Trong khi nhiều doanh nghiệp ngành thép thăng hoa, Công ty CP Thép Pomina (HoSE:POM) vẫn còn ngụp lặn trong các khoản lỗ của năm trước.
>>> Cổ phiếu ngành thép trên đà đến đỉnh lịch sử
Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim… đang nối dài danh sách những doanh nghiệp đi ngược dòng đại dịch, tăng trưởng mạnh trong quý III/2021.
Với vai trò nhà sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á, lũy kế 9 tháng 2021, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đạt sản lượng thép thô 6,1 triệu tấn, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 6,3 triệu tấn, tăng 43%. Công ty ghi nhận doanh thu ở mức 105.800 tỉ đồng, tăng 60% so với kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt mức 27.100 tỉ đồng, tăng 200% và vượt 45% kế hoạch năm.
Trong khi đó, Hoa Sen Group (HSG) có niên độ tài chính từ tháng 10/2020, ghi nhận lũy kế 11 tháng tính đến tháng 8 vừa qua, có sản lượng tiêu thụ là 2,05 triệu tấn, vượt 14% kế hoạch toàn niên độ và tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu ước tính 42.551 tỷ đồng, lãi sau thuế xấp xỉ 4.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 74% và 279% so cùng kỳ năm ngoái và đều vượt xa kế hoạch.
[Đầu tư công đốt nóng cổ phiếu thép trong bao lâu?]
3,5 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế quý 3 của Pomina, giảm tới 78% so với cùng kỳ năm ngoái.
Triển vọng ngành thép vẫn đã và đang tiếp tục được đánh giá rất cao khi do yếu tố dịch bệnh, giá hàng hóa nguyên liệu đã có giai đoạn “leo thang”, trong đó có giá thép. Bên cạnh đó, sự phục hồi của một số thị trường đã khiến nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng tăng mạnh. Nếu Trung Quốc thực thi kế hoạch cắt giảm lượng thép ở 1 số địa phương thì theo VDSC, đây sẽ cơ hội lớn của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Trong lò thép nóng rực của thị trường, Pomina cũng ghi nhận tăng trưởng doanh thu tới 39%, đạt 3.104 tỷ đồng trong quý 3, trong đó xuất khẩu thép chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 1.941 tỷ đồng, gấp 4,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Nguồn thu tôn nội địa cũng bổ sung tổng thu thêm gần 386 tỷ đồng. Tuy nhiên, giãn cách xã hội và nhiều dự án đình trệ trong nước, đặc biệt ở phía Nam nơi Pomina hoạt động, đã khiến doanh thu thép tiêu thụ nội địa sụt giảm từ 1.709 tỷ đồng còn 766 tỷ đồng. Giá vốn cũng tăng mạnh hơn nên lãi gộp còn 119,7 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, biên lãi gộp giảm từ 6% xuống gần 4%. Công ty cũng có lỗ khác gần 2 tỷ đồng.
Mất phần thu bồi thường bảo hiểm, Pomina cũng như một số doanh nghiệp bổ sung lợi nhuận bằng “buôn tiền”. Doanh thu tài chính Pomina ghi nhận trong quý 3 gấp 3,5 lần lên 17 tỷ đồng nhờ phát sinh hơn 9 tỷ đồng lợi nhuận từ công ty con chuyển về và lãi chênh lệch tỷ giá cũng tăng hơn 3 lần, đạt 7 tỷ đồng. Dù các chi phí cũng đều được tiết giảm trong kỳ, song kết quả vẫn tuột xuống mức thấp nhất trong 1 năm, với lợi nhuận sau thuế giảm 78% về 3,5 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng 2021, Pomina thực hiện gần 80% kế hoạch năm về doanh thu. Lãi sau thuế đạt 206 tỷ đồng, cải thiện so với khoản lỗ 128 tỷ đồng của cùng kỳ và hoàn thành 34% mục tiêu về lợi nhuận.
Đáng chú ý, POM đã tăng cả nợ vay cả ngắn lẫn dài hạn với tổng nợ vay hơn 7.311 tỷ đồng, gần gấp đôi vốn chủ sở hữu. Trước đó, trong kỳ báo cáo soát xét cuối tháng 6/2021, đơn vị kiểm toán BCTC nhấn mạnh về khoản nợ phải trả ngắn hạn của công ty đã vượt quá tài sản ngắn hạn số tiền hơn 350 tỷ đồng. Điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Pomina.
Có thể bạn quan tâm