Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1976, quan hệ hai nước Việt Nam - Thái Lan không ngừng phát triển và đạt được những kết quả rất ấn tượng trong nhiều lĩnh vực.

 Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cùng Phu nhân đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân tại Sân bay Không quân Hoàng gia Thái Lan. Ảnh: Thống Nhất

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cùng Phu nhân đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân tại Sân bay Không quân Hoàng gia Thái Lan. Ảnh: Thống Nhất

>> Việt Nam- Thái Lan thắt chặt quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực

Những điểm sáng

Năm 2010, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam- Thái Lan đạt 6,78 tỷ USD, đúng 1 thập kỷ sau đã tăng lên gần 16 tỷ USD. Tiến trình trao đổi thương mại giữa 2 nước không đột biến nhưng ổn định và đều đặn, mục tiêu 25 tỷ USD là trong tầm tay.

Hai nước được định vị trên hành lang kinh tế Đông - Tây, là con đường thẳng nối từ miền Trung Việt Nam xuyên qua lãnh thổ Thái Lan ra Ấn Độ Dương, tiếp cận châu Âu và châu Phi bằng đường biển với chi phí logictics lý tưởng.
Đó là điều kiện cần để Thái Lan trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN. Và đây cũng là cơ sở thực tiễn để nhận định tiềm năng hợp tác kinh tế rất rộng mở, nếu hai nước có thể kiến tạo cơ chế phối hợp hành động dựa trên điều kiện địa lý.

Ví dụ, hàng hóa từ các trung tâm công nghiệp vùng Đông Bắc Thái Lan có thể được vận chuyển qua các cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Cha Lo (Quảng Bình) đến cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Cửa Lò (Nghệ An) đi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Canada,… và ngược lại - là hoạt động kinh tế tổng hợp rất sôi động, có lợi cho đôi bên.

Về đầu tư, hiện Thái Lan vươn lên trở thành đối tác đầu tư lớn thứ 8 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với gần 700 dự án, tổng vốn trên 13 tỷ USD. Các lĩnh vực đầu tư chính gồm xây dựng khu công nghiệp, công nghệ cao, năng lượng, bán lẻ, nông nghiệp, môi trường, tài chính-ngân hàng, điện tử, điện lạnh, chế biến nông sản, thức ăn chăn nuôi…

Sau năm 1960, Thái Lan đã thay đổi về tầm nhìn lẫn chính sách tăng trưởng. Nước này chuyển sang đầu tư nhiều vốn và kỹ thuật cao thay cho lao động giá rẻ. Họ không sử dụng chiến lược sản xuất thay thế hàng nhập khẩu nữa, mà hướng đến xuất khẩu. 

Tuy vậy, biểu đồ thương mại song phương cho thấy tính bất cân xứng. Việt Nam vẫn duy trì trạng thái nhập siêu từ Thái Lan xung quanh mốc 50% tổng kim ngạch. Điều đó đặt ra vài vấn đề mang tính phổ quát cho lĩnh vực ngoại thương nước ta:

Thứ nhất, hàng Thái Lan “thiện chiến” hơn hàng Việt Nam, đa dạng mẫu mã, chủng loại, chất lượng. Đơn cử trong lĩnh vực nông sản, nước bạn luôn đi trước khu vực về áp dụng công nghệ tiên tiến; khâu nghiên cứu sáng tạo cây, con mới.

Thứ hai, khi so sánh với một nền kinh tế vừa phải như Thái Lan sẽ thấy một số nhược điểm của kinh tế Việt Nam - những rào cản mà chúng ta hoàn toàn có thể xử lý một cách mềm mại. Đó là năng suất lao động cao, trình độ chế biến sâu, làm chủ phần lớn chuỗi cung ứng - chuỗi giá trị “Made in Thailand”.

Trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Thái Lan lần này, hai bên sẽ thống nhất triển khai “3 kết nối”: Kết nối chuỗi cung ứng; kết nối cơ sở sản xuất, trước hết là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại các địa phương hai nước; kết nối chính sách phát triển bền vững của hai quốc gia.

>> Mở rộng cơ hội giao thương Việt Nam – Thái Lan

Đúc rút gì từ Thái Lan?

Những năm đầu thập niên 90, người Việt rất chuộng chiếc xe máy “Dream II” được sản xuất tại Thái Lan trên dây chuyền công nghệ Nhật. Chiếc xe này như một biểu tượng của sự bền bỉ, đa dụng, tiết kiệm, rất phù hợp với thị hiếu người Việt. Người Thái xây dựng thương hiệu nền kinh tế bắt đầu từ như vậy.

Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam- Thái Lan

Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam- Thái Lan

Hiện nay, người Việt Nam có “mốt” săn tìm trái cây, gạo, mỹ phẩm, đồ điện tử Thái Lan “xách tay” bởi vì chất lượng và độ tin cậy cao. Dù cách xa địa lý với thị trường Trung Quốc hơn Việt Nam nhưng Thái Lan có thể đưa 22 loại trái cây nhập khẩu chính ngạch vào đất nước tỷ dân, còn Việt Nam chỉ có 2 loại.

Không chỉ đa dạng cách đưa hàng sang Trung Quốc mà Thái Lan còn xây dựng thương hiệu nông sản cũng rất chuyên nghiệp, bài bản như cách họ tổ chức “Hội chợ sầu riêng quốc tế”. Trong khi chúng ta còn đang bán sầu riêng với quy cách truyền thống thì doanh nghiệp xứ Chùa vàng đã tổ chức được những bữa tiệc buffet sầu riêng tại các nhà hàng với tư cách đặc phẩm.

Trong lúc chủ nghĩa bảo hộ dâng cao do nguy cơ khủng hoảng lương thực, lạm phát thì đường, thịt gà và gạo Thái Lan đang được hưởng lợi. Xuất khẩu lương thực, thực phẩm dự báo mang về 35 tỷ USD. Thái Lan không đối mặt nguy cơ thiếu lương thực như các nước khác vì họ được ví như “nhà bếp” của thế giới.

Một trong những bí quyết mà Bộ Nông nghiệp Thái Lan nắm được, đó là thay đổi tư duy người nông dân bằng công thức “vốn + chính sách”. Thương nhân không buôn chuyến, ăn xổi, chẳng hạn như việc doanh nghiệp Thái tận dụng cả đường sắt, đường bộ của Lào nối Trung Quốc để kết nối làm ăn; sử dụng đường biển vận hành các đội tàu nhỏ đưa hàng đến thị trường khổng lồ.

Doanh nhân Thái Lan đã vươn tầm quốc tế, họ đầu tư, mua bán, sáp nhập khắp Đông Nam Á; một vài “ông trùm” đứng sau nền công nghiệp bóng đá đỉnh cao Anh quốc. Đất nước này còn sở hữu ngành công nghiệp ô tô đứng số 1 khu vực. Gần một nửa các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô lớn nhất thế giới đã đặt nhà máy tại đây, đặt mục tiêu Top 10 thế giới.

Cách làm kinh tế của Việt Nam xét cho cùng cũng đặt mục tiêu đạt được những thành công như Thái Lan đang có. Khoảng cách phát triển giữa hai nước không quá chênh lệch và những gì nước bạn trải qua không phải là quá khứ xa vời. Do vậy, tăng cường đối tác chiến lược, phương châm “3 kết nối” đã đánh trúng vấn đề cần tiếp cận.