Bộ Công thương vừa gửi Bộ Tư pháp hồ sơ thẩm định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện với nhiều đề xuất mới. Trong đó đưa ra 3 phương án cho giá điện trạm sạc.
Bộ Công thương vừa gửi Bộ Tư pháp hồ sơ thẩm định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện với nhiều đề xuất mới.
Trong đó đưa ra 3 phương án cho giá điện trạm sạc. Cụ thể, giá điện cho khách hàng sạc xe điện ở phương án một là áp dụng theo giá kinh doanh (theo ý kiến của EVN).
"Phương án này có thể tác động (không tích cực) tới chính sách phát triển xe điện do làm tăng chi phí sạc điện, đồng thời chưa phản ánh đúng chi phí của khách hàng trạm, trụ sạc xe điện gây ra cho hệ thống điện, tiếp tục tạo ra bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng", Bộ Công thương đánh giá.
Phương án hai, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho trạm, trụ sạc xe điện được xây dựng trên cơ sở giá điện phản ánh chi phí sản xuất điện mà trạm/trụ điện gây ra cho hệ thống điện.
Phương án ba, áp dụng theo biểu giá điện cho sản xuất. Bộ Công thương đánh giá, nếu áp dụng giá điện cho trạm sạc theo giá sản xuất sẽ làm cho khách hàng trạm, trụ sạc xe điện phải trả ít hơn chi phí thực tế gây ra cho hệ thống điện bình quân khoảng từ 552-699 đồng/kWh tùy cấp điện áp.
Nếu áp dụng giá điện cho trạm sạc theo giá kinh doanh sẽ làm cho khách hàng trạm, trụ sạc xe điện phải trả nhiều hơn chi phí thực tế gây ra cho hệ thống điện bình quân khoảng từ 467-587 đồng/kWh tùy cấp điện áp.
"Như vậy, Phương án 1 và 3 sẽ tiếp tục làm phát sinh bù chéo giữa các nhóm khách hàng sử dụng điện, khi triển khai áp dụng có thể sẽ không phù hợp với chủ trương được quy định tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là 'không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng' và lộ trình giảm bù chéo giá điện quy định tại Luật Điện lực 2024", Bộ Công thương nêu vấn đề và đề xuất phương án 2.
Trước đó, góp ý cho dự thảo quyết định này, Tập đoàn điện lực VN và Tổng công ty điện lực Hà Nội cũng đề xuất nên tính giá điện tại trạm sạc xe điện bằng giá điện kinh doanh.
Trong khi đó, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đề nghị xem xét quy định tỷ lệ giá bán lẻ điện cho trạm/trụ sạc xe điện bằng với tỷ lệ giá bán lẻ điện cho các hộ kinh doanh khác.
Còn về phía Bộ GTVT lại đề xuất áp dụng giá bán lẻ điện cho trạm sạc xe điện tương tự giá bán lẻ điện cho ngành sản xuất nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải...
Trong khi đó, dẫn kinh nghiệm quốc tế, một chuyên gia thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho hay, tại Trung Quốc - cường quốc xe điện, giá sạc điện tại trạm công cộng được tính theo giá điện công nghiệp (thấp hơn giá điện kinh doanh) cộng phí dịch vụ với mức trung bình đạt khoảng 0,23 USD/kWh, tương đương 5.580 đồng/kWh.
Còn tại Mỹ, để khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang xe điện, biểu giá điện cho trạm sạc được tính toán phải thấp hơn chi phí 1 tháng mà tài xế trả cho xe xăng. Giá điện trung bình đạt khoảng 0,13 USD/kWh, tương đương 3.217 đồng/kWh. Như vậy, giá điện cho trạm sạc đang thấp hơn nhiều giá điện bán lẻ sinh hoạt tại Mỹ.
Tại Thái Lan - nước tương đồng với Việt Nam, giá bán lẻ điện cho các trạm sạc xe điện được Cơ quan Điều tiết Thái Lan (ERC) quyết định và áp dụng theo biểu giá cho mục đích dịch vụ.
Tuy nhiên, hiện cơ quan này triển khai cơ chế giá điện ưu đãi cho trạm sạc, với mức giá 2,9162 Baht/kWh (hơn 2.000 đồng/kWh). Một số địa phương còn đưa ra mức thấp hơn, chỉ 2,162 Baht/kWh (hơn 1.500 đồng/kWh).
Từ những kinh nghiệm trên, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng, để đưa ra cơ chế hỗ trợ về giá điện cho trạm sạc xe điện thì đầu tiên phải nghiên cứu về mô hình tài chính của trạm sạc xe điện (các kịch bản về chi phí và lợi ích, số tiền chi cho việc sạc điện tính trên mỗi km đi được...) để có sự so sánh giữa chi phí xe điện với xe xăng. Từ đó, đưa ra mức cần hỗ trợ để thúc đẩy chuyển đổi sang phương tiện "xanh".
"Việc trợ giá sẽ do Chính phủ quyết định và cần làm rõ mục tiêu đạt được khi áp dụng cơ chế trợ giá để có hướng huy động nguồn lực phù hợp. Chẳng hạn như, việc chuyển đổi từ xe dùng xăng dầu sang xe điện nhằm mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính thì tiền trợ giá cần lấy từ nguồn quỹ bảo vệ môi trường cũng như trích lập từ các khoản thuế, phí carbon trong tương lai", ông Sơn nói.