Con đường ở trọ nổi tiếng tại Bình Tân (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Khu nhà trọ cao tầng nổi tiếng tại Bình Tân (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ai từng đến quận Bình Tân - TPHCM sẽ hoa mắt chóng mặt bởi không khí sinh hoạt náo nhiệt hiếm nơi nào trên đất nước này sánh bằng. Sự ồn ào náo nhiệt ở đây không chỉ phản ánh về mật độ tập trung dân cư!

Khu công nghiệp Tân Tạo (Bình Tân) là thủ phủ của một trong những công ty chế tác da lớn nhất thế giới, đó là Pouyen, công ty này hoạt động 3 ca/24h, không ngừng nghỉ, hơn 83 nghìn công nhân sống bao quanh nhà máy. Lực lượng công nhân đã biến Bình Tân trở thành quận đông dân cư nhất TPHCM.

Đường Trần Văn Giàu được mệnh danh là “đường công nhân”, đặc trưng là hàng loạt khối nhà cao tầng mà giới thuê trọ thường gọi là nhà “tổ ong”. Để tăng hết mức khả năng tiếp nhận khách hàng, chủ nhà đã giảm tối đa không gian trống.

Gầm cầu thang tầng trệt là nơi để xe, chật như nêm, vã mồ hôi hột mỗi khi lấy xe ra ngoài. Kế đó là cánh cửa sắt vững chãi luôn được canh phòng cẩn mật, chỉ hé ra một chút để cảnh giác trộm cắp. Thật sự, ở khu vực này có đủ thứ “hầm bà lằng” cùng tồn tại, nếu không đủ kỹ năng sống, tai họa sẽ ập đến!

Tòa nhà 7 tầng nơi vợ chồng anh Thảo ở trọ cũng không khác, lối cầu thang nhỏ xíu, dựng ngược, đủ cho 2 người tránh nhau; căn phòng 12 mét vuông bé như lỗ mũi, nấu nướng, sinh hoạt, ngủ nghỉ,… cùng một chỗ.

Không gian chung cho vài chục con người chỉ có chừng này (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Không gian chung cho vài chục con người chỉ có chừng này (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ban công

Ban công "tổ ong" là nơi duy nhất nhìn thấy bầu trời (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Nói là ban công nhưng thực ra là khoảng thừa ra nhỏ xíu bên hông tòa nhà, chủ nhà rào “chuồng cọp”, đó là nơi duy nhất có thể phơi phóng quần áo nam lẫn nữ. Nhưng dưới lớp áo quần trùng điệp đó - có khi là nơi…tiếp khách của anh Thảo!

Ở khu nhà này, có cặp vợ chồng cả tuần chỉ kịp nhìn nhau gây lát mà không nói gì thêm, vì lệch ca, tăng ca, người về kẻ đi; ở sát vách nhiều năm không biết nhau là chuyện bình thường. Bời vì người lao động phải tính toán làm sao cho sát giờ, răm rắp như cái máy, vào ca chậm bị trừ lương, thậm chí đuổi việc!

Tôi từng đến nhiều khu trọ như vậy ở Bình Tân, điều kiện sống hạn chế, họ đa phần là người xa xứ, bỏ quê vào thành phố kiếm việc, dù khổ nhưng không thể hồi hương vì nông thôn đâu dễ kiếm tiền?

Tưởng chừng thực trạng này đâu có gì để nói, vì ở nước ta - nó là đương nhiên, và khắp mọi miền quê ở Việt Nam thuật ngữ “đi giày da”, “đi bánh kẹo”, “đi Samsung”,… đã trở nên phổ biến.

Nhưng, nếu tốt hơn, người Việt còn có cơ hội “đi Apple” nếu như mà máy Luxshare ở Bắc Giang có thể đảm nhiệm vai trò sản xuất điện thoại Iphone. Tuy nhiên, theo Apple Insider, một phần nhà máy của Luxshare vẫn chưa đạt đủ yêu cầu của Apple, đặc biệt là những yêu cầu liên quan tới khu ký túc xá của công nhân ở bên cạnh.

Vấn đề của hàng chục triệu lao động trẻ ở nước ta là họ không có nhiều sự lựa chọn tại nơi mình sinh ra và lớn lên, chỉ một số rất rất nhỏ tự khởi nghiệp thành công, còn lại phải tập trung về thành phố lớn để được bán sức lao động với giá rẻ mạt.

Việt Nam có nguồn lao động dồi dào, hoặc nói như Trung Quốc là “đội quân công nghiệp dữ trữ” luôn sẵn sàng lấp vào khoảng trống nhân lực phổ thông cho các công ty nước ngoài. Cung đã vượt cầu quá xa nên giá cả bị hạ thấp là đương nhiên!

Chưa một ai đặt ra câu hỏi: Các nhà tuyển dụng ở doanh nghiệp cần người lao động hay người lao động cần họ? Chỉ biết ở nước ta, từng có chuyện khoáy, cử nhân, thạc sĩ dấu bằng để được tuyển dụng vào làm công nhân!

Khi người lao động không tự khẳng định được giá trị của mình, không tự cho thấy mình đáng giá thì mặc nhiên họ để cho nhà tuyển dụng lật qua lật lại và chọn lựa như mớ rau héo chợ chiều.

Vì vậy, hầu hết người lao động bước vào nhà máy trong trạng thái bị động và chấp nhận, họ chỉ tập trung vào một mục đích duy nhất là kiếm tiền, không chỉ cho mình mà còn cho ông bố, bà mẹ, đứa em thơ ở quê nhà nghèo khó.

Họ ít tranh đấu để được đảm bảo điều kiện sống, điều kiện làm việc tốt hơn, thậm chí tăng lương. Bởi, như đã nói - luôn có một số lượng rất lớn từ “đội quân công nghiệp dự trữ” sẵn sàng thế chổ, bán sức lao động.

Theo khảo sát chưa đầy đủ của Viện Công nhân và Công đoàn tại 25 tỉnh, thành phố, có đến 26,5% công nhân phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12,5% có thu nhập không đủ sống, phải làm thêm giờ.

Lâu dần, không ít người lao động tại các khu công nghiệp chịu sống và làm việc dưới tiêu chuẩn mà họ không hề hay biết. Việc Apple chê điều kiện tại Luxshare cũng có nguyên nhân từ đây.

Vấn đề chưa hẳn là Apple “quan tâm” người lao động mà cái cốt là lo lắng cho sản phẩm của họ. Bởi một khi công nhân không được chăm sóc tốt thì khó tập trung tinh lực để tạo ra sản phẩm tốt nhất.

Đây là câu chuyện vĩ mô không thể chặt đứt từng khúc để giải quyết, trên tất cả nó đặt ra yêu cầu bức thiết của xu hướng "phát triển bền vững"; sự chênh lệch giàu nghèo, bất cân đối giữa thành thị và nông thôn.

Còn tiếp…