Mấy hôm nay cứ ra cửa nhà là nghe mọi người xôn xao chuyện trong huyện Yên Thành (Nghệ An) có bao nhiêu người mất ở nước Anh. Ở Nghệ An nhiều năm gần đây, người người đi xuất khẩu lao động rất nhiều. Từ Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đức, Anh... Đâu đâu cũng có hội đồng hương Nghệ An, nhiều nơi còn có cả đồng hương huyện, xã nữa.

Theo mình biết thì ở Đài Loan có thể nói là nhiều nhất, vì dễ đi nhất, đi Đài Loan bây giờ như đi Sài Gòn ngày xưa vậy. Ai chịu khó học tiếng được thì đi Nhật Bản, Hàn Quốc, còn ai liều hơn thì đi theo các đường dây vượt biên qua châu Âu. Khó khăn nhất và kiếm được nhiều tiền nhất vẫn là đi Anh.

Mình thấy các tỉnh càng nghèo, dân càng đông mà không có cơ sở kinh tế nhiều thì người dân mới phải xa xứ để mưu sinh. Không nước ngoài thì cũng Hà Nội, Sài Gòn, Phú Quốc, Bình Dương... vì trong tỉnh không có việc để làm, có việc thì lương quá thấp. Không thấy người Bình Dương hay Vũng Tàu ra đi, vì đều là tỉnh công nghiệp. Nếu như Nghệ An, Hà Tĩnh có mấy trăm khu công nghiệp như Bình Dương hay Đồng Nai thì chẳng ai phải rời bỏ quê hương mà đi cả. Ở lại bán cháo lươn cho hàng vạn công nhân mỗi ngày cũng đã giàu sụ. Trí thức, người giỏi xứ Nghệ, giỏi giang xong cũng lên Hà Nội làm nhiều. Nghệ An họ chỉ gọi là quê cũ. Cứ vậy thì quê sao phát triển đây.

Nghe nói trong câu chuyện 39, nạn nhân chủ yếu là người Yên Thành, thì mình chỉ biết thở dài. Tối qua mình có trình bày và nhà đầu tư của mình cũng đã đồng ý cắt giảm lợi nhuận để tăng lương. Mình thấy, các doanh nghiệp ở tỉnh cứ sai lầm là trả lương theo mặt bằng giá, thấy giá rẻ hơn Sài Gòn Hà Nội thì giảm tương ứng. Mình thấy vậy sẽ không thể thu hút người có năng lực. Ở quê nhà thiếu vài tiện nghi của thị thành, ví dụ như quán bar hay vũ trường, thì phải bù vô thu nhập để họ có thể dùng tiền đó để bay đến chốn kia mà hưởng thụ vài thú vui cuộc đời.

Mình và Long Liên đang cố gắng nỗ lực mỗi ngày để làm sao tạo ra thật nhiều công ăn việc làm, trả lương làm sao cao hơn Hà Nội, Sài Gòn để bớt 1 người bỏ quê ra đi. Ai cũng nói quê nhà cực và khắc nghiệt, khí hậu này nọ... là do họ nghĩ thụ động thế thôi. Ở đâu chẳng cực và khắc nghiệt, chẳng qua là cha ông họ đã lao động cật lực thời xưa mà tạo ra sự phồn vinh, rồi giờ mình thấy hào nhoáng mà ham tới hưởng ké. Mình tự tạo cho quê mình phồn vinh cho mình và con cháu mình, chứ Dubai ngày xưa sa mạc cát nóng toàn trên bốn mấy độ, mà giờ thì có đô thị nào bằng.

Nếu ai hỏi mình về câu chuyện buồn về con số 39, mình chỉ biết trả lời bằng hành động. Nhất định công ty mình phải lớn và giải quyết lao động cho trăm cho ngàn người quê hương Yên Thành. Để góp phần không xảy ra những thảm kịch đau lòng về việc bỏ quê hương đi mưu sinh. Người Hàn Quốc từng đi mưu sinh khắp nơi, đi làm ô sin và thợ xây dựng khắp nơi trong thập niên 60-70, nhưng giờ họ phải nhập khẩu lao động vì việc làm nhiều quá. Ai ai cũng mở xưởng sản xuất, công ty lớn mở cả mấy chục nhà máy, tỉnh nào huyện nào cũng có nhà máy lớn. Và từ đó, những bi kịch tương tự với người Hàn không còn.

Mình hứa với lòng sắt son như thế. Người Việt ơi, về quê mở nhà máy xí nghiệp đi! Mình tay trắng làm được thì các bạn nhất định sẽ làm được. Chỉ có cách này, mới thay đổi thân phận người Việt mình.