Sau hơn nửa thế kỷ kinh doanh theo lối truyền thống, thương hiệu trà và cà phê Phúc Long đã có những bước chuyển mình cần thiết để phù hợp với xu hướng phát triển.
Nếu như cách đây vài năm, các cửa hàng của Phúc Long chỉ đơn thuần là nơi bán và giới thiệu sản phẩm thì gần đây, thương hiệu này dường như đã thay đổi cách tiếp cận khách hàng và quảng bá thương hiệu bằng chuỗi cửa hàng cà phê Phúc Long với thiết kế nhận diện thương hiệu mới.
Xu hướng Co-working Space
Đặc biệt hồi đầu năm 2021, Phúc Long đã bắt đầu triển khai các mô hình mới. Họ tung ra chiến lược mở các kiosk đặt bên trong siêu thị VinMart để khách hàng có thể vừa mua sắm và có thể mua đồ uống mang về. Đây là một phần trong chiến lược hợp tác giữa Phúc Long và Masan Group, cũng là lần đầu tiên Phúc Long bắt tay với một thương hiệu bên ngoài để mở điểm bán mới.
Thời điểm này, Phúc Long vừa thông báo sẽ ra mắt mô hình Phúc Long E-Office, một mô hình kết hợp giữa việc chia sẻ không gian làm việc với dịch vụ trà và cà phê. Điều này cho thấy họ đang có bước chuyển mình khi bắt đầu lấn sân sang mảng chia sẻ văn phòng làm việc chung (Co-working Space).
Mô hình Co-working Space xuất hiện lần đầu tiên tại Đức vào những năm 90. Sau đó lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á. Trong những năm gần đây, mô hình Co-working Space đã có một sự bùng nổ tại Việt Nam.
Có thể nói, mô hình Co-working Space đã và đang trở thành một xu hướng mới bởi tính cộng đồng cao, tiện lợi và linh hoạt, phá vỡ sự tách biệt vật lý của mô hình văn phòng truyền thống.
Khách thuê vẫn có thể thuê phòng riêng nếu muốn, hoặc chọn lựa chia sẻ toàn bộ các cơ sở vật chất như khu làm việc chung, pantry chung, Wi-Fi, thiết bị văn phòng… đó được xem là điểm thu hút của loại mô hình này so với kiểu thuê văn phòng truyền thống.
Với mô hình chia sẻ văn phòng này, khách hàng ngoài việc được chia sẻ về kinh phí thuê văn phòng làm việc chung, họ còn có thể tận dụng các lợi ích khác nhau có sẵn tại không gian làm việc. Đây đang được coi là xu hướng của cả thế giới và Việt Nam.
Phúc Long mở các cửa hàng đầu tiên từ năm 1980 tại TP HCM bày bán các sản phẩm trà và cà phê thuần Việt. Mãi cho đến năm 2012, Phúc Long mới chính thức mở cửa hàng đồ uống đầu tiên, gia nhập ngành F&B.
Theo các chuyên gia phân tích, mô hình Co-working đang có sự phát triển vượt bậc tại châu Á, hơn bất kì nơi đâu trên thế giới. Riêng tại Đông Nam Á, mô hình không gian làm việc linh hoạt sẽ chiếm khoảng 15% toàn bộ nguồn cung văn phòng cho đến năm 2030.
Chiến lược mở rộng thị trường
Thời điểm này, có vẻ như Phúc Long đang nhìn thấy tiềm năng thực sự từ mô hình Co-working Space và E- Office, họ sẽ tung ra các gói combo theo ngày, tuần, tháng nhằm đáp ứng những nhu cầu khác nhau của khách hàng. Trong khi đồ uống được coi là thế mạnh của thương hiệu này nếu đem so với các Co-working space khác.
Theo đó, với gói ngày, khách sẽ được dùng 1 ly trà hoặc cà phê; 1 nước suối và 1 phần bánh với giá 150.000 đồng/ngày. Gói tuần có giá 560.000 đồng/7 ngày và gói tháng: 2 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, không gian này được thiết kế tách biệt khu vực phục vụ chung, yên tĩnh, chỉ phục vụ với số lượng khách giới hạn mỗi ngày để bảo đảm môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Đây có thể được coi là một hướng đi khá thú vị và mới mẻ của Phúc Long trong thời điểm có sự bùng nổ của giới startup công nghệ Việt. Tuy nhiên, việc triển khai thêm các hoạt động kinh doanh không phải sở trường có thể sẽ khiến Phúc Long gặp không ít những khó khăn và thách thức.
Thương hiệu Phúc Long được biết đến khi xuất hiện lần đầu tiên tại Bảo Lộc, Lâm Đồng từ những năm 1957. Kể từ năm 2018, sau khi phát triển mạnh mẽ tại TP HCM, chuỗi đồ uống Phúc Long mở rộng ra nhiều tỉnh thành, trong đó có miền Bắc tiến ra Hà Nội. Đến hết năm 2020, Phúc Long đã sở hữu 80 cửa hàng trên cả nước, ngoài ra họ còn đưa sản phẩm của mình đến hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hay kênh thương mại điện tử, cũng như xuất khẩu sang nhiều quốc gia.
Mặc dù, Phúc Long hiện là chuỗi cà phê có doanh thu thuộc top đầu tại thị trường Việt Nam, chỉ đứng sau Highlands Coffee và đứng trên cả The Coffee House và Starbucks. Nhưng cũng giống như các chuỗi thương hiệu khác trên thị trường F&B, Phúc Long tập trung nhiều vào chiến lược mở rộng thị trường và tăng trưởng doanh thu, khiến lợi nhuận của họ trong vài năm trở lại đây cũng không có nhiều khả quan.
Có thể nói, mô hình mới này của Phúc Long vẫn còn là dấu chấm hỏi với rất nhiều người về tính hiệu quả của nó. Tuy nhiên, hãy cứ chờ xem.
Có thể bạn quan tâm
Trước tin đồn M&A với đại gia bán lẻ, Phúc Long đang kinh doanh ra sao?
11:00, 30/01/2021
Vì sao bạn có thể mua Highlands, Phúc Long trên GrabFood hay Now nhưng chẳng thể order nổi một cốc The Coffee House trên các ứng dụng này?
15:09, 19/09/2019
“Kẹt chân trong cửa” – Kỹ xảo nổi tiếng trong nghệ thuật thuyết phục lòng người
06:12, 12/08/2019
Hành động giúp các sếp thu phục lòng người, nhất là nhân viên
07:35, 25/01/2019