Pin mặt trời Việt Nam và thách thức theo đuổi thị trường Mỹ

Thảo Hương 25/09/2019 17:12

Mới đây, công ty Cổ phần năng lượng IREX (IREX) - Một thành viên của tập đoàn Năng lượng Mặt trời Bách Khoa (SolarBK) tiếp tục tham dự sự kiện SPI (Solar Power International) lần thứ 3 liên tiếp.

Thách thức tiến công thị trường Mỹ

Từ đầu năm 2017 đến nay, chính phủ Mỹ với quyết định áp dụng 30% thuế cho các sản phẩm pin mặt trời (PV) nhập khẩu của tổng thống Donald Trump đã gây ra nhiều khó khăn cho IREX trong việc chinh phục thị trường này. Quyết định này nhằm bảo hộ thị trường lao động tại Mỹ nhưng đồng thời khiến mức giá sản phẩm trở nên đắt đỏ hơn, gây áp lực đối với thị trường điện mặt trời tại đây.

Đến 2019, thuế nhập khẩu sản phẩm PV của chính quyền tổng thống Trump sẽ giảm 5% mỗi năm cho đến năm 2021 sẽ giảm còn 15%. Trong khi đó, chỉ tính trong 3 tháng đầu năm 2019, thị trường này đã lắp đặt trên 2.7 GW pin mặt trời. Tổ chức Wood Mackenzie Power & Renewables dự đoán thị trường điện mặt trời tại Mỹ sẽ tăng 25% trong năm 2019 hơn so với năm 2018. (Nguồn Wod Mackenzie & SEIA – Solar Energy Industries Association). Trước những thông tin trên, IREX cho rằng việc tham gia sự kiện SPI lần này được xem là cơ hội đầu tư để doanh nghiệp tiếp tục hiện diện và phát triển mạnh tại thị trường trong thời gian tới.

SPI (Solar Power International) là triển lãm năng lượng mặt trời có quy mô lớn nhất tại Bắc Mỹ, diễn ra tại Trung tâm Salt Palace Convention, thành phố Salt Lake, Bang Utah, Mỹ. Triển lãm kéo dài từ ngày 23-26 tháng 9 năm 2019, với sự tham gia của hơn 700 doanh nghiệp ngành năng lượng trên khắp Thế giới. Sự kiện được xem là cơ hội để công ty IREX tiếp cận các đối tác lớn tại khu vực Bắc Mỹ, trong đó có cả Canada và Mexico, cũng là những quốc gia phát triển mạnh về điện mặt trời. Đây cũng là lần thứ 3 liên tiếp công ty IREX tham dự sự kiện này và là sự kiện Quốc tế thứ 4 có sự hiện diện của thương hiệu Việt trong năm 2019.
Dòng sản phẩm Bifacial - Chiến lược của IREX tại thị trường Mỹ:

Thay vì lựa chọn đối đầu trực tiếp với các nhà sản xuất nội địa bằng sự cạnh tranh về giá, IREX lựa chọn chiến lược tập trung vào thị trường ngách: tập trung phát triển dòng sản phẩm Bifacial và những tấm pin loại nhỏ của IREX tại Mỹ.

Khác với tấm pin mặt trời thông thường, pin mặt trời Bifacial có khả năng tạo ra dòng điện một chiều DC từ cả hai mặt của tấm pin, khi ánh sáng chiếu qua tấm pin một phần được hấp thụ từ mặt trước, phần khác đi xuyên qua và được hấp thụ ngược lại từ mặt sau. Do đó, trong một số trường hợp với điều kiện thuận lợi, bifacial có thể tăng sản lượng điện tạo ra lên 30% so với những tấm pin thông thường. Điều này khiến dòng sản phẩm trên đang trở thành xu hướng lắp đặt mới tại thị trường Mỹ. Đặc biệt, Chính phủ Mỹ đã gỡ bỏ thuế nhập khẩu sản phẩm PV 25% ra khỏi sản phẩm bifacial, tạo điều kiện để thương hiệu Việt chen chân vào thị trường điện mặt trời Hoa Kỳ.

Bên cạnh việc tập trung sản xuất các tấm pin tiêu chuẩn phục vụ thị trường nội địa, IREX hướng việc xuất khẩu dòng sản phẩm Bifacial và các tấm pin loại nhỏ tại Mỹ để nâng cao lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp Tier 1 tại đây.. Đại diện phía IREX cho biết, IREX kỳ vọng doanh thu 2019 tại thị trường Mỹ sẽ tăng trưởng từ 3 đến 4 lần so với 2018. Dự kiến sau khi hoàn thiện giai đoạn 2 của nhà máy IREX và Chính phủ Mỹ dần gỡ bỏ thuế nhập khẩu, doanh thu của IREX tại thị trường này sẽ tiếp tục tăng trưởng gấp 10 lần vào năm 2021 (so với 2017).

“Quốc tế hóa” sản phẩm Việt

2019 tiếp tục là năm công ty IREX thực hiện mạnh mẽ kế hoạch “Quốc tế hóa” với mục tiêu trở thành công ty Việt Nam đầu tiên đạt được Tier 1. Từ đầu năm 2019 đến nay, IREX tích cực tham gia các sự kiện Triển lãm Quốc tế tại thị trường Đông Nam Á, Châu Âu, Trung Quốc và lần này là Hoa Kỳ. Bên cạnh việc phát triển chi nhánh, văn phòng làm việc tại các khu vực chính như Dominican, UK, USA, Myanmar, Trung Quốc, v.v…IREX đã để lại dấu ấn trên thị trường New Zealand đầy tiềm năng. Tính đến hiện tại, công ty IREX đã đạt được ⅔ hành trình trong mục tiêu trở thành công ty Tier 1 đầu tiên tại Việt Nam.

Đại diện phía IREX cho biết, việc hướng ra thị trường xuất khẩu là bước chuẩn bị dài hạn để phục vụ tốt hơn cho thị trường nội địa. Chiến lược hội nhập của IREX trong những năm qua giúp công ty nhanh chóng cập nhật những công nghệ, xu hướng mới nhất từ thị trường, chủ động quản lý về chất lượng, giá thành phù hợp hơn với đặc thù điều kiện tại Việt Nam.

Lấy ví dụ, Tập đoàn Năng Lượng Mặt Trời Bách Khoa, công ty mẹ của IREX cũng là đơn vị đầu tiên đưa ra giải pháp điện mặt trời BigK có bảo hiểm sản lượng điện từ bên thứ 3, sau quá trình học hỏi và tự phát triển, từ đó cung cấp thêm giá trị lợi ích cho khách hàng. Bản thân tấm pin mặt trời IREX cũng đã hợp tác với một đơn vị bảo hiểm Quốc tế để đảm bảo quyền lợi cho phía đối tác và khách hàng trong và ngoài nước. Chính vì vậy, khi người tiêu dùng Việt sử dụng giải pháp BigK của SolarBK (sử dụng các tấm pin mặt trời IREX) sẽ an tâm hơn trong bối cảnh thị trường Việt Nam còn phát triển một cách “manh mún” và chưa hình thành được tiêu chuẩn ngành.

Tại thị trường Việt Nam, theo kết quả ghi nhận từ SolarGATES, nhiều đối tác phân phối quyết định hợp tác với phía công ty vì thấy được sự đầu tư bài bản, nghiêm túc mang tính bền vững, thông qua việc mở rộng quy mô nhà máy sản xuất IREX của SolarBK tại thị trường này. Sự tin tưởng trên giúp IREX càng có thêm nỗ lực và quyết tâm trong việc nghiên cứu, sản xuất những sản phẩm pin mặt trời ngày càng tối ưu hơn cho khách hàng trong và ngoài nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Pin mặt trời Việt Nam và thách thức theo đuổi thị trường Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO