Nội trong miền nhớ của Phú Quang không sôi động, sầm uất mà là góc yên bình “Lãng đãng chiều đông Hà Nội”, từ góc vắng ấy để thong thả đi vào “Im lặng đêm Hà Nội”.
Có những bài không nhắc đến tên như “Nỗi nhớ”, cũng không có tên mà người hát vẫn biết rằng đó là hát về Hà Nội. Nơi phương Nam nắng gió vẫn có nỗi nhớ mang tên “Nỗi nhớ mùa đông”.
Ca từ trong nhạc Phú Quang da diết mà dàn trải nhẹ nhàng, lời như lời của tự sự, của lời tâm tình, có cả chút gì đó đau xót, tiếc nuối nhưng không hề ủy mị. Phú Quang chỉ mở hé nỗi buồn để thấy niềm yêu chứ không than vãn, oán trách truyền đi thứ năng lượng không tích cực. Đó chỉ là là nỗi nhớ và niềm yêu, yêu đến độ “Tôi muốn mang Hồ Gươm đi”.
Thấp thoáng trong các bài hát, có bóng dáng người phụ nữ mà nhạc sĩ yêu thương, người nghệ sĩ khi yêu đến mức “Một dại khờ, một tôi”, để như ca từ trong bài “Khúc mùa thu” hát về người đàn bà giấu đêm và trong tóc mà nhạc sĩ phải thốt lên “khi thanh âm cũng bất lực như lời”. Vì cuộc đời có phải ai cũng chỉ cần “Điều giản dị” nên đành xót xa “em tìm gì khi thất vọng về tôi”.
Thật là tình cờ trước khi viết bài hát này, quán cà phê tôi thường hay tới có cậu em nhất định nhờ đệm đàn hát các bài hát của Phú Quang. Như lời tri ân, lời chia tay, lời tưởng nhớ đến ông. Cậu em hát tôi mới biết đến những bài của ông mà tôi chưa từng nghe như “Catinat café sáng”, “Quán thời gian”...
Bài hát thì khác, lời có khác, giai điệu có thể lạ nhưng cái “chất” của Phú Quang thì không lẫn vào đâu được. Không ồn ào mà yêu thương được ủ vào trong, tính tự sự trong lời ca vẫn đẫm màu Phú Quang. Có là “Bâng quơ” hay “Heo may” thì vẫn là đó Phú Quang, sâu lắng, lịch thiệp, chậm rãi như một “Khúc mưa”.
Trong những bài hát của Phú Quang mà tôi yêu thích, phần lớn các bài viết về đêm, về vẻ đẹp huyền bí lung linh của đêm, của khi cảm xúc được đối diện với cảm xúc nhìn sáng ra “Phía tối trong tâm hồn tôi”, có “Dạ Khúc”, có “Đêm Ả Đào”, “Thành phố đêm”… để tâm hồn được tự do mà “Mơ về nơi xa lắm”.
Cầu mong nhạc sĩ ra đi an nhiên, thanh thản cùng “Trong ánh mắt chớp số phận”, tài hoa một đời, nhớ và yêu một đời xin để lại cho đời. Chúc ông gặp được người như buổi chiều hoàng hôn để “nhuộm anh đến tím”. Để ông lại thổi hồn vào những bài thơ hay, chắp cánh bay cao cho những cảm xúc của con người.