Việc Pi có thể niêm yết thành công và đạt mức giá cao đang gây nhiều tranh cãi. Người tham gia cần cẩn trọng, không nên đặt kỳ vọng quá cao về khả năng trở thành tỷ phú từ đồng Pi.
Khó tạo “tỷ phú Pi”
Từ khi ra mắt vào năm 2019, Pi Network đã trở thành hiện tượng thu hút hàng triệu người tham gia nhờ lời hứa về việc khai thác tiền mã hóa trên điện thoại di động mà không tốn tài nguyên phần cứng. Tuy nhiên đến nay, câu hỏi lớn đặt ra cho người dùng là Pi Network sẽ niêm yết như thế nào và liệu đây có phải là cơ hội để người tham gia trở thành tỷ phú?
Mới đây, đội ngũ Pi Network đã đưa ra thông báo về quá trình Open Network (mở mạng) đối với đồng tiền ảo Pi. Thông báo này ngay lập tức nhận về hàng loạt phản ứng trái chiều từ cộng đồng tiền điện tử nói chung và những người tham gia Pi Network nói riêng.
Sau khi thông báo được đưa ra, một số sàn giao dịch tiền điện tử lớn trên thế giới như OKX và Bitget cũng đồng loạt công bố mở cổng để người dùng có thể nạp đồng Pi lên nền tảng và chuẩn bị cho việc mua bán sắp tới.
Dự kiến, đồng Pi sẽ được niêm yết chính thức trên các sàn giao dịch vào 15h ngày 20/2 (giờ Việt Nam). Tổng cung của Pi Network lên đến 100 tỷ đơn vị. Hiện tại, đồng Pi vẫn chưa có mức giá giao dịch chính thức.
Đánh giá về giá trị của Pi Network khi niêm yết, một số nhà phân tích đã chỉ ra các vấn đề cần lưu ý như: Về số lượng người dùng, Pi Network công bố có khoảng 60 triệu người dùng toàn cầu, trong đó Việt Nam là một trong những thị trường lớn. Đây là lợi thế về cộng đồng mạnh mẽ, nhưng cũng là thách thức vì cung lớn có thể dẫn đến áp lực bán ngay khi niêm yết.
Về cơ chế khan hiếm, không giống như Bitcoin với nguồn cung cố định 21 triệu đồng, lượng Pi khai thác được vẫn tiếp tục tăng lên hằng ngày. Điều này khiến giá trị của Pi dễ bị pha loãng nếu không có chiến lược kiểm soát cung.
Về tính ứng dụng thực tiễn, giá trị của Pi phụ thuộc lớn vào hệ sinh thái ứng dụng mà đội ngũ phát triển xây dựng. Đến nay, vẫn chưa có nhiều sản phẩm hoặc dịch vụ thực sự hoạt động trên nền tảng của Pi.
Đã có những dự báo lạc quan rằng Pi có thể khởi điểm ở mức 0,1 - 1 USD nếu được niêm yết chính thức. Tuy nhiên, mức giá này khó tạo ra hiện tượng “tỷ phú Pi” ngay lập tức, đặc biệt khi người tham gia đang nắm giữ hàng nghìn đến hàng chục nghìn đồng Pi trong tài khoản.
Chuyên gia từ Crypto Insight - Haotian nhận định: “Thanh khoản trên thị trường đang dần cạn kiệt, trong khi các dự án đầu tư vào công nghệ và phát triển hệ sinh thái không còn nhận được nhiều sự quan tâm. Thay vào đó, dòng tiền đang đổ vào những memecoin với tính ứng dụng thấp, không mang lại giá trị thực tế cho việc mở rộng và phổ cập blockchain.
Những khẩu hiệu như “1 Pi bằng 1 Bitcoin” đang tạo ra hiểu lầm nghiêm trọng về giá trị thực của đồng Pi. Việc các sàn giao dịch lớn chuẩn bị niêm yết Pi tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt với những người khai thác Pi thiếu kinh nghiệm trong giao dịch tiền mã hóa, rất dễ dẫn đến thua lỗ”.
Rủi ro tiềm ẩn
Trước đó, TS. Đặng Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ Blockchain, Trưởng Lab Blockchain thuộc Học viện Bưu chính Viễn thông cũng đưa ra một góc nhìn khách quan và khoa học về hiện tượng Pi.
Ông đặt vấn đề dưới nguyên tắc minh bạch - yếu tố cốt lõi để đánh giá bất kỳ dự án tiền mã hóa nào, qua đó có thể thấy Pi Network không công khai mã nguồn, khiến cộng đồng không thể kiểm chứng cách thức vận hành và cơ chế phân phối đồng Pi.
Điều này dấy lên nghi ngờ về việc liệu đội ngũ sáng lập có tự ý phân bổ số lượng lớn đồng Pi cho chính họ hay không. Đây là điểm khác biệt lớn so với các dự án Blockchain có uy tín như Bitcoin, Ethereum vốn minh bạch ngay từ khâu mã nguồn và lịch sử giao dịch.
TS. Đặng Minh Tuấn cũng khẳng định giá trị của tiền mã hóa không đến từ tài sản vật chất, mà được bản vị hóa dựa trên niềm tin. Đối với các loại tiền pháp định (fiat) như USD hay VND, giá trị của chúng được bảo chứng bởi chính phủ và dự trữ quốc gia. Ngược lại, tiền mã hóa không có sự bảo chứng này mà hoàn toàn dựa trên niềm tin của cộng đồng và sự minh bạch của hệ thống.
Khi dự án thiếu minh bạch, niềm tin sẽ bị xói mòn, thì giá trị của đồng tiền trở nên bấp bênh. Lịch sử tiền mã hóa đã ghi nhận nhiều dự án gây chú ý nhờ cộng đồng đông đảo nhưng sụp đổ vì thiếu minh bạch. Những dự án như OneCoin hay BitConnect từng được quảng bá rầm rộ, thu hút hàng triệu người tham gia, nhưng cuối cùng lộ diện là mô hình lừa đảo vì không có mã nguồn rõ ràng hoặc kiểm toán độc lập.
Có thể thấy, dù đang tạo sóng những ngày qua trước thông tin niêm yết chính thức trên các sàn giao dịch tiền điện tử, Pi Network vẫn được xem là một dự án tồn tại không ít rủi ro mà người dùng cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Tại Việt Nam, tiền mã hóa chưa được công nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp. Các giao dịch liên quan đến tiền mã hóa cũng đối mặt với rủi ro pháp lý cao, nhất là khi Pi Network chưa có cơ chế giám sát từ các cơ quan chức năng.
Không ít trường hợp các nhóm khai thác Pi biến tướng thành mô hình đa cấp, mời gọi người mới tham gia để hưởng lợi từ hệ thống giới thiệu, làm gia tăng nguy cơ lừa đảo và mất mát tài chính.
Vào tháng 6/2023, Bộ Công an cho biết đã phối hợp với công an các địa phương để điều tra hoạt động liên quan đến tiền ảo Pi. Theo đại diện Bộ, các hoạt động liên quan đến Pi tại Việt Nam có dấu hiệu lôi kéo, lấy tiền của người trước trả cho người sau trong mô hình kinh doanh dạng nhị phân, đa cấp. Do đó, người dân cần thận trọng trước hành vi lôi kéo tham gia mô hình tiền ảo có lợi nhuận cao bất thường.
Đến nay, tất cả giá trị của Pi chỉ là suy đoán. Không có cơ sở rõ ràng để định giá đồng Pi khi chưa có giao dịch chính thức hoặc ứng dụng thực tiễn rõ nét. Việc đầu tư vào một tài sản chưa có giá trị giao dịch công khai là rủi ro lớn.
Trong bối cảnh hiện tại, xác suất để Pi đạt giá trị cao ngay khi niêm yết là khá thấp. Thậm chí, nếu niêm yết ở mức 1 USD, người nắm giữ 1.000 Pi chỉ sở hữu 1.000 USD, một con số đáng kể nhưng chưa thể giúp họ đổi đời.
Ngoài ra, áp lực bán tháo từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ sau khi niêm yết có thể kéo giá Pi xuống thấp nhanh chóng, giống như nhiều đồng tiền mã hóa khác từng trải qua giai đoạn “pump and dump” (bơm giá rồi xả hàng).
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Sĩ Hoàng, chuyên gia Blockchain cho rằng người tham gia Pi Network nên cân nhắc những yếu tố sau để giảm thiểu rủi ro: Không đầu tư tài sản lớn hoặc phụ thuộc vào Pi như kênh làm giàu chính; Theo dõi sát sao các thông tin chính thức từ đội ngũ phát triển Pi Network; Tránh các nhóm mời gọi đầu tư, nạp tiền hoặc mua bán Pi không chính thống; Đánh giá rủi ro pháp lý trước khi thực hiện giao dịch.
“Pi Network là một hiện tượng “thú vị” trong thế giới tiền mã hóa, nhưng cũng đầy rẫy rủi ro và thách thức. Việc Pi có thể niêm yết thành công và đạt được mức giá cao vẫn là dấu hỏi lớn. Người tham gia cần có cái nhìn thực tế, cẩn trọng và không nên đặt kỳ vọng quá cao về khả năng trở thành tỷ phú từ đồng Pi.
Thay vì chờ đợi sự “đổi đời” từ Pi, hãy coi đây là một cơ hội tìm hiểu về công nghệ Blockchain và thị trường tiền mã hóa - nơi kiến thức luôn là tài sản lớn nhất”, ông Hoàng chia sẻ.