>>>Bắc Giang: Bứt phá mới để thu hút FDI

Với mục tiêu cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh trong giai đoạn mới, những năm gần đây Bắc Giang đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững. Đây được coi là động lực và là chìa khóa quan trọng để Bắc Giang tăng tốc, phát triển trong những năm tới.

Quyết tâm cải thiện

Thời gian qua, với quyết tâm mạnh mẽ cùng với tinh thần cầu thị của lãnh đạo tỉnh môi trường đầu tư, kinh doanh của Bắc Giang đã có bước cải thiện tích cực, được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao. Mặc dù đại dịch COVID-19 đã khiến các nền kinh tế trì trệ, thậm chí cả suy thoái, nhưng Bắc Giang vẫn luôn được coi là điểm đến đầu tư hấp dẫn với nền kinh tế sôi động và luôn có tốc độ tăng trưởng cao.

Theo báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Bắc Giang, kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì đà phục hồi mạnh mẽ và bền vững. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm 6 tháng đầu năm đạt 24%, cao nhất từ trước đến nay và đứng đầu cả nước.

>>>Bắc Giang: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh

>>>Bắc Giang: Quy hoạch đi trước

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, để đạt mục tiêu nâng điểm số PCI đạt 66,30 điểm tăng 1,56 điểm so với năm 2021; xếp hạng tối thiểu 25/63 tỉnh, thành phố và nằm trong nhóm các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế “khá” trên bảng xếp hạng cả nước, tỉnh Bắc Giang đặt ra nhiệm vụ tập trung cải thiện, nâng cao điểm số của các chỉ số thành phần, khắc phục những hạn chế của chỉ số giảm điểm năm 2021.

Cùng với đó, Bắc Giang cũng gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh đồng thời tiếp tục đổi mới quy chế làm việc, phương thức chỉ đạo điều hành để đáp ứng tình hình mới hiện nay.

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang

Thẳng thắn nhìn nhận

Theo ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, mặc dù chỉ số PCI của tỉnh tăng điểm song thứ hạng giảm 4 bậc so với năm trước. Tỉnh thẳng thắn nhìn nhận rằng việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh còn chậm so với mức trung bình của cả nước và chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Những nỗ lực cải thiện chưa thực sự phát huy hiệu quả thực tiễn, còn rào cản, điểm nghẽn, bất cập trong quản lý, điều hành, thực thi công vụ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất công nghiệp của tỉnh phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI, đặc biệt là một nhóm nhỏ các doanh nghiệp lớn. Sức lan tỏa của các dự án FDI còn thấp, chưa tận dụng hiệu quả sự có mặt của các doanh nghiệp FDI lớn để nâng cao năng lực quản lý, trình độ công nghệ của DN địa phương.

Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện của các dự án còn thấp so với tổng vốn đầu tư đăng ký. Môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã có nhiều cố gắng song chưa thực sự được cải thiện.

Quỹ đất công nghiệp sạch trong các khu, cụm công nghiệp còn thiếu, trong khi công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp tiến độ chậm so với kế hoạch…

Với tinh thần cầu thị, lắng nghe, các cấp chính quyền tỉnh Bắc Giang cùng tháo gỡ các nút thắt, tập trung phân tích, đánh giá những mặt tồn tại, hạn chế để có biện pháp khắc phục. Qua đó, xây dựng lòng tin và nâng cao mức độ hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp, tạo động lực tăng trưởng mới.

Bắc Giang đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Bắc Giang triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Giải pháp đồng bộ

Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh Bắc Giang đưa ra 06 nhóm giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chỉ số PCI năm 2022 cũng như đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng, công khai, minh bạch, thân thiện để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đầu tư vào tỉnh.

Thứ nhất là giải pháp về công tác chỉ đạo điều hành, người đứng đầu các cơ quan đơn vị phải đề cao trách nhiệm nêu gương và tăng cường trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao.

Thứ hai là giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, các cấp, các ngành tiếp tục quyết liệt cải cách thủ tục hành chính theo hướng hiệu quả, thực chất.

Thứ ba là giải pháp về đối thoại, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các sở, ngành, địa phương thường xuyên đổi mới phương pháp đối thoại, gặp gỡ, tiếp xúc với doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm tạo ra sự thân thiết, gần gũi giữa chính quyền và doanh nghiệp thông qua các hoạt động hội nghị, hội thảo, gặp gỡ, tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Thứ tư là giải pháp nâng cao tính minh bạch, thực hiện công khai 100% thông tin, tài liệu (trừ tài liệu mật) các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh và các văn bản quy phạm phát luật, các TTHC, chủ trương, định hướng thu hút đầu tư, các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp… các thông tin khác có trách nhiệm phải cung cấp theo quy định pháp luật tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi họ có yêu cầu.

Thứ năm là giải pháp đối với cán bộ, công chức, viên chức trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tổ chức tập huấn kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong thực thi công vụ; tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho toàn thể cán bộ, công chức bộ phận một cửa, cán bộ trực tiếp giải quyết công việc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Thứ sáu là nhóm giải pháp về tuyên truyền cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong cơ quan, đơn vị mình đồng thời tuyên truyền cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư hiểu được những nỗ lực tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong thời gian qua nhằm tạo ra sự đồng thuận, chia sẻ giữa doanh nghiệp với chính quyền.